Dòng sự kiện:
Này em có nhớ
01/04/2018 23:09:43
Mỗi năm, hàng chục con đường mới ở Việt Nam được đặt tên. Những tên đường nhiều tới mức nhà quản lý đã bắt đầu phải nghĩ tới ngày cạn kiệt quỹ tên, và muốn đánh số đường.

Nhưng “đường Trịnh Công Sơn” ở Hà Nội và Sài Gòn lại ra đời theo một cách rất riêng: chúng chỉ mang tên người nhạc sĩ, sau nỗ lực vận động của một nhóm người.

Những người ấy đưa cho tôi xem một lá thư. Nó được gửi đi vào ngày 10/3/2011, kèm chữ ký của 20 trí thức, nhà văn hóa được gửi đến chính quyền hai thành phố lớn. Họ gọi đó là "lá thư" chứ không phải "lá đơn" như lối gọi thông thường trong trường hợp này. Vì bạn bè của Trịnh Công Sơn nghĩ, ông lúc nào cũng chỉ thích tâm tình chia sẻ. Trịnh Công Sơn rất thích viết thư và viết thư rất hay.

Nhạc sỹ Trịnh Công Sơn

Nội dung lá thư rất đơn giản. Nó viết: “Chúng tôi hoàn toàn tin rằng, việc xem xét để đặt tên Trịnh Công Sơn cho một đường phố tại thành phố Hồ Chí Minh (và Hà Nội) vừa là để đáp ứng nguyện vọng của đông đảo những người yêu mến âm nhạc của ông, vừa thể hiện sự công bằng với lịch sử.”

Dịp kỷ niệm 17 năm ngày mất của cố nhạc sĩ, tôi tìm lại những con người đã ký vào “lá thư” năm xưa. Ông Nguyễn Thiện là người đưa ra ý tưởng này, vào ngày giỗ 10 năm của nhạc sĩ. Ông kể với tôi, rằng nó hình thành, khi họ chứng kiến trong những đám giỗ, đám tang, đêm nhạc của ông, họ chứng kiến hàng nghìn người, các chính trị gia, việt kiều, doanh nhân, người buôn bán, sinh viên, người già, trẻ nhỏ, nội trợ, hàng rong, bán vé số… đều dừng công việc của mình để đồng thanh hát nhạc Trịnh, bất kể những khi Sài Gòn mưa tầm tã. Ông “tự hỏi điều gì ở nhạc Trịnh đã thấm đẫm vào những tâm hồn Việt Nam như thế”. Điều đó thôi thúc ông Thiện phải làm một cái gì đó. Và ông “đi xin tên đường”. Ý tưởng của ông được một người bạn thân của nhạc sỹ ủng hộ và cùng vận động. Họ bàn cách. Họ mời thêm người đặt bút ký tên vào đơn. Ông Thiện cầm văn bản đem đi gửi, làm đầu mối liên hệ với chính quyền hai thành phố.

Sau vài tháng đi tới đi lui, viết văn bản, bổ sung tài liệu, người ta cũng đặt vấn đề tại sao đặt tên đường Trịnh Công Sơn mà lại không có đường tên người này người khác, hay cần điều kiện này kia. Hồi ấy, có ý kiến cho rằng “khó lắm, không bao giờ được đâu vì vướng tập Ca Khúc Da Vàng ”. Có vài tên tuổi ký rồi không hiểu sao lại xin rút. Có người bạn của Trịnh không ký vì không tin vào kết quả. May thay, nhạc sĩ Hồng Đăng ký tên vào bản vận động xong còn “Cảm ơn anh đã cho tôi được ký chuyện này”. Bà Tôn Nữ Thị Ninh trả lời bằng văn bản: “Một việc nghĩa như thế đương nhiên là tôi tham gia”.

Sở Văn hoá Thể thao & Du lịch TP HCM sau đó gửi thư cho ông Nguyễn Thiện, cảm ơn những người yêu mến tài năng của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã quan tâm đến công tác đặt tên đường. Họ chuyển đề nghị này tới Hội đồng đặt, đổi tên đường để xem xét và bổ sung vào quỹ tên.

Đến tận tháng 1/2015, đường Trịnh Công Sơn mới được đặt tên tại Quận 9, TP HCM. Sau đó 5 tháng, một con đường xinh đẹp ven Hồ Tây cũng được gắn biển mang tên nhạc sỹ tại Hà Nội, nơi “bầy sâm cầm nhỏ vỗ cánh mặt trời” trong ông từ nhiều năm trước.

Ai gần gũi với Trịnh Công Sơn đều biết ông có một từ cửa miệng, thường xuyên dùng: “Thôi kệ!”. Ai làm gì, nói gì không hay, ai xấu, ai ác, ai làm mình buồn, ông đều tóm lại: “Thôi kệ. Cuộc đời có bao lâu”.

Cái tên “Trịnh Công Sơn” một thời được in rồi trương ra mặt đường chỉ để bán vé. Một số người làm kinh tế nghệ thuật từng định vị nhạc Trịnh như hàng xa xỉ, đẩy giá vé lên tiền triệu, rồi đi đòi nợ nhau om sòm mà quên mất rằng nhạc Trịnh là thứ hàng hiệu không cần nhãn mác.

Với Trịnh Công Sơn, có lẽ âm nhạc là một nhu cầu tự thân, là cách bày tỏ những suy tư thầm kín của một con người bình đẳng với mọi người về sự tồn tại. Vì thế mà ca từ của nhạc sĩ luôn mời gọi con người trở về với từ bi và buông bỏ bằng những lời đầy tầng nấc. Vì thế mà nhạc của ông chạm đến sợi dây rung cảm sâu xa nhất của phận người. Nhưng những con đường lứa đôi, những hè phố vui đó, không của ai giống ai. Những “chốn riêng cho mọi người” trong nhạc Trịnh chỉ mỗi người mới hiểu, mới chìm đắm trong nó theo cách của mình. Nhạc Trịnh vì thế được định đoạt bởi quyền năng thuộc về hàng ngàn tâm hồn vấn vương với nó.

Nguyễn Thiện bảo, thật ra đến giờ này ông cũng không quen ai trong gia đình Trịnh Công Sơn và cũng không quen nhạc sĩ khi ông Sơn còn sống. Chỉ nhớ khi ông còn rất nhỏ, chú Sơn tới nhà chơi với ba, khi đó ông Sơn dạy học ở Bảo Lộc còn ba làm thanh gia giáo dục ở Lâm Đồng.

Nhưng có lẽ nhiều người Việt Nam sẽ đồng ý với ông, rằng họ đã gặp, đã quen Trịnh Công Sơn trong những tình huống rất riêng tư, và đã chân thành yêu mến người nhạc sĩ như người thân.

Trong số những người đã viết lá thư, có người không dự bất kỳ lễ ra mắt một con đường Trịnh Công Sơn nào. “Nhưng sau đó tôi âm thầm đi qua một mình, lặng ngắm những dòng người cũng đi qua con đường ở Huế và Hà Nội”, họ kể. “Tôi cảm thấy sự kết nối của ông vẫn còn đâu đây. Tôi tin mọi người đi qua con đường đó luôn có những cảm xúc đặc biệt khác với các con đường khác”.

Không chỉ có Huế, Hà Nội, Sài Gòn, cái nhu cầu được đặt tên đường “Trịnh Công Sơn” như biểu tượng của vẻ đẹp trong tiếng Việt và tâm hồn Việt sẽ còn tự nhiên xuất hiện ở nhiều người, nhiều nơi nữa. Ở nơi đó, “đường phố này một chiều tôi tới, đi lang thang tôi chào vẫy mọi người”.

Theo VnExpress

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến