Lo sợ dịch tả lợn Châu Phi bùng phát
Đến thời điểm này, khi mà dịch tả lợn Châu Phi (ASF) đã lây lan nhanh ra 7 tỉnh thành trong cả nước, các ngành chức năng cũng như người chăn nuôi lợn đang “gồng mình” cùng nhau phòng chống. Đặc biệt, tại Đồng Nai, "thủ phủ" chăn nuôi lợn của cả nước, công tác phòng chống loại dịch bệnh này đang được các ngành chức năng chú trọng mạnh và cũng là vấn đề đáng quan ngại.
Người chăn nuôi lo lắng trước dịch tả lợn Châu Phi.
Trước tình hình nguy cấp đó, mới đây, UBND tỉnh Đồng Nai đã có quyết định thành lập 2 chốt kiểm dịch động vật tạm thời để kiểm soát việc vận chuyển heo qua địa bàn nhằm ngăn chặn sự xâm nhập của bệnh ASF. 2 chốt kiểm dịch này gồm 1 chốt đóng trên Quốc lộ 20, tại điểm giáp ranh giữa địa bàn huyện Tân Phú (tỉnh Đồng Nai) và tỉnh Lâm Đồng.
Chốt số 2 đặt tại Quốc lộ 1A ở điểm giáp ranh giữa xã Xuân Hòa, huyện Xuân Lộc (tỉnh Đồng Nai) và tỉnh Bình Thuận. Các chốt kiểm dịch này sẽ thực hiện công tác kiểm tra động vật, sản phẩm động vật từ các tỉnh phía Bắc và Tây Nguyên vận chuyển qua địa bàn tỉnh Đồng Nai nhằm ngăn chặn sự xâm nhập và lây lan của ASF vào Đồng Nai.
Cụ thể, tin từ sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai cho biết, kết quả nghiên cứu dịch tễ của 68 ổ dịch AFS tại Trung Quốc chỉ ra 3 nguyên nhân chính làm dịch này lây lan gồm 46% do phương tiện vận chuyển và con người nhưng không thực hiện vệ sinh, phun thuốc khử trùng, tiêu độc; 19% do vận chuyển lợn sống và các sản phẩm lợn giữa các vùng dịch; 34% do sử dụng thức ăn thừa trong chăn nuôi.
Nhiều đàn lợn chưa đến tuổi xuất chuồng nhưng đứng trước nguy cơ dịch bệnh bùng phát.
Vì vậy, tỉnh Đồng Nai đã lập thêm trạm kiểm dịch và tăng cường công tác kiểm soát tại các trạm kiểm dịch, ngăn không để nguồn bệnh do việc vận chuyển lợn từ các tỉnh miền Bắc vào Đồng Nai.
Ông Phạm Mạnh Hùng, Trưởng trạm Kiểm dịch động vật Ông Đồn (huyện Xuân Lộc) cho biết, ngay sau khi miền Bắc xuất hiện các ổ dịch AFS, trạm kiểm dịch đã huy động toàn bộ lực lượng thực hiện công tác kiểm tra, kiểm soát nguồn lợn qua trạm. Kiểm soát việc thực hiện kiểm dịch, xuất xứ, nguồn gốc và kiểm tra từng con lợn về các dấu hiệu của bệnh AFS.
“Hiện mỗi ngày trung bình có từ 10-15 xe tải chở lợn thịt (khoảng 1.500-2.000 con) từ miền Bắc đi qua Đồng Nai tiêu thụ ở các tỉnh phía Nam. Có nhiều xe chở lợn từ các tỉnh đã phát hiện ổ dịch AFS như 2-3 xe lợn/ngày từ tỉnh Thái Bình đi qua trạm; 1-2 xe chở lợn/ngày từ Hà Nội. Ngoài ra, có từ 1-2 xe đông lạnh chở sản phẩm từ thịt lợn từ Bắc vào Nam tiêu thụ”, ông Hùng nói.
Còn ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng chi cục Chăn nuôi và thú ý Đồng Nai cho biết, lúc này, giá lợn hơi ở miền Nam vẫn đang ở mức cao nhất. Vì vậy, việc vận chuyển lợn từ miền Bắc, miền Trung vào miền Nam tiêu thụ dự báo sẽ tăng. Hiện bệnh dịch ASF lại đang bùng nổ ở 6 tỉnh thành miền Bắc và 1 tỉnh miền Trung. Nguy cơ dịch này nhiễm vào Đồng Nai qua đường vận chuyển có khả năng rất cao. Vì thế, ngay thời điểm nắm thông tin dịch tả lợn châu Phi xuất hiện ở miền Bắc, cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai đã tổ chức cuộc họp, đề ra các giải pháp ứng phó khẩn cấp dịch bệnh.
Kiểm dịch nghiêm ngặt.
Theo ông Quang, dịch tả lợn châu Phi không có vắc xin phòng bệnh, không có khái niệm chữa trị, 100% lợn mắc bệnh bị chết, tuy nhiên, loại dịch bệnh này hoàn toàn không lây sang người.
“Cách phòng trị dịch tả lợn châu Phi hiệu quả nhất là người chăn nuôi thường xuyên thực hiện vệ sinh, phun thuốc sát trùng tiêu diệt các loại mầm bệnh. Khi phát hiện lợn có biểu hiện bất thường hoặc chết không rõ nguyên nhân thì báo cho cơ quan chức năng,…”, ông Quang nói.
Còn ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết, hiện tại, hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai đang theo dõi sát diễn biến của dịch tả lợn châu Phi. Để phòng bệnh, trước mắt, hiệp hội khuyến cáo người chăn nuôi tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin, vệ sinh khử trùng chuồng trại, giữ cho đàn lợn có sức khoẻ tốt; không sử dụng các loại thức ăn trôi nổi trên thị trường, không mua bán lợn chết, mắc bệnh.
Cũng trong diễn tiến của vụ việc này, chúng tôi đã có mặt tại nhiều huyện có số lượng đàn lợn lớn tại tỉnh Đồng Nai. Tại đây, người chăn nuôi lợn như đang như ngồi trên đống lửa bởi dịch bệnh đang diễn biến phức tạp.
Sợ vỡ nợ, mất nhà
Cụ thể, khi PV gặp hộ bà Nguyễn Thị Hoa (ngụ huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai), bà Hoa chia sẻ, đến lúc này, gia đình bà không thể ngồi yên trước dịch bệnh nhưng đàn lợn 1.700 con của gia đình phải gần 1 tháng nữa mới đủ tuổi xuất chuồng. Vì vậy, gia đình bà Hoa càng lo lắng. Nếu lỡ dính dịch thì công chăm sóc và bao nhiêu tiền của bấy lâu đều mất trắng.
“Đây là loại dịch bệnh cực kỳ nguy hiểm, lợn mắc dịch này sẽ chết, điều này khiến tôi và người chăn nuôi khác đang rất lo lắng. Sau một năm giá lợn khởi sắc, chúng tôi đang vực lại kinh tế thì lại xảy ra dịch này, thật sự sợ lại trắng tay. Giờ chỉ biết cầu mong ông trời thương, phù hộ để qua đợt dịch này an toàn, cầu mong các ngành chức năng ngăn chặn không để dịch lây lan, tấn công vào miền Nam và sớm dẹp được dịch trên cả nước”, bà Hoa chia sẻ.
Người chăn nuôi sợ mất trắng nếu xảy ra dịch bệnh.
Còn ông Hoàng Minh Cường (ngụ huyện Thống Nhất) cũng cho biết, gia đình ông đang lo lắng trước tình hình dịch bệnh. Từ khi có thông tin về dịch bệnh này xuất hiện ở Việt Nam, nhà ông đã cách ly toàn bộ đàn lơn của mình, đảm bảo vệ sinh chuồng trại, thức ăn sạch, an toàn.
“Rất đáng sợ, dịch này nguy hiểm lắm, nếu dính sẽ chết hết, mất hết và trắng tay, không thể cứu vãn. Vì thế nên dù trước đây, thỉnh thoảng tôi vẫn mua thức ăn dư thừa của các bếp ăn công nghiệp về cho lợn. Nhưng từ khi dịch đã xuất hiện, tôi quyết định ngừng sử dụng loại thức ăn này, chỉ dùng cám của các doanh nghiệp uy tín; tiêm phòng các loại vắc xin phòng bệnh trên đàn lợn để hạn chế tối đa việc mắc dịch bệnh và đảm bảo an toàn cho đàn lợn gia đình. Thà bỏ tiền ra để mua thức ăn đảm bảo tuy tốn chút ít nhưng lại an toàn”, ông Cường cho biết.
"Thủ phủ" chăn nuôi heo gồng mình phòng chống dịch.
Còn anh Minh Hưng (huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai), người đang sở hữu đàn lợn 2.500 con, cũng bất an trước dịch tả lợn Châu Phi.
Anh Hưng cho biết, gia đình anh sụp đổ kinh tế từ 2 năm giá lợn xuống mức thấp đáng báo động. Hiện nay, giá lợn vừa lên, đang mong muốn bán lứa lợn này sẽ trả được nợ ngân hàng nhưng trước nguy cơ dịch bệnh bùng phát, anh lại sợ gia đình vỡ nợ.
“Tôi chỉ mong dịch bệnh sớm tan nhanh để chúng tôi an tâm làm kinh tế. Nếu thật sự dịch bệnh xuất hiện tại Đồng Nai chắc chúng tôi chỉ còn nước bán trại bán nhà để trả nợ và bỏ nghề nuôi heo”, anh Hưng nói.
Trong ngày 4/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến triển khai các giải pháp cấp bách khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi. Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh việc phòng chống dịch tả châu Phi là của cục Thú y và tất cả các tỉnh thành của các nước. Chủ tịch tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải chịu trách nhiệm nếu để dịch bùng phát và lây lan. Trong hội nghị, phía bộ Nông nghiệp cũng có văn bản đề xuất Chính phủ cho phép hỗ trợ đối với lợn bị tiêu hủy là 80% giá thị trường. Việc tăng mức hỗ trợ là để bà con an tâm tiêu hủy, không bán đổ bán tháo lợn bệnh. Đề xuất của bộ Nông nghiệp đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thông qua. |
NĐT
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy