Dòng sự kiện:
NSƯT Kim Tử Long: Cải lương lụi tàn vì không có sân khấu để diễn
02/09/2018 13:09:12
Cải lương hiện đang có dấu hiệu ngày càng lụi tàn, trong dịp lễ 2/9 này vẫn không có vở diễn nào phục vụ khán giả TP HCM. Phải chăng cải lương đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình và đến lúc phải giã từ sàn diễn?

Dịp lễ 2/9 này, người dân TP HCM muốn đi xem cải lương thì cũng không thể xem được vì không có vở diễn.

Lịch sử ra đời cải lương

Cải lương xuất hiện từ năm 1918, thập niên 60 là thời kỳ cải lương hưng thịnh nhất, lấn át cả tân nhạc. Các sân khấu cải lương được đông đảo khán giả đến xem hàng ngày, nên ngày nào cũng có xuất diễn, nhờ đó mà các soạn giả và nghệ sĩ có cuộc sống khá sung túc.

Sau ngày đất nước thống nhất, cải lương còn hoạt động mạnh thêm 10 năm, đến năm 1985 mới bắt đầu dần dần sa sút và mai một dần sau 100 năm phát triển.

NSUT Kim Tử Long trao đổi với PV.

Nguyên nhân dẫn đến cải lương dần lụi tàn

Trao đổi với PV báo Lao Động, NSƯT Kim Tử Long cho biết trước 1975, các ông bà bầu bỏ tiền lập gánh nên căng đầu suy nghĩ để tìm lối đi. Vì vậy giai đoạn này, cải lương phát triển cả về chất và lượng. Sau năm 1975, cải lương được Nhà nước “bao cấp”, nên nhiều kịch bản dựng theo chỉ đạo nhiều hơn là theo nhu cầu thị hiếu người xem. Vì vậy, cải lương ngày càng xa rời với công chúng.

“Hiện tại không có một sân khấu nào để phục vụ nghệ thuật cải lương, tất cả vở diễn đều phải đi thuê sân khấu với chi phí lên đến 60 triệu đồng/đêm. Do chí phí thuê cao nên phải bán giá vé cao, mà bán giá cao thì khán giả không có tiền để xem” - NSƯT Kim Tử Long nói.

Nghệ sĩ trẻ Quế Trân trong một vai diễn.

Nghệ sỹ Quế Trân lý giải với PV báo Lao Động về nguyên nhân cải lương lụi tàn: “Ngày nay có thêm nhiều loại hình giải trí và phương tiện truyền thông phát triển chi phối sự lựa chọn của khán giả. Đây là nguyên nhân ảnh hưởng đến sân khấu sàn diễn cải lương”.

Giải pháp để vực dậy cải lương

Hiện NSƯT Kim Tử Long và nhiều nghệ sĩ phía Nam đang âm thầm thực hiện phương án bảo tồn và phát triển nghệ thuật truyền thống này. Các nghệ sĩ khi thực hiện dự án đều tự thân vận động, tự kêu gọi tài trợ hoặc bỏ tiền túi ra làm.

“Điều quan trọng là cần có một sân khấu cải lương để anh em nghệ sĩ diễn mà không phải đi thuê. Khi đó giá vé xem cải lương chỉ khoảng 300.000 đồng, thay vì tiền triệu như hiện tại. Giá vé thấp thì hút được nhiều khán giả đến xem, trong đó có giới trẻ, học sinh, sinh viên”. NSƯT Kim Tử Long nói.

Do giá thuê sân khấu quá cao, nên các vở diễn cải lương có giá vé bán tiền triệu.

Nghệ sĩ trẻ Quế Trân thì cho rằng để thu hút khán giả đến với cải lương, cần cố gắng dựng lại kịch bản cũ hay, đồng thời có thêm nhiều vở diễn mới cho sân khấu sáng đèn. “Để phù hợp hơn với nhu cầu và thị hiếu người xem cần quan tâm đầu tư cho các chương trình cải lương truyền hình. Cần đưa cải lương vào học đường, dàn dựng những kịch bản văn học, lịch sử và cả những đề tài mang hơi thở thu hút đối tượng khán giả trẻ”, Quế Trân nói với PV báo Lao Động.

Cải lương cũng như nhiều ngành nghệ thuật sân khấu truyền thống khác, đang đứng trước một bờ vực chênh vênh. Nếu không có những nỗ lực để vực dậy, có thể sẽ sớm lụi tàn theo thời gian.

Theo Lao Động
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến