Dòng sự kiện:
Nữ sinh nghèo trường làng gian nan với ước mơ đến giảng đường đại học
07/08/2021 13:51:33
Đạt điểm cao trong kỳ thi THPT Quốc gia 2021, nhưng ước mơ đến đại học của em Phạm Thị Thuận (Thanh Hóa) thật gian nan bởi gia đình quá khó khăn.

Con đường quanh co dẫn chúng tôi đến làng Nhỏi, xã Cao Ngọc, huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa). Ngôi nhà tuềnh toàng nép dưới tán cây ven đường, là nhà em Phạm Thị Thuận. Thấy chúng tôi đến, anh Phạm Văn Dũng (SN 1985), bố em Thuận, một người tàn tật, vội lê lết dùng cả tay và chân bò ra tiếp khách. Lúc này, em Thuận đang đi chăn bò trên đồi nhận được tin cũng mới chạy về.

"Đang được nghỉ hè, nên em tranh thủ đi chăn bò cho ông bà ở trên đồi", Thuận ngại ngùng nói.

Nhà nghèo nhưng suốt 12 năm qua, Thuận luôn là học sinh khá, giỏi 

Nữ sinh cho biết, trong kỳ thi THPT Quốc gia 2021 vừa qua, em thi khối C1 đạt điểm gồm: Ngữ văn 8,5; Lịch sử 8,5; Giáo dục công dân 10. Do là học sinh dân tộc thiểu số, em được cộng điểm ưu tiên đạt tổng điểm 29,75.

Với số điểm này, Thuận có khả năng đủ điểm đậu vào những trường Đại học sư phạm top đầu lấy khối C1, giấc mơ trở thành cô giáo của em đã rất gần. Thế nhưng, hoàn cảnh gia đình khó khăn đã trở thành rảo cản em đến với giảng đường đại học. 

Anh Dũng, bố của Thuận, được sinh ra với một cơ thể lành lặn, thế nhưng sau một trận sốt “thập tử nhất sinh” lúc còn nhỏ đã khiến anh co quắp hết chân tay đến tận bây giờ. Cứ mỗi khi trở trời, cơn đau lại hành hạ.

19 năm trước, được bạn bè trong làng mai mối, anh Dũng và chị Xuyên gặp nhau. Chị từ nhỏ đã ốm yếu, quặt quẹo, cảm thông với hoàn cảnh của đối phương, hai người về chung một nhà. Từ đó, 2 đứa con lần lượt ra đời, mọi gánh nặng đều dồn hết lên người vợ một tay lo liệu.

Mẹ đi vắng, Thuận phải cáng đáng việc chăm sóc em trai và bố

Gia đình thuộc hộ nghèo, chồng lại không có sức lao động. Nhà chỉ có 1 sào ruộng quanh năm thiếu ăn. 5 năm trước, chị Xuyên đành rời nhà đi Hà Nội làm thuê cho một xưởng tăm.Tiền công rất thấp, có tháng chỉ được 2 triệu đồng, trừ hết chi phí ăn ở, chẳng còn lại bao nhiêu để gửi về gia đình.

Ở nhà, Thuận có nhiệm vụ chăm sóc cho bố và em trai nhỏ, tự lo liệu việc học. Mỗi năm, gia đình 4 người chỉ có thể đoàn tụ vào dịp Tết. Đợt này, do dịch COVID-19, chị Xuyên vẫn đang kẹt ở Hà Nội, chỉ có thể liên lạc qua điện thoại về cho chồng con.

Khi biết kết quả thi, Thuận vui mừng gọi báo cho mẹ. Thế nhưng sau vài giây ngập ngừng, đầu giây bên kia nói: “Học đại học rất tốn kém, mẹ không đủ khả năng nữa. Con chịu khó gác lại để đi làm giúp mẹ nuôi bố và em”.

Suốt đêm đó, Thuận khóc vì buồn, nhưng em không trách mẹ vì rất hiểu hoàn cảnh gia đình mình. Ngay từ khi chuẩn bị kỳ thi, các bạn cùng trường háo hức điền nguyện vọng vào các trường đại học, em cứ tần ngần mãi không làm vì xác định phải nghỉ học. Cô giáo chủ nhiệm Nguyễn Thị Vân là người đã giúp em làm nguyện vọng vào Khoa Sư phạm chất lượng cao của Trường ĐH Hồng Đức (Thanh Hóa).


Bố của Thuận bị tật nguyền, không tự chăm sóc được bản thân

Nói về ước mơ, mắt Thuận lúc nào cũng đầy khao khát. Em nói thích học môn Lịch sử và muốn trở thành giáo viên dạy bộ môn này vì em muốn hiểu và dạy thế hệ sau về quá khứ của dân tộc, của nhân loại. Qua đó, thấy yêu và tự hào hơn về đất nước, dân tộc mình.

"Em chỉ biết học để thoát khỏi cơ cực, lam lũ như mẹ, học mới có thể lo cho bố… Em tính sẽ đi làm thêm để trang trải sinh hoạt nếu được đi học nhưng chi phí cho bước đầu nhập học em chưa biết phải xoay xở ra sao…", Thuận nghẹn lời, nước mắt chực trào.

Anh Dũng cho biết, trong lòng rất day dứt thương con nhưng bản thân đành lực bất tòng tâm. "Tôi không được học hành đến nơi đến chốn, lại còn tật nguyền không nuôi nổi con, dù rất muốn con gái được đi học, theo đuổi ước mơ nhưng không biết làm cách nào", người bố thở dài nói.

Thương cảm cho học trò, cô giáo chủ nhiệm Nguyễn Thị Vân cho biết: "Em ấy đã luôn nỗ lực, cố gắng, năm nào cũng là học sinh khá, giỏi của trường. Từ hôm biết điểm đến giờ, mặc cảm gia đình, em định bỏ học để đi làm thuê nhưng bạn bè và thầy cô vẫn động viên em. Tôi và các thầy cô trong trường cũng đang tìm cách kêu gọi để em có một chút kinh phí nhập học".

 Lương Diễn

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến