Dòng sự kiện:
Nửa triệu tỷ đồng chảy thêm nếu nới room tín dụng
08/10/2018 14:01:58
Với tăng trưởng tín dụng 9 tháng thấp so với mục tiêu cả năm, nhiều ngân hàng TMCP sắp cạn room kỳ vọng sẽ được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nới lỏng hạn mức.

Tuy nhiên, GDP tăng trưởng khả quan và lạm phát đang ở mức cao, khiến kỳ vọng này khó trở thành hiện thực.

Nửa triệu tỷ đồng sẽ đổ thêm vào nền kinh tế?

Tăng trưởng tín dụng trong gần 9 tháng đầu năm mới đạt 9,52%, thấp hơn nhiều so với mức 11% cùng kỳ năm ngoái và chỉ đạt hơn nửa chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 17% của cả năm. Như vậy, khác với nỗi lo cạn room tín dụng, dư địa tăng trưởng tín dụng từ nay đến cuối năm còn rất lớn. Ước tính, nếu tín dụng tăng trưởng 17%, thì từ nay đến cuối năm sẽ có thêm 500.000 tỷ đồng được đổ vào nền kinh tế. 

Tăng trưởng tín dụng trong 9 tháng đầu năm đạt 9,52%. (Ảnh: Đức Thanh)

Thế nhưng, nghịch lý là, trong khi nhiều ngân hàng TMCP cạn room khát khao được nới hạn mức, thì các ngân hàng thừa room lại đang rất thận trọng đẩy mạnh cho vay. 

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Lê Quốc Anh, Tổng giám đốc Techcombank cho hay, ngân hàng này vẫn giữ quan điểm đa dạng hóa doanh thu, đẩy mạnh thu từ dịch vụ, đồng thời tăng trưởng tín dụng thận trọng, lựa chọn kỹ khách hàng nhằm hạn chế rủi ro. 

Bên cạnh sự thận trọng của bản thân các ngân hàng thương mại, theo giới chuyên gia, việc ngân hàng thừa room muốn đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng cũng không đơn giản. Thực tế, ngân hàng muốn tìm các dự án sản xuất để đẩy mạnh cho vay là không dễ, trong khi NHNN đã phát lệnh siết chặt cho vay các lĩnh vực rủi ro như bất động sản, giao thông, chứng khoán, cho vay tiêu dùng… Thậm chí, NHNN cũng “dọa” sẽ tăng cường thanh tra đột xuất các ngân hàng mạnh tay cho vay lĩnh vực này thời gian qua. 

Được biết, trên thị trường đã có 6 - 7 ngân hàng cạn room tín dụng và đã đề nghị NHNN nới room, song đến giờ, NHNN vẫn tỏ ra mạnh tay. Trong Chỉ thị 04/CT-NHNN ban hành cách đây hơn 1 tháng, NHNN khẳng định sẽ không tăng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho ngân hàng nào (trừ trường hợp đặc biệt, như một số ngân hàng thương mại tham gia tái cơ cấu trong năm 2018 đối với các tổ chức tín dụng yếu kém). 

Công ty Chứng khoán HSC từng nhận định, NHNN có thể nâng hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các nhà băng nếu GDP quý III/2018 giảm tốc. Tuy nhiên, GDP quý III vừa qua không giảm tốc, nên khả năng này rất khó xảy ra. 

Ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc Phân tích và Tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân (Công ty Chứng khoán Sài Gòn - SSI) cũng cho rằng, nhiều khả năng, tăng trưởng tín dụng cả năm 2018 sẽ thấp hơn mức 17% và NHNN sẽ không điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng thương mại. Đây là biện pháp nhằm ổn định thanh khoản, kiểm soát lạm phát và hướng dòng tín dụng vào các mục tiêu hiệu quả. 

NHNN thận trọng với lạm phát

Ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng LienVietPostBank cho biết, ngân hàng này đang tích cực cho vay các lĩnh vực sản xuất, đặc biệt là cho vay nông nghiệp, với kỳ vọng NHNN sẽ căn cứ sự chuyển biến này để “nới” thêm dư địa tăng trưởng tín dụng.

Áp lực lạm phát năm nay cao hơn các năm trước do giá dầu, giá hàng hóa... tăng. Bên cạnh đó, thế giới đang có nhiều yếu tố bất ổn như chiến tranh thương mại, làn sóng bảo hộ… Tất cả các yếu tố này có thể tác động khó lường đến tỷ giá, lãi suất trong nước. Do đó, kiểm soát các yếu tố ổn định vĩ mô trong nước là rất cần thiết, trong đó có việc thận trọng với tăng trưởng tín dụng.
- TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế

Tuy nhiên, nhiều khả năng, các ngân hàng TMCP sẽ phải thắt lưng buộc bụng, “kham khổ” tín dụng đến hết năm nay, do NHNN đang lo ngại áp lực lạm phát.

Phó thống đốc Đào Minh Tú khẳng định, dù lạm phát vẫn được kiểm soát ở mức dưới 4%, nhưng vẫn cần cảnh giác với việc kiểm soát lạm phát từ nay đến cuối năm. 

Việc tín dụng tăng thấp khiến nhiều người lo ngại sản xuất sẽ bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, dòng vốn bị siết chủ yếu là tín dụng cho lĩnh vực rủi ro. Thực tế, từ đầu năm đến nay, tín dụng rót vào sản xuất vẫn tăng mạnh, trong đó tín dụng nông nghiệp tăng hơn 20%. Đây là lý do khiến tín dụng tăng thấp so với cùng kỳ, song GDP 9 tháng đầu năm tăng tới 6,98% - mức tăng cao nhất so với cùng kỳ từ năm 2011 đến nay. 

Chính vì vậy, việc NHNN tiếp tục thắt chặt tăng trưởng tín dụng được nhiều chuyên gia kinh tế ủng hộ. TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, việc NHNN thận trọng với tăng trưởng tín dụng là dễ hiểu, bởi năm nay, áp lực lạm phát và tỷ giá lớn hơn các năm trước. 

Hiện lạm phát mới ở mức 3,2%, song nếu nửa triệu tỷ đồng được bơm ra nền kinh tế, trong khi sản xuất chưa theo kịp, thì lạm phát sẽ nhanh chóng tăng tốc trở lại.

Theo Infomoney

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến