Dòng sự kiện:
Ở nhà ở xã hội vẫn phải trả phí dịch vụ như căn hộ cao cấp?
31/05/2023 08:33:52
Đại biểu Quốc hội cho rằng người dân ở nhà ở xã hội phải có phí dịch vụ phù hợp với khả năng chi trả của họ, tránh mức phí dịch vụ cao như hiện nay.

Cần đảm bảo mức phí dịch vụ phù hợp

Thảo luận tổ Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM chiều 30/5, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm (đoàn Tiền Giang) cho biết, điểm c, Khoản 3 của dự thảo nghị quyết có nêu thí điểm giao thành phố quyết định linh hoạt trong việc quy hoạch bố trí nhà ở xã hội cho phù hợp với thực tiễn.

Theo quy định này, UBND thành phố không nhất thiết phải dành 20% tổng diện tích đất đầu tư xây dựng nhà ở thương mại dành để xây dựng nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật hiện hành.

Theo đại biểu Nguyễn Thanh Cầm, có một lý do nêu ra để tránh gây khó khăn cho người thuộc đối tượng ở nhà ở xã hội khi phải ở trong các khu đất thương mại và phải trả các chi phí dịch vụ cao cấp.

"Tôi chưa hoàn toàn đồng tình với quy định này và đề nghị phải xem xét thấu đáo quy định trên để tránh việc người ở nhà ở xã hội vốn đã khó khăn hơn người khác lại càng thêm khó khăn hơn với quy định này", đại biểu Thanh Cầm nói.

Mặt khác, đại biểu Quốc hội đoàn Tiền Giang cho rằng cần đánh giá cẩn trọng để tránh xảy ra tình trạng nhà ở xã hội sẽ gắn với những khu vực cơ sở hạ tầng chưa phát triển bằng những khu vực khác, lại xa xôi cách biệt và nhất là không đảm bảo an toàn cho người dân sinh sống.

Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm.

Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm đề nghị: "Làm thế nào để người ở trong nhà ở xã hội vẫn có khả năng chi trả chi phí dịch vụ phù hợp với khả năng chi trả của họ chứ không phải trả mức 'chi phí dịch vụ cao cấp' như hiện nay".

Hiện, dự án Luật Đất đai sửa đổi đang có quy định thu hút được sự quan tâm của rất nhiều người khi nói về nhà tái định cư. Cụ thể hóa nguyên tắc "có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ", thông qua quy định tiêu chí khu tái định cư về hạ tầng kỹ thuật: Đường giao thông đảm bảo kết nối giao thông liên kết với khu vực lân cận, điện chiếu sáng, điện sinh hoạt, hệ thống cấp, thoát nước, thông tin liên lạc, xử lý môi trường, hạ tầng xã hội...

Theo đại biểu, trong dự thảo nghị quyết này cũng cần có những quy định chặt chẽ để đảm bảo nhà ở xã hội cũng được quy định, bố trí ở những vị trí quỹ đất hoán đổi thật sự tương xứng như quỹ đất mà dự án thương mại mà theo luật định phải dành 20% ra để xây dựng nhà ở xã hội.

Gỡ điểm nghẽn cho "đầu tàu" kinh tế

Đại biểu Nguyễn Minh Hoàng (đoàn TPHCM) cho rằng, trong thời gian ngắn, Chính phủ đã hợp sức với TPHCM xây dựng một dự án chưa có tiền lệ, đó là chính sách mới tháo gỡ các điểm nghẽn cho "đầu tàu" kinh tế tiếp tục tăng tốc.

Theo đại biểu này, điểm nghẽn chính là cơ chế chính sách, thể chế, hạ tầng và nhân lực của thành phố không đáp ứng được yêu cầu phát triển của thành phố.

Đại biểu Nguyễn Minh Hoàng đánh giá, nghị quyết mới đảm được tính nội lực và bền vững của sự phát triển TPHCM.

Đại biểu này cho rằng cần quan tâm những nhóm chính sách mới như: dự thảo luật cho phép ứng dụng trước dự thảo Luật Đất đai, tạo khuôn khổ pháp lý để thu hút nhân tài, bảo vệ người dám nghĩ dám làm dám chịu trách nhiệm…

Đại biểu Nguyễn Minh Hoàng tin rằng, nghị quyết sẽ khơi thông nguồn lực, tạo đà phát triển cho TPHCM, bởi "đầu tàu" kinh tế mà chậm lại sẽ ảnh hưởng đến cả nền kinh tế.

Tác giả: Lê Hoa

Theo: Dân Trí
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến