Dòng sự kiện:
Ôm nợ xấu, ngân hàng phải 'kêu' thay cho nhà máy thép hoạt động
31/08/2019 17:09:08
Việc dừng hoạt động đối 2 nhà máy thép Dana – Ý và Dana – Úc tại Cụm công nghiệp Thanh Vinh mở rộng (Đà Nẵng) đã khiến một số ngân hàng kêu trời vì ôm nợ xấu lên đến hàng trăm tỷ.

Vừa qua, ông Trương Quang Nghĩa, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, có buổi làm việc với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Đà Nẵng và một số ngân hàng khác. Tại buổi làm việc, nhiều ngân hàng cho biết việc dừng hoạt động 2 nhà máy thép Dana - Ý và Dana - Úc trên địa bàn đã gây nợ xấu lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa làm việc với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đà Nẵng, sáng 28/8. (Ảnh: NLĐ)

Theo đó, từ khi hai nhà máy thép này bị UBND TP Đà Nẵng đình chỉ hoạt động kéo theo các khoản nợ xấu tại các ngân hàng.

Ông Nguyễn Quang Việt, Giám đốc chi nhánh Vietcombank Đà Nẵng, cho biết, hiện 228 tỷ đồng mà đơn vị cho Nhà máy thép Dana - Úc vay vốn đã chuyển thành nợ xấu do doanh nghiệp dừng hoạt động, mất khả năng trả nợ.

Cùng tình trạng này, đại diện Agribank và Ngân hàng Đầu tư phát triển Hải Vân lần lượt chịu các khoản nợ xấu 174 tỷ đồng và 218 tỷ đồng vì cho Nhà máy thép Dana - Ý vay.

Việc nợ xấu kéo dài khiến các ngân hàng gặp khó khăn về tài chính. Các ngân hàng đề nghị TP sớm có giải pháp xử lý đối với hai nhà máy thép, giúp họ khôi phục hoạt động để có khả năng trả nợ cho ngân hàng.

Ông Nguyễn Hữu Hòa, Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Đầu tư phát triển Hải Vân, than thở: "Chúng tôi mong TP quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ Nhà máy thép Dana - Ý sớm khôi phục hoạt động để có nguồn thu trả nợ đã vay.

Hiện càng kéo dài không cho nhà máy hoạt động thì khoản nợ này càng khó đòi. Mà cứ nợ xấu như bây giờ, chúng tôi ngày càng áp lực, không có đường gỡ".

Sau khi bị dừng hoạt động, giải pháp xử lý đối với 2 nhà máy thép hiện vẫn chưa rõ ràng

Ông Trương Quang Nghĩa cho biết, hiện lãnh đạo TP đang nghiên cứu di dời phân xưởng cán thép của hai nhà máy về Khu công nghiệp Hòa Khánh (quận Liên Chiểu) với điều kiện không ảnh hưởng đến các doanh nghiệp hiện đang hoạt động tại đây. Riêng phân xưởng luyện thép của 2 doanh nghiệp trên thì không di dời được. Ông Nghĩa cũng đề nghị TP hỗ trợ lãi vay và di dời đối với 2 nhà máy thép.

Trong phiên họp HĐND TP Đà Nẵng vào ngày 10/7 vừa qua, ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cho hay 2 nhà máy trên hoạt động từ năm 2008 và ô nhiễm môi trường tại đây đã kéo dài mang tính lịch sử. Nguyên nhân chính là do TP bố trí 2 nhà máy này vào cụm công nghiệp Thanh Vinh là không phù hợp ngành nghề, không đảm bảo quy chuẩn cách ly. Chính điều này khiến người dân thôn Vân Dương, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng tập trung phản đối ô nhiễm từ tháng 2/2018 đến nay. 

Từ đó, UBND TP Đà Nẵng đã ban hành nhiều quyết định trong đó có việc ngưng hoạt động của 2 nhà máy và xử lý vi phạm hành chính. Để đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp, UBND TP Đà Nẵng đã có chủ trương thống nhất di dời phân xưởng cán thép về các khu công nghiệp trên địa bàn TP  nếu đáp ứng đủ điều kiện theo quy định.

Bên cạnh đó, UBND TP cũng giao Sở Xây dựng TP nghiên cứu phương án điều chỉnh quy hoạch khu vực 2 nhà máy phù hợp với định hướng phát triển quy hoạch chung cũng như quy hoạch phân khu và để báo cáo với các cấp thẩm quyền quyết định.

Được biết, trước đó, Công ty CP thép Dana - Ý đã nộp đơn khởi kiện UBND TP Đà Nẵng đòi bồi thường thiệt hại gần 400 tỷ đồng. Theo đơn, người bị kiện là UBND TP Đà Nẵng và chủ tịch UBND TP Đà Nẵng; trong đó Dana - Ý khởi kiện các quyết định hành chính, hành vi hành chính.

Khánh Linh (T/h)

 

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến