Dòng sự kiện:
Ổn định tiền đồng, bài toán khó trong điều hành cuối năm
22/09/2018 19:10:56
Thời gian gần đây, lãi suất huy động VNĐ tại các ngân hàng thương mại liên tục được điều chỉnh tăng. Lãi suất tăng được cho là giúp ổn định tỷ giá nhưng lại khiến mục tiêu giảm lãi suất cho vay trở nên thách thức.

Xung quanh vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu.

Theo ông, vì sao lãi suất nhiều ngân hàng đồng loạt tăng trong những tuần gần đây?

Tôi cho rằng, lãi suất tăng do tác động cộng hưởng của nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, cuối năm nay, các ngân hàng phải đáp ứng yêu cầu tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn là 40%, so với mức 45% hiện tại, áp dụng từ thời điểm 1/1/2019. Do đó, các ngân hàng phải tăng huy động vốn trung và dài hạn để cơ cấu lại nguồn vốn theo yêu cầu này, dẫn đến lãi suất tăng.

Thứ hai, từ nay đến cuối năm, nhu cầu giải ngân vốn của các ngân hàng cũng tăng mạnh do thời điểm quý IV luôn là lúc nhu cầu chi tiêu, sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp tăng cao. 

Nguyên nhân thứ ba chính là yếu tố lạm phát kỳ vọng. Năm nay kỳ vọng lạm phát cao hơn, nên các khách hàng cũng trông đợi mức lãi suất cao hơn tương ứng. 

Cuối cùng là áp lực đối với tỷ giá khi chiến tranh thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ leo thang, khiến đồng Nhân dân tệ mất giá và VNĐ chịu áp lực lớn. Để đối phó với điều này, phía nhà điều hành muốn duy trì lãi suất cao với tiền đồng để giữ khoảng cách chênh lệch cao giữa lãi suất tiền đồng và USD, tránh việc khách hàng rút tiền đồng và găm giữ USD. 

Bên cạnh đó, còn có những lý do khác nữa gây áp lực với lãi suất như: khả năng Mỹ có thể tiếp tục tăng lãi suất USD thêm 0,25% từ nay đến cuối năm, ít nhất 1 lần. Khi đồng USD tăng lãi suất sẽ gây ảnh hưởng tới thị trường lãi suất toàn cầu. 

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu

Việc lãi suất tăng như vậy sẽ tạo ra những tác động gì, thưa ông?

Trước tiên, lãi suất huy động tăng thì kéo theo lãi suất cho vay cũng tăng, vì ngân hàng cần duy trì biên độ lợi nhuận, mà như vậy sẽ không đạt được mục tiêu Chính phủ mong muốn là giảm lãi suất cho vay. Với việc lạm phát kỳ vọng tăng thì cũng ảnh hưởng tới sự ổn định của tiền đồng, trong đó cũng tạo áp lực lên tỷ giá, gây bất lợi cho nền kinh tế ở góc độ ổn định tiền tệ. 

Tuy nhiên, việc lãi suất tăng cũng là một công cụ của chính sách tiền tệ, cho thấy chính sách tiền tệ đang thắt chặt lại. Khi chính sách tiền tệ thắt chặt sẽ giúp hạn chế lạm phát.

Trong bối cảnh này, theo ông chính sách tiền tệ nên theo hướng nào để ổn định đồng nội tệ và kiềm chế lạm phát?

Trước hết, về tỷ giá, nếu muốn ổn định tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thể bán ngoại tệ ra. Hiện tại, NHNN có lượng dự trữ ngoại hối khá dồi dào. Tuy nhiên, khi bán ngoại tệ ra thì sẽ hút tiền đồng về, lại tạo ra vấn đề về thanh khoản trên thị trường, khiến cung tiền hẹp đi và lại đẩy lãi suất lên. Do đó, bài toán điều hành lúc này rất khó khăn khi chúng ta vừa muốn hỗ trợ phát triển kinh tế lại vừa muốn có sự ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát. 

Chúng ta có hai mục tiêu là phát triển kinh tế và ổn định đồng nội tệ. Về lâu dài, hai mục tiêu này gắn liền với nhau, muốn phát triển kinh tế thì phải có đồng nội tệ ổn định và ngược lại. Tuy nhiên, trong ngắn hạn hiện nay, hai mục tiêu này lại có sự đối lập. Muốn phát triển kinh tế thì phải chấp nhận lạm phát, mà chấp nhận lạm phát thì phải hy sinh sự ổn định của tiền đồng. Ngược lại, muốn ổn định tiền đồng thì phải thắt chặt lạm phát, muốn thắt chặt lạm phát thì lại cản trở tăng trưởng kinh tế. Do đó, có thể nói đây là giai đoạn rất khó khăn trong việc điều hành chính sách tiền tệ. 

Xin cảm ơn ông!

Theo NHNN, hiện mặt bằng lãi suất huy động VND phổ biến ở mức 0,6 - 1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,3 - 5,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,3 - 6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,5 - 7,3%/năm. Từ tháng 8, một số ngân hàng bắt đầu tăng lãi suất, chủ yếu ở kỳ hạn dài, mức tăng từ 0,1 điểm phần trăm đến 1,5 điểm phần trăm. Tiếp theo đó, các ngân hàng thương mại nhà nước lớn như Vietcombank, BIDV, Vietinbank cũng đẩy lãi suất thêm khoảng 0,1 – 0,2 điểm phần trăm ở các kỳ hạn ngắn và kỳ hạn dài. 

Theo Thời báo tài chính VN

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến