Ông chủ mới của Vinatea hiện nay ra sao?
12/10/2015 17:53:05
ANTT.VN – Theo thông báo mới nhất của CTCP Đầu tư và Sản xuất Thống Nhất (GTN), ngày 07/10 vừa qua, công ty này đã chuyển tiền mua thành công 75% vốn của Vinatea. Đây là khoản đầu tư lớn nhất của GTN từ trước đến nay nằm trong lộ trình tiến quân vào mảng nông nghiệp của công ty.

Đẩy mạnh đầu tư vào nông nghiệp

Trước đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhất trí chọn GTN làm nhà đầu tư chiến lược của Vinatea, được quyền mua 23.583.800 cổ phần tương đương 63,74% vốn điều lệ của Vinatea.

Bên cạnh đó, GTN cũng đăng ký mua theo phương thức đấu giá công khai thêm 4.166.200 cổ phần  - tương đương 11,26% vốn điều lệ của Vinatea.

Ngày 16/9 vừa qua, Vinatea đã thực hiện IPO thành công hơn 11,7 triệu cổ phần mức giá trúng thầu thấp nhất là 10.100đ/CP, cao nhất là 25.000đ/CP. Như vậy, GTN đã bỏ ra ít nhất 300 tỷ đồng để sở hữu 75% vốn của Vinatea sau cổ phần hóa.

Công ty CTCP Đầu tư và Sản xuất Thống Nhất sở hữu 75% vốn Vinatea sau cổ phần hóa

Đây là khoản đầu tư lớn nhất của GTN tính trên tổng số 7 công ty con hiện tại (đứng đầu là CTCP Nhựa Miền Trung với giá trị khoản đầu tư 135 tỷ đồng), đồng thời cũng giúp GTN tiến dần trên định hướng mở rộng các sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là ở khu vực Tây Bắc.

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2015 của GTN, HĐQT đã trình Đại hội kế hoạch tăng vốn nhắm tới phục vụ M&A và đầu tư vào công ty liên kết, trong khi định hướng M&A là đầu tư vào các doanh nghiệp Nhà nước trong các lĩnh vực nông nghiệp và tiêu dùng.

Ông Nguyễn Trí Thiện – Chủ tịch HĐQT cho biết: “Hiện tại công ty không có áp lực vốn đối với hoạt động kinh doanh. Việc tăng vốn được công ty đề ra chủ yếu phục vụ M&A và đầu tư vào công ty liên kết. Chính vì thế thời gian thực hiện dự kiến lên đến 1 năm từ quý 2/2015 đến quý 2/2016”.

Tại thời điểm đầu tháng 08/2015, những bước đi đầu tiên liên quan đến vấn đề này đã được HĐQT thông qua về việc xin ý kiến cổ đông bằng văn bản với nội dung thay đổi phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ đã được phê duyệt tại ĐHĐCĐ thường niên 2015.

Ngoài việc đầu tư vào Vinatea lần này, HĐQT GTN còn thông qua phương án đầu tư mua 7,65 triệu cổ phần Tổng công ty chăn nuôi Việt Nam (Vilico) giai đoạn I, tương đương 12,12% vốn điều lệ.

Tập trung tăng vốn khủng, tỷ suất sinh lời sụt giảm

Tại đại hội đồng cổ đông thường niên của GTN vừa qua, 29 cổ đông sở hữu 68,67% số cổ phần có quyền biểu quyết đã thông qua hàng loạt kế hoạch kinh doanh “khủng” của Công ty.

Cụ thể, GTN sẽ tăng vốn gấp hơn 2 lần lên 1.500 tỷ đồng thông qua đợt phát hành cổ phiếu dự kiến được thực hiện từ quý II/2015 đến quý II/2016.

Ngoài việc đầu tư vốn vào doanh nghiệp kinh doanh mảng nông nghiệp như Vinatea và Vilico nêu trên, việc tăng vốn còn nhằm đầu tư 225,8 tỷ đồng vào các công ty con, công ty liên kết như Công ty cổ phần Thực phẩm Lâm Đồng (Lodafoods), Công ty cổ phần Xây dựng Hạ tầng Thống Nhất, Công ty cổ phần Tre Công nghiệp Thống Nhất, Công ty Nhựa miền Trung.

Lựa chọn đầu tư chiến lược vào Vilico là bước đệm để GTN tiến quân vào mảng nông nghiệp

Tính đến 30/06/2015, vốn chủ sở hữu của GTN là 748 tỷ đồng, tăng 68 tỷ đồng sau đợt phát hành cổ phiếu để trả cổ tức theo tỷ lệ 10% vào tháng 5 vừa qua.

Năm nay, GTN đặt mục tiêu doanh thu 1.500 tỷ đồng trong đó mảng kinh doanh ống nhựa đóng góp 250 tỷ đồng; tre công nghiệp góp 200 tỷ đồng; hạ tầng góp 200 tỷ đồng; 850 tỷ đồng còn lại đến từ kinh doanh bất động sản và các công ty con, liên kết khác.

Từ trước đến nay, lâm nghiệp là mảng làm nên tên tuổi của GTN đặc biệt là ngành sản xuất tre công nghiệp tại tỉnh Hòa Bình – nơi có vùng nguyên liệu tre dồi dào.

Trong 6 tháng đầu năm 2015, doanh thu của GTN đạt 890 tỷ đồng – tăng gấp 4,5 lần so với cùng kỳ năm 2014. Nhưng tỷ suất sinh lời của GTN lại không được cải thiện khi lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh giảm 16,6 tỷ đồng xuống còn 22,6 tỷ đồng trong nửa đầu năm. Tỷ suất sinh lời 6 tháng/2015 chỉ đạt 2,5% trong khi cùng kỳ năm trước đạt 11,78%.

Lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm là 23,2 tỷ đồng, đạt 16,6% kế hoạch lợi nhuận mà GTN đặt ra trong năm nay (140 tỷ đồng).

Ngoài việc kiếm lợi lớn từ mảng tre công nghiệp, việc trở thành cổ đông chiến lược của Vinatea và Vilico sẽ là bước đệm để GTN tiến quân vào mảng nông nghiệp.

Bên cạnh những lợi thế nhờ quỹ đất, nhờ chính sách ưu đãi của Nhà nước, GTN còn đối mặt với nhiều thách thức từ trị trường và các đối thủ cạnh tranh lớn như Vingroup, Hoàng Anh Gia Lai, TH Truemilk...

Trước tình hình đó, Ông Nguyễn Duy Phong, Trưởng phòng Đầu tư GTN từng nhận định, đầu tư vào mảng này, nếu không cẩn trọng và nhanh chóng tận dụng các chính sách của Nhà nước còn hiệu lực, thì GTN sẽ mất cơ hội. Do đó, để tập trung nguồn lực, cùng với việc mua thêm doanh nghiệp khác, GTN sẽ tìm cách thoái vốn ở một số công ty không còn phù hợp để tập trung vào chiến lược công ty thương mại.

Vừa qua, HĐQT công ty cũng đã thống nhất thoái toàn bộ 51% vốn tại công ty CP xây Dựng hạ tầng Thống Nhất hay thoái vốn tại công ty CP Granite Phú Yên.

Hoa Liên

 

 
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến