Văn hóa của VW dưới thời Winterkorn: Nỗi sợ và sự tôn trọng
12/10/2015 13:14:38
ANTT.VN - Giống như nhiều giám đốc điều hành (CEO) khác, Martin Winterkorn là một ông chủ có tính cầu toàn và không thích sự thất bại. Tuy nhiên theo các nhà phê bình, những áp lực mà ông đặt xuống các nhà quản lý cấp dưới ở tập đoàn Volkswagen (VW) có chút không bình thường...

Tin liên quan

Cựu CEO của VW Martin Winterkorn (Ảnh: Reuters)

Giống như nhiều giám đốc điều hành (CEO) khác, Martin Winterkorn là một ông chủ có tính cầu toàn và không thích sự thất bại. Tuy nhiên theo các nhà phê bình, những áp lực mà ông đặt xuống các nhà quản lý cấp dưới ở tập đoàn Volkswagen (VW) có chút không bình thường, đây có thể là lý do giải thích cho cuộc khủng hoảng mà nhà sản xuất xe hơi Đức đang phải đối mặt.

Ba tuần sau khi thừa nhận đã gian lận trong bài kiểm tra khí thải của Mỹ, nhà sản xuất ô tô lớn nhất châu Âu đang phải chịu những áp lực rất lớn để xác định chính xác ai sẽ phải chịu trách nhiệm cho vụ bê bối này.

Volkswagen đã từ chối bình luận về văn hóa hay phong cách quản lý của ông Winterkorn, người đã từ chức khỏi vị trí CEO của VW hồi tháng trước. Luật sư của ông Winterkorn cũng không phản hồi lại các yêu cầu bình luận từ phía báo chí.

Nhưng bây giờ khi vấn đề của VW đã quá rõ ràng và ông Winterkorn cũng đã ra đi, một số lãnh đạo chủ chốt của VW tuyên bố rằng công ty cần phải thay đổi phương thức tiếp cận của mình. Khi được hỏi về điều gì sẽ được thực hiện để đảm bảo tính liêm chính của VW, Giám đốc điều hành Tập đoàn VW tại Mỹ Michael Horn trong một buổi điều trần ở Quốc hội Mỹ nói: “Chúng tôi phải sắp xếp hợp lý các quy trình của mình”. Ông Horn nói thêm “Công ty đã chủ động tìm hiểu và sử dụng cơ hội này để chỉnh đốn lại cơ cấu, và 600 nghìn nhân sự trên khắp thế giới sẽ phải được quản lý theo một cách khác”.

Benrnd Osterkoh, một thành viên của ban giám sát VW, thậm chí còn nói rõ hơn trong một bức thư ông gửi đến các nhân viên ngày 24/9, một tuần sau khi các nhà chức trách Mỹ thông báo vụ bê bối của VW. Ông viết: “Trong tương lai, chúng tôi cần một môi trường trong đó các vấn đề không bị giấu đi mà nó cần được công khai thông báo cho cấp trên”. Ông cũng viết “Chúng tôi cần một nền văn hóa mà nó có thể cho phép tranh luận trực tiếp với cấp trên của bạn về cách làm việc tốt nhất”.

Năm cựu giám đốc điều hành của VW được Reuters phỏng vấn và các quan sát viên ngành công nghiệp đã miêu tả phong cách quản lý dưới thời ông Winterkorn là một không khí căng thẳng, sợ hãi, một chủ nghĩa độc đoán dẫn đến việc mất kiểm soát một phần do cấu trúc độc nhất hiện tồn tại trong ngành công nghiệp xe hơi ở Đức.

Giáo sư Ferdinand Dudenhoffer, chuyên gia xe hơi tại Đại học Duisburg-Essen cho hay “Cấu trúc văn hóa và tổ chức của Volkswagen không thể so sánh với Daimler hay BMW, nó là một cái gì đó rất cụ thể”, “Tất cả các bạn đều có thể cảm thấy một áp lực vô hình khi bạn nói chuyện với vài người ở VW”.

Ông Winterkorn nói khi ông quyết định từ chức rằng ông không biết gì về bất kỳ hành vi sái trái của công ty. Luật sư của ông Winterkorn cũng không đáp lại các yêu cầu bình luận.

Một thành viên ban giám sát của tập đoàn VW nói: "Trong tương lai, chúng tôi cần một môi trường trong đó các vấn đề không bị giấu đi mà nó cần được công khai thông báo cho cấp trên"

Tất cả các công ty của Đức đều có 2 ban: Ban quản lý, đứng đầu bởi giám đốc điều hành, điều hành việc kinh doanh hàng ngày, và ở trên nó là ban giám sát, đây là ban mà các CEO báo cáo công việc. Ban giám sát có thể thuê hoặc sa thải các thành viên của ban quản lý. Đây cũng là ban đưa ra các quyết định chiến lược quan trọng.

Giáo sư Dudenhoffer nói với Reuters rằng cấu trúc này hiện không hoạt động tốt tại Volkswagen. “Tại Daimler và BMW, bạn có một ban giám sát nơi họ kiểm soát các CEO. Nhưng tại VW bạn không có quyền đó”. 20 ghế trong ban giám sát của VW thì trong đó có 9 ghế được dành cho lực lượng lao động và các cổ đông đại diện, điều này đáp ứng được yêu cầu pháp lý về việc có các đại diện bình đẳng. Tuy nhiên VW khác với các hãng sản xuất xe hơi của Đức khác ở chỗ, hãng này dành 2 ghế ở ban giám sát cho 2 quan chức của bang Lower Saxony, nơi trụ sở của công ty tọa lạc. Ngược lại, Daimler, hãng sản xuất xe Mercedes-Benz, và BMW không có các chính trị gia trong các ban giám sát của họ.

Các nhà quan sát ngành công nghiệp nhận định các đại diện từ bang Lower Saxony và các đại diện cho lực lượng lao động có cùng chung một mục đích đấy là bảo vệ việc làm tại tập đoàn VW – một trong những nhà tuyển dụng lớn nhất của bang Lower Saxony. Và hậu quả là họ sẵn sàng giúp đỡ các CEO với điều kiện là các vị này có thể cung cấp và đảm bảo việc làm cho người lao động.

Henning Gebhardt của đơn vị quản lý tài sản Deutsche Bank, đồng thời quản lý cổ phiếu của Volkswagen, cho biết việc quản lý công ty không tiến triển ở VW. Các đại diện của lực lượng lao động và của bang Lower Saxony hiện vẫn chưa đưa ra các phản hồi cho yêu cầu bình luận về sự việc.

Tuy vậy, cũng có nhiều người ủng hộ ông Winterkorn. Marc Trahan, một phó giám đốc điều hành đã về hưu của Volkswagen tại Mỹ cho biết ông tin rằng ông Winterkorn và một số kỹ sư hàng đầu của của ông sẽ không bao giờ khuyến khích sự gian lận.

Ông nói với Reuters “Tôi biết ông Winterkorn rất tự trọng. Tôi biết những người tự trọng. Không bao giờ họ cho phép điều này tiếp diễn nếu họ biết rằng nó vi phạm luật pháp Mỹ.”

Ông Winterkorn sinh năm 1947 với một tuổi thơ khá khó khăn. Cha mẹ ông đều là dân tị nạn đến Đức, họ đã bỏ trốn khỏi Hungary sau Thế chiến thứ hai. Sau khi học về luyện kim, ông Winterkorn đã thăng chức nhiều lần khi làm việc tại tập đoàn kỹ thuật và thiết bị điện tử Bosch của Đức. Ông gia nhập vào Audi năm 1981, sau đó chuyển vào làm ở thương hiệu Volkswagen và cuối cùng là vào tập đoàn.

Vào thời điểm đó VW được quản lý bởi Ferdinand Piech, cháu trai của người sáng lập ra dòng xe Beetle. Được đồn thổi nhiều là một quản đốc khó tính, Piech thống trị công ty trong hơn hai thập kỷ dưới vai trò là giám đốc điều hành và sau đó là giữ chức chủ tịch. Cho đến tháng tư năm nay, sau khi nỗ lực lật đổ ông Winterkorn, Piech đã phải chịu các phản ứng ngược và đã buộc phải từ chức.

Không lâu sau khi trở thành giám đốc điều hành vào năm 2007, Winterkorn quyết định biến VW trở thành nhà sản xuất xe hơi lớn nhất thế giới. Điều đó có nghĩa là hãng sẽ đánh trọng tâm vào thị trường xe hơi lớn nhất thế giới là Mỹ, nơi mà Volkswagen đã bị tụt lại trong nhiều năm và có doanh thu khá kém.

Tập đoàn gần như đã tăng gấp đôi doanh số bán hàng toàn cầu hàng năm lên đến 10 triệu xe và doanh thu lên đến 200 tỷ Euro (225 tỷ USD). Trong nửa đầu năm nay, VW cuối cùng cũng đạt được doanh số bán xe nhỉnh hơn so với hãng xe hơi số một thế giới – Toyota Nhật Bản.

Một cựu giám đốc bán hàng cho hay áp lực cũng gia tăng theo mục tiêu. Ông nói “Nếu bạn không thích điều đó, bạn đi theo cách riêng của bạn hoặc bạn đã điều hành việc quản lý chệch hẳn khỏi việc kinh doanh”. 

Một nạn nhân của giám đốc tiền nhiệm VW ở Mỹ, ông Jonathan Browning, người đã phải rời công ty vào năm 2013. Theo một nguồn tin từ VW nói với Reuters thì ông Browning đã bị sa thải vì không đáp ứng được các mục tiêu bán hàng.

Dưới nhiệm kỳ của Browning, ông Winterkorn đổ lỗi cho ông này về một loạt các vấn đề khác nhau khi ông Browning chịu trách nhiệm quản lý thị trường ở Mỹ. Từ việc chậm cập nhật các mẫu Passat đến các vấn đề có vẻ tầm thường hơn như sơn xe. Trong một lần kiểm tra xe tại Mỹ vào tháng 7/2013, ông Winterkorn đã phát hiện một vết cộm nhỏ trong lớp sơn của mẫu xe Beetle. Theo một nguồn tin giấu tên từ VW, độ dày sơn vượt qua tiêu chuẩn của công ty ít hơn 1 milimét, nhưng ông Winterkorn vẫn trách móc các kỹ sư về sự lãng phí. Trong chuyến đi đó, ông cũng nói với nhân viên rằng ông không hài lòng vì VW đã không thể đưa ra được một màu sơn bóng đỏ, màu hiện được bán khá chạy tại các mẫu của đối thủ cạnh tranh.

Nhiều nhà quản lý cũ của tập đoàn VW cũng cho biết chỉ vài nhà quản trị giám tiếp cận với ông Winterkorn.

Một cựu giám đốc điều hành của VW nói với Reuters:  “Luôn luôn có một khoảng cách, một nỗi sợ và sự tôn trọng… nếu ông ấy đến thăm bạn hoặc là bạn đến chỗ ông ấy, xung thần kinh của bạn sẽ đập mạnh hơn”. “Nếu bạn mang đến một tin xấu, đó là một khoảnh khắc khá khó chịu, sẽ rất ồn ào và bạn sẽ khá bị hạ thấp bản thân” vị giám đốc điều hành nói nhưng không đưa ra ví dụ cụ thể.

Ngay cả khi ở những nơi công cộng, ông Winterkorn cũng ra lệnh to tiếng với các nhân viên cấp cao của mình. Một video ghi lại tại triển lãm mô tô Frankfurt bốn năm trước đã cung cấp một cái nhìn thoáng qua về phong cách lãnh đạo của người đàn ông này. Video được đăng lên Youtube, cho thấy ông Winterkorn đang kiểm tra một mẫu xe mới từ nhà sản xuất đối thủ Hàn Quốc – công ty Huyndai. Vây quanh ông là một nhóm các nhà quản lý mặc vest đen.

Ông đi vòng quanh chiếc xe Huyndai, kiểm tra cơ chế khóa vào cổng sau của nó và sau đó ngồi vào ghế lái. Đầu tiên, ông ngắm nghía nội thất trang trí trong xe, rồi điều chỉnh tay lái và phát hiện ra một điều gì đó khiến cho ông không hài lòng – đó là tay lái chiếc Huyndai di chuyển rất nhẹ nhàng không giống như các mẫu của VW và BMW. Ông hét lên “Bischoff!” mà không hề có danh xưng lịch sự để gọi ngay giám đốc thiết kế của VW Klaus Bischoff. Ông Winterkorn gắt gỏng, chỉ vào bánh xe và nói “điều gì đã khiến cho chiếc xe này không phát ra tiếng ồn”.

Khi ông Bischoff được hỏi về các kinh nghiệm khi làm việc với ông Winterkorn, ông chia sẻ với Reuters rằng: “Ông Winterkorn luôn luôn muốn các giải pháp tốt nhất và thúc đẩy các nhân viên đến các mục tiêu cao nhất, nhưng nó là sai lầm nếu miêu ta ông ấy như một nhà lãnh đạo đáng sợ và tàn nhẫn”.

Phương Phương – Theo Reuters

 

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến