Ông Lê Thanh Thản, Chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh luôn mang theo bên mình chiếc điếu cày
Ông có cho mình là đại gia? Và biệt danh mọi người đặt cho ông – “Đại gia điếu cày”, ông thích chứ?
Ông Lê Thanh Thản: Nhiều người gọi tôi là “Đại gia điếu cày” vì tôi hút thuốc lào và thương xuyên mang theo bên mình chiếc điếu cày, tôi vốn là một người sinh ra lớn lên ở vùng quê nông thôn đi lập nghiệp nên đó là điều bình thường.
Người ta gọi tôi là “đại gia điều cày” thì cứ để biệt danh đó gắn theo tôi đi, vì mỗi người đều có một sở thích riêng, hút thuốc cũng có hại cho sức khỏe, nhưng với nhiều người nó là tinh thần, một thứ gia vị để cuộc sống không bị tẻ nhạt.
Ông hướng cho các con của ông kế nghiệp mình, ông có đặt kỳ vọng gì cho từng người không? Nếu các con ông hướng đến việc thay đổi chiến lược, phân khúc kinh doanh mà ông theo đuổi từ trước đến nay thì ông có đồng ý?
Ông Lê Thanh Thản: Tôi nghĩ bất kỳ ai cũng mong muốn các con mình sẽ kế nhiệm và giúp doanh nghiệp phát triển hơn. Con hơn cha nhà có phúc. Tuy nhiên, tôi luôn tôn trọng các quyết định của các con trong gia đình.
Mỗi thời điểm có những quy luật khác nhau, đặc biệt là trong kinh doanh, để giúp doanh nghiệp phát triển thì người chèo lái phải biết hướng nó đi đúng đích, chứ không thể bất di bất dịch.
Ông từng nói làm xong KĐT Thanh Hà ông sẽ nghỉ. Vì mệt, vì tuổi cao sức yếu, vì đã có các con hay vì “giận hờn”, chỉ là lời nói lẫy vì các lùm xùm thời gian qua?
Ông Lê Thanh Thản: Nhiều năm lăn lộn để có được một thương hiệu, hiện nay tôi cũng đã nhiều tuổi, độ tuổi không cho phép làm việc liên tục với cường độ cao như trước đây, nên cần được nghỉ ngơi an dưỡng tuổi già.
Trong kinh doanh thì không thể tránh được việc này, việc nọ xảy ra, những việc xảy ra đó là ngoài ý muốn của chúng tôi, nhưng cần phải khẳng định rằng chúng tôi thực hiện các dự án bằng tâm huyết với những gì đã có, điều này thể hiện trong việc được khách hàng đón nhân rất tích cực ở các dự án chúng tôi làm, tôi không muốn nói thêm về vấn đề này.
Trong các dự án của Tập đoàn, dự án nào với ông có nhiều ý nghĩa, kỷ niệm nhất? Ông có thể chia sẻ không?
Ông Lê Thanh Thản: Tôi đã thực hiện rất nhiều dự án lớn nhỏ khác nhau ở trên mọi miền tổ quốc, thậm chí có cả nước ngoài. Tuy nhiên những dự án tôi tâm đắc nhất là thực hiện chính trên mãnh đất quê hương Diễn Châu (Nghệ An) nơi tôi sinh ra và lớn lên.
Trong đó, có bệnh viện, trường học và đặc biệt là Công viên Safari Trại bò… đây là những dự án mang tính cộng đồng giúp cho địa phương phát triển, hiện nay các em nhỏ ở quê tôi có thể nói tiếng Anh lưu loát nhờ tiếp xúc với người nước ngoài, tôi tuyển nhiều bác sỹ giỏi về làm việc tại bệnh viện ở quê, giúp cho người dân bớt vất vả hơn khi đau ốm, đây là những dự án tôi tâm đắc nhất.
Khu đô thị HH Linh Đàm một trong những dự án của Tập đoàn Mương Thanh thực hiện
Dự án HH Linh Đàm bị chê khá nhiều. Nhiều ý kiến cho rằng dự án đó phá vỡ quy hoạch KĐT kiểu mẫu, và được ví như “tổ kiến”. Ông có buồn không?
Ông Lê Thanh Thản: Đây là dự án chúng tôi mua lại của đối tác khác, và thực hiện theo những gì trong hợp đồng mua bán giữa hai bên, khi triển khai dự án HH Linh Đàm đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy hoạch chung, nên không thể nói chúng tôi phá vỡ quy hoạch được.
Nếu ai đó cho rằng việc thực hiện dự án HH Linh Đàm phá vỡ quy hoạch thì nên tìm lại hiểu các thông tin quy hoạch cũng như các căn cứ pháp lý của dự án, điều quan trọng là dự án đã giúp giải quyết được nhu cầu nhà ở giá rẻ cho xã hội, hàng nghìn người dân được về sinh sống “an cư lạc nghiệp” tại đây,mới là việc làm có ý nghĩa hơn.
Hơn nữa nếu doanh nghiệp không đầu tư thì nơi đây sẽ là một bãi đất hoang hóa. Đa số người dân chuyển về đây sinh sống cảm thấy hài lòng, chứ ai nói gì không quan trọng.
Ông từng nói, có vị trí và niềm tin sẽ không phải vay ngân hàng. Điều nay đối với khách hàng và trên thị trường hiện nay có vẻ hơi xa xôi. Rất ít doanh nghiệp xây dựng được điều đó. Quan điểm của ông về thực tế này như thế nào?
Ông Lê Thanh Thản: Không phải không vay ngân hàng là có nhiều tiền đâu. Quan điểm của tôi là hết sức cân nhắc khi vay. Thực tế có nhiều chủ đầu tư chết vì vay vốn ngân hàng quá nhiều, dự án thì bán chậm, thậm chí không bán được nên không có tiền trả nợ.
Có nhiều nguồn vốn để huy động, như các nhà cung cấp nguyên vật liệu chẳng hạn. Nhưng mình phải làm ăn có uy tín, trả tiền đúng hẹn lần đầu thì lần sau họ có thể cho mình nợ đến 5 -6 tháng. Còn nếu làm ăn không có uy tín, không đúng hẹn, đòi vài lần mà không trả thì ai dám cho mình nợ lần sau.
Chính vì Mường Thanh làm ăn rất uy tín nên nhiều nhà cung cấp nguyên vật liệu muốn bán hàng cho tôi. Và khi bán được nhà, có tiền tôi thanh toán cho họ ngay. Nhiều chủ đầu tư không làm được như vậy, vì nhà bán chậm. Còn tôi, vì phân khúc nhà giá rẻ nên thanh khoản tốt, bán hết nhanh và có tiền trả cho nhà cung cấp.
Thứ nữa, đó là khâu tổ chức bộ máy điều hành dự án cần phải gọn nhẹ. Thay vì phải lập ra cả 1 phòng vật tư, tôi chỉ cần 1 người kiêm nhiệm hết. Không giống như ở nhiều nơi khác có rất nhiều phòng ban như
Phòng vật tư, Phòng kế hoạch, Phòng tổng hợp, Phòng pháp lý... Chính những chi phí cho bộ máy hành chính cũng gián tiếp làm tăng giá thành căn hộ. Còn tôi thì bớt được chi phí đó nên cũng góp phần giảm giá thành.
Ông có thể chia sẻ về nguyên tắc trong tuyển dụng nhân sự và cách thức quản trị của Mường Thanh? Nếu ông nghỉ, ông định xây dựng đội ngũ lãnh đạo kế tiếp như thế nào?
Ông Lê Thanh Thản: Bất kỳ một doanh nghiệp nào cũng có những nguyên tắc, văn hóa doanh nghiệp riêng cho mình, và Mương Thanh không ngoại lệ.
Với chúng tôi nhân sự rất quan trọng, để xây dựng và phát triển doanh nghiệp. Nhân sự vào làm việc ở Tập đoàn đòi hỏi sự chuyên nghiệp và tuân thủ mọi chính sách và kế hoạch cũng như nội quy đã xây dựng từ trước đến nay của Mường Thanh.
Chúng tôi xây dựng một môi trường làm việc cạnh tranh và công bằng bất kỳ ai cũng có thể trở thành người chủ chốt trong Tập đoàn nếu làm việc chăm chỉ và hiệu quả.
Xin cảm ơn ông!
Ông Lê Thanh Thản sinh năm 1949 ở Diễn Châu, Nghệ An. Năm 1974, khi sắp tốt nghiệp cấp 3, ông ngưng việc học và lên đường ra trận trong những năm cuối cùng của cuộc chiến với Mỹ với vai trò là chiến sĩ thông tin. Sau chiến tranh, ông Thản được cử lên Lai Châu và trở thành Phó chánh văn phòng Huyện ủy. Trong vai trò này, ông quy tụ công nhân vào tham gia xây dựng các công trình cho địa phương. Tới đầu những năm 90, ông Thản thành lập Xí nghiệp Xây dựng tư nhân số 1 Lai Châu, (sau đổi thành Doanh nghiệp Tư nhân xây dựng số 1 Lai Châu, và nay là Doanh nghiệp Tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên), có trụ sở tại Điện Biên. Nhờ chuyển sang làm tư nhân, thoải mái hơn về cơ chế, ông kiếm được những gói thầu lớn không chỉ ở Lai Châu mà còn ở tỉnh Phongsaly của Lào. Đây cũng là thời điểm ông cho xây dựng khách sạn đầu tiên ở Lai Châu. Năm 1993, ông xây dựng khách sạn Điện Biên Phủ tại Điện Biên. Khách sạn hoàn thành năm 1994, đúng vào dịp kỷ niệm 40 năm giải phóng Điện Biên, cũng là dịp để ông Thản được tiếp kiến nhiều quan khách Trung ương, mở ra một “con đường về Hà Nội” sau này Năm 1996, tỉnh Lai Châu đề nghị ông Thản nhượng lại khách sạn Điện Biên Phủ và đối ứng bằng một khu đất giá trị khác. Ông Thản đổi lấy và xây dựng nên khách sạn Mường Thanh. Đây cũng là thời điểm mở đầu cho sự ra đời của thương hiệu Mường Thanh. |
Theo Nhà đầu tư
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy