Dòng sự kiện:
“Ông lớn” Masan phát hành 3.000 tỷ đồng trái phiếu
18/02/2020 16:42:26
Tập đoàn Masan (MSN) vừa thông báo chính thức về đợt chào bán trái phiếu đợt 1 (trên tổng số dự kiến là 4 đợt) với tổng giá trị huy động 3.000 tỷ đồng, lãi suất 9,3%/năm.

Chủ tịch Masan Group Nguyễn Đăng Quang

Với số lượng huy động vốn lên đến 3000 tỷ đồng, Masan muốn góp thêm vốn điều lệ của Công ty con và thanh toán nợ vay (bao gồm các khoản vay nội bộ ).

Loại chứng khoán mà Masan phát hành là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và cũng không được đảm bảo về mặt tài sản; trái phiếu không phải loại hình nợ thứ cấp của Masan.

Lãi suất ban đầu được công bố lên đến 9,3%/năm, 6 tháng tiếp theo tính theo tổng của 2,5%/năm + lãi tham chiếu (trung bình cộng của các lãi suất tiền gửi áp dụng đối với các khoản tiền tiết kiệm cá nhân kỳ hạn 12 tháng do BIDV, Vietcombank, Vietinbank và Agribank).

Ngày phát hành dự kiến nhằm ngày 8/3/2020.

Đây là đợt đầu tiên trong 4 đợt phát hành trái phiếu với tổng khối lượng trị giá 10.000 tỷ đồng của Tập đoàn Masan dự kiến diễn ra trong năm nay. Khối lượng chào bán các đợt tiếp theo dự kiến: Đợt 2: Tối đa 2.000 tỷ đồng; Đợt 3: Tối đa 3.000 tỷ đồng; Đợt 4: Tối đa 2.000 tỷ đồng.

Mỗi trái phiếu có kỳ hạn tối đa là 36 tháng kể từ ngày phát hành đối với các tổ chức, cá nhân hợp pháp theo quy định của pháp luật kể cả trong và ngoài nước.

Tổng số tiền 10.000 tỷ thu về Công ty dự chi 5.000 tỷ góp thêm vào vốn điều lệ Công ty TNHH Tầm nhìn Masan, cấp khoản vay 3.000 tỷ cho Masan Comsumer Holdings và 1.000 tỷ cho MNS Meat Hà Nam. Cuối cùng, Masan dự chi 1.000 tỷ còn lại để thanh toán nợ vay nội bộ cho công ty con là Công ty TNHH Khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo.

Trước đó, Masan nổi lên như một “ông lớn” của mảng tiêu dùng với sản phẩm nước chấm và mỳ gói. Việc huy động số lượng lớn vốn như vậy thể hiện rõ được tham vọng chiếm lĩnh mảng thịt của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang.

Từ kinh doanh sản phẩm nông nghiệp, Masan Nutri Science ( MNS) chuyển tên thành Masan MeatLife (MML) – tức là chuỗi giá trị đạm động vật có thương hiệu.

Việc bắt tay của hai “ông lớn” là Phạm Nhật Vượng và Nguyễn Đăng Quang hồi cuối năm 2019 cho thấy tham vọng số 1 về mảng tiêu dùng – bán lẻ của Masan. Theo đó, Masan sẽ nhận 83,74% tổng số cổ phần phổ thông đang lưu hành của VCM và phát hành quyền chọn được nhận cổ phần của một công ty hợp nhất là công ty con của công ty này, và công ty hợp nhất này sẽ sở hữu cổ phần/phần vốn góp và vận hành cả 2 công ty gồm VCM và Công ty TNHH MasanConsumerHoldings.

Việc sáp nhập trên chính là nền tảng để ông Nguyễn Đăng Quang thực hiện nốt việc chiếm lĩnh thị trường bán lẻ vẫn còn đang gặp nhiều thử thách.

Gần đây, giá cổ phiếu MNS liên tục bị lao dốc và giảm sâu. Từ phiên giao dịch hôm 20/12, chỉ còn 55.000đ/cp, tương ứng vốn hóa thị trường còn 64.292 tỷ đồng, giảm 30% so với thời điểm đầu năm 2019. Điều này đã khiến ông Quang bị “bật” khỏi danh sách tỷ phú đô la, theo công bố của Forber. Tổng tài sản của ông Nguyễn Đăng Quang chỉ còn vào khoảng 974,5 triệu USD.

Bích Phương

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến