Dòng sự kiện:
Ông Trần Đình Long: Hòa Phát may mắn khi chưa mua lại dự án địa ốc nào
24/05/2022 17:20:07
Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long cho biết doanh nghiệp sẽ phát triển các dự án bất động sản từ những bước đầu tiên, và "may mắn" là giai đoạn vừa qua chưa mua lại dự án nào.

Đại hội cổ đông của Hòa Phát sáng 24/5 diễn ra sôi động khi Chủ tịch Trần Đình Long cởi mở trả lời hầu hết câu hỏi của cổ đông. Một trong những vấn đề nóng là cổ đông mong muốn tập đoàn đầu tư mạnh mẽ hơn vào lĩnh vực bất động sản và chia cổ tức.

Làm dự án từ gốc

Ông Trần Đình Long nhấn mạnh công ty đặt mục tiêu là vào nhóm 3 công ty bất động sản lớn nhất trên thị trường và đang tích cực triển khai các dự án để tiến tới mục tiêu này. Tuy nhiên, doanh nghiệp không vội vàng để đạt mục tiêu đó.

Cách làm của Hòa Phát trước kia là đi theo trao lưu chung: Mua đất, mua dự án để triển khai. "Chúng tôi chưa mua dự án nào lại là may mắn. Bởi như mọi người biết, nhiều công ty phát hành trái phiếu quá dễ dàng, nguồn tiền sẵn nên đổ xô mua dự án, khiến giá bất động sản lên rất cao", ông Long nói.


Dự án bất động sản của Hòa Phát ở Phố Nối (Hưng Yên). Ảnh: HV.

Do đó, Chủ tịch Hòa Phát cho biết chiến lược của doanh nghiệp là tích cực đi các địa phương xin tham gia đấu thầu các chương trình phát triển đô thị, sau đó phát triển dự án.

"Triển vọng của lĩnh vực bất động sản là tốt đẹp vì chúng tôi làm từ gốc, không phải bỏ tiền mua dự án, không bị áp lực giá vốn", ông Long nhấn mạnh.

Nói về dự án khu đô thị Hòa Phát ở Phố Nối (huyện Mỹ Hào, Hưng Yên), ông Long cho biết doanh nghiệp đang "mong ngày mong đêm" để ra sản phẩm, nhưng do thủ tục pháp lý chưa xong, chính sách thay đổi nên chưa thể làm theo kỳ vọng. Dự án vốn làm trên lô đất được đối ứng trong một dự án BT (đổi đất lấy hạ tầng). Tuy nhiên, khi chính sách thay đổi, thủ tục pháp lý của dự án đang cần thêm thời gian để hoàn thành.

"Hòa Phát rất mong thực hiện dự án đó, nhưng trình tự thủ tục chưa xong nên chưa thể mở bán", ông Long nói.

Doanh nghiệp cần thêm vốn để phát triển

Trong phần trả lời cổ đông, ông Long lý giải việc Hòa Phát duy trì lượng tiền mặt hơn 40.000 tỷ đồng nhưng vẫn đi vay ngân hàng làm dự án.

Vị chủ tịch doanh nghiệp cho biết nhu cầu vốn cho doanh nghiệp là rất lớn. Tại dự án Dung Quất 2, vốn cần cho dự án là 70.000 tỷ đồng, và doanh nghiệp vay được ngân hàng 35.000 tỷ đồng đã là mức kỷ lục tại thị trường ngân hàng Việt Nam.

Ông nhấn mạnh doanh nghiệp đang kiên định vươn lên tầm cao mới, tiếp tục tiến lên với các dự án mới nên rất cần vốn. Việc huy động thêm vốn với một doanh nghiệp là rất bình thường.

Hiện sản lượng thép của Hòa Phát đang đạt khoảng 8,5 triệu tấn thép, doanh nghiệp đang triển khai dự án Dung Quất 2 để đưa sản lượng lên 14,5 triệu tấn.


Dự án thép Dung Quất 1 của Hòa Phát. Ảnh: Hòa Phát.

"Muốn phát triển lên quy mô lớn hơn thì phải có vốn. Không thể nói phát hành thêm cổ phiếu là phát hành bằng giấy lộn. Doanh thu một ngày của Hòa Phát khoảng 500 tỷ, doanh thu thuộc hàng lớn nhất Việt Nam, bằng khoảng 4.000-5.000 công ty bình thường. Muốn làm thêm cá dự án thì phải có vốn", ông Long nhấn mạnh.

Theo ông Long, trong số tiền tiền mặt có sẵn, bắt buộc phải có 20.000 tỷ là "tiền lỏng" (tiền không thể hoạt động) luôn sẵn sàng để đảm bảo khả năng thanh toán. Số tiền này không được phép dùng kinh doanh, không dùng vào việc gì.

"Rất nhiều người gặp tôi bảo để tiền vậy phí thế. Nhưng chúng tôi để tiền vậy để đảm bảo an toàn, đảm bảo sự phát triển của dự án Dung Quất 2 và của Tập đoàn", ông Long nói.

Không thể "sáng mua chiều gặt"

Lý giải về việc không chia cổ tức ở mức 40%, mà thấp hơn, ông Long cho biết "cơm không ăn thì gạo vẫn còn". Hòa Phát sẽ chia cổ tức 35%, trong đó 5% bằng tiền mặt và 30% là bằng cổ phiếu. Doanh nghiệp cần đảm bảo yếu tố tài chính, nếu chia quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến sự bền vững.

Về tỷ lệ chia cổ tức năm nay, bà Phạm Thị Kim Oanh, Giám đốc Tài chính Hòa Phát, cho biết hiện lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên báo cáo tài chính công ty mẹ là hơn 17.000 tỷ đồng, có thể chia ở mức tối đa 38%. Tuy nhiên, vốn công ty mẹ Hòa Phát hiện quá thấp so với các công ty thành viên, vì vậy, mức cổ tức tối đa năm nay chỉ có thể là 35%.

Giám đốc Tài chính Phạm Thị Kim Oanh việc giảm chia cổ tức giúp doanh nghiệp có thể tăng vốn điều lệ từ 44.000 tỷ lên 58.000 tỷ vào cuối năm nay.

Hiện mức đầu tư của Hòa Phát vào các công ty con vào khoảng 63.000 tỷ, trong khi vốn điều lệ chỉ khoảng 44.000 tỷ. Để hoàn thành dự án Dung Quất 2 vào cuối 2024 và đầu 2025, riêng Dung Quất vốn đã cần 70.000 tỷ. Do đó, các năm tiếp theo Hòa Phát sẽ tiếp tục tăng vốn điều lệ.

Nói về thị trường thép, ông Long đánh giá chiến tranh Nga - Ukraine làm giá nguyên liệu tăng cao, đặc biệt là than cốc. Trong khi đó, cầu thị trường Trung Quốc giảm mạnh do chiến lược "Zero Covid". Trong khi đó, Trung Quốc tiêu thụ 60% thép của thế giới. Hiện xuất khẩu thép của Hòa Phát chiếm 30% sản lượng. Trong tương lai, doanh nghiệp sẽ đưa về mức 10-15% để đảm bảo sự ổn định, không phụ thuộc vào bên ngoài.

Cuối cùng, ông Trần Đình Long nhấn mạnh đầu tư cổ phiếu Hòa Phát thì phải nhìn xa, không thể "sáng mua chiều gặt". Ông tin tưởng chặng đường dài phía trước mua cổ phiếu doanh nghiệp này thì thì không thể lỗ được. "Thực tế chứng minh người theo lâu dài thì không lỗ, mà lời thì lời rất nhiều", ông Long nói.

Năm 2022, Hòa Phát đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất đạt 160.000 tỷ đồng, vẫn tăng gần 7% so với số thu về năm 2021, tuy nhiên, nhà sản xuất thép này lại đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế chỉ vào khoảng 25.000-30.000 tỷ đồng, giảm tương ứng 13-28% so với năm trước.


Tác giả: Quang Thắng

Theo: Zing News
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến