Toàn cảnh vòng đàm phán giữa phái đoàn Mỹ và phái đoàn Taliban tại Doha, Qatar, ngày 26/2. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Ngày 29/2, Mỹ và Taliban đã nhất trí trao đổi hàng nghìn tù nhân như một "biện pháp xây dựng lòng tin," theo một phần thỏa thuận then chốt về tương lai của Afghanistan được ký tại Doha (Qatar).
Thỏa thuận nêu rõ: "Có tới 5.000 tù nhân của (Taliban)... và 1.000 tù nhân bên còn lại (các lực lượng Afghanistan) sẽ được phóng thích trước ngày 10/3."
Đối thoại giữa Chính quyền Kabul và Taliban cũng dự kiến bắt đầu trước thời điểm đó.
Cùng ngày, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã hoan nghênh thỏa thuận được ký kết giữa Mỹ và Taliban là một bước đi nhằm chấm dứt cuộc chiến dài nhất mà Mỹ tham gia, đưa các binh sỹ nước này tại Afghanistan về nước.
Tuyên bố của Nhà Trắng dẫn lời Tổng thống Trump nói về thỏa thuận được ký với Taliban trước đó tại thủ đô Doha của Qatar: "Chúng tôi đang nỗ lực để sau cùng chấm dứt cuộc chiến dài nhất của Mỹ cũng như đưa các binh sỹ của chúng tôi về nước."
Cũng trong ngày 29/2, theo Bộ Ngoại giao Saudi Arabia, nước này hoan nghênh thỏa thuận hòa bình giữa Mỹ và Taliban, đồng thời hy vọng thỏa thuận sẽ dẫn tới một lệnh ngừng bắn lâu dài và toàn diện cũng như mang lại hòa bình trên khắp cả nước Afghanistan.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 29/2, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cho biết Mỹ "sẽ không do dự hủy bỏ" thỏa thuận hòa bình lịch sử vừa ký với Taliban nếu lực lượng này không thực hiện những đảm bảo an ninh cũng như cam kết đàm phán với Chính phủ Afghanistan.
Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ, Bộ trưởng Esper đưa ra tuyên bố trên sau khi Mỹ và Taliban vừa ký một thỏa thuận hòa bình tại Doha (Qatar) nhằm chấm dứt cuộc chiến kéo dài 18 năm qua tại Afghanistan.
Theo nội dung thỏa thuận, Mỹ sẽ rút toàn bộ binh sỹ tại Afghanistan trong vòng 14 tháng nếu thỏa thuận được tuân thủ.
Tuy nhiên, phát biểu tại Kabul, ông Esper cảnh báo "nếu Taliban không tuân thủ cam kết, họ sẽ đánh mất cơ hội đàm phán với Chính phủ Afghanistan và thảo luận về tương lai của đất nước". Ông nhấn mạnh "khi đó Mỹ sẽ không ngần ngại hủy bỏ thỏa thuận."
Việc Mỹ và Taliban ký thỏa thuận hòa bình ở Doha mở đường cho việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan đổi lại những đảm bảo an ninh từ Taliban. Tuy nhiên, để đạt được hòa bình, thỏa thuận này sẽ phải dẫn tới các cuộc đàm phán giữa Taliban và Chính phủ Afghanistan.
Chính phủ Afghanistan không trực tiếp can dự các cuộc đàm phán dẫn tới việc ký thỏa thuận hòa bình giữa Mỹ và Taliban tại Doha ngày 29/2.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper ở Kabul cùng ngày để ra một tuyên bố chung với Chính phủ Afghanistan.
Theo tuyên bố, Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ rút toàn bộ binh sĩ đồn trú ở Afghanistan trong vòng 14 tháng nếu Taliban thực hiện các cam kết trong thỏa thuận với Mỹ, trong đó bước đầu cắt giảm quy mô hiện diện quân sự ở Afghanistan xuống còn 8.600 binh sỹ trong vòng 135 ngày kể từ ngày ký thỏa thuận với Taliban ngày 29/2.
Phản ứng về các động thái trên, Liên minh châu Âu (EU) đánh giá thỏa thuận lịch sử giữa Mỹ và Taliban, cũng như tuyên bố chung giữa Mỹ và Chính phủ Afghanistan nêu trên là "những bước đi quan trọng đầu tiên hướng tới một tiến trình hòa bình toàn diện" ở Afghanistan.
Trong tuyên bố, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh của EU Josep Borrell nhấn mạnh không nên bỏ lỡ cơ hội hướng tới hòa bình hiện nay và EU hy vọng "các cuộc thương lượng do người Afghanistan làm chủ và do người Afghanistan đứng đầu sẽ bắt đầu không chậm trễ và có sự tham gia của tất cả các thành phần nhằm đạt được hòa bình lâu dài."
Cũng theo quan chức trên, EU sẵn sàng hỗ trợ một tiến trình hòa bình ở Afghanistan mà trong đó "tất cả các phe phái chính trị, nữ giới và cộng đồng thiểu số cũng như xã hội dân sự đều được đại diện theo một cách có ý nghĩa."
Các cuộc đàm phán hòa bình giữa Mỹ và Taliban bắt đầu diễn ra từ năm 2018 và đã ít nhất 2 lần bị gián đoạn do các vụ tấn công của Taliban nhằm vào các binh sỹ Mỹ hồi tháng 9 và tháng 12 năm ngoái.
Cuộc chiến tại Afghanistan là cuộc chiến kéo dài nhất trong lịch sử Mỹ. Các số liệu thống kê cho thấy kể từ khi bắt đầu triển khai quân đội tại quốc gia Nam Á này năm 2001, đến nay số binh sỹ Mỹ thiệt mạng tại đây đã vượt quá 2.400 người.
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy