Dòng sự kiện:
Ôtô chạy thực nghiệm tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận
28/12/2020 19:18:04
Chủ đầu tư cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã cho ôtô chạy thực nghiệm 51 km tuyến đường, chuẩn bị đưa công trình vào khai thác dịp Tết Tân Sửu.

Hàng chục ôtô chạy thực nghiệm thông tuyến ngày 28/12 trên cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Ảnh: Hoàng Nam

Công ty Cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận ngày 28/12 đã tổ chức kiểm tra, cho hàng chục ôtô chạy thực nghiệm thông tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, từ nút giao Thân Cữu Nghĩa, huyện Châu Thành đến nút giao An Thái Trung, huyện Cái Bè.

Theo ghi nhận, toàn bộ mặt đường tuyến cao tốc đã rải đá xanh, ôtô có thể chạy với tốc độ không quá 40 km/h. Toàn dự án đã triển khai thi công 34 trong tổng số 36 gói thầu, đạt 75% khối lượng. Hai gói thầu còn lại là trạm thu phí và hệ thống điều khiển điện tử ITS sẽ hoàn thành sau Tết.

Ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận cho biết, trong hợp đồng không quy định phải thông tuyến tạm thời trước Tết Nguyên đán 2021, nhưng để giải tỏa ùn tắc trên quốc lộ 1 và thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, công ty đã nỗ lực hoàn thành các hạng mục cơ bản trên tuyến chính trong tháng 12, kịp thời phục vụ nhu cầu đi lại của người dân dịp cuối năm.

Mặt đường đã được rải đá xanh, lu lèn, ôtô có thể chạy với tốc độ dưới 40 km/h. Ảnh: Hoàng Nam

Theo phân luồng, 5 ngày trước Tết, ngày 7-11/2/2021 (26 đến 30 Tết), các ôtô sẽ được phép chạy theo hướng từ Trung Lương đến Mỹ Thuận. 5 ngày sau Tết, mùng 4-8 Tết, các xe sẽ được chạy hướng ngược lại.

Sau Tết, tuyến đường sẽ cấm xe, các hạng mục dỡ tải, hoàn thiện móng đường, mặt đường bêtông nhựa, điện chiếu sáng, trạm thu phí sẽ tiếp tục triển khai, đảm bảo đưa vào vận hành khai thác trong năm 2021.

Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận khởi công năm 2009, dài hơn 51 km, đi qua 5 huyện của Tiền Giang. Đây là dự án trọng điểm giảm tải cho quốc lộ 1A. Cao tốc là một trong những tuyến đường huyết mạch, kết nối vùng Tây Nam Bộ với TP HCM và khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam.

Dự án có tổng vốn hơn 14.000 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành năm 2013. Tuy nhiên, do nhà đầu tư thiếu năng lực nên công trình bị đình trệ. Sau nhiều lần thay đổi chủ đầu tư và thay đổi cơ quan quản lý dự án từ Bộ Giao thông Vận tải về UBND Tiền Giang, vốn dự án được điều chỉnh là hơn 12.000 tỷ đồng.

Đoạn giữa cao tốc qua huyện Tân Phước, Tiền Giang đang được hoàn thiện. Ảnh: Hoàng Nam

Hiện, dự án đã giải ngân hơn 7.246 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu và vốn nhà đầu tư hơn 3.053 tỷ đồng, vốn vay tín dụng hơn 2.317 tỷ đồng, vốn ngân sách Nhà nước hỗ trợ 1.776 tỷ đồng.

Tác giả: Hoàng Nam

Theo: Vnexpress
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến