Dòng sự kiện:
Pepsico Việt Nam: Vì sao chưa giải thích về nguyên liệu nhập từ Trung Quốc?
01/12/2016 12:59:24
Trả lời trên báo chí, ông Uday Shankar Sinha- Tổng giám đốc Suntory Pepsico Việt Nam khẳng định làm đúng theo quy định về ghi nhãn hàng hóa, lãnh đạo Pepsico Việt Nam cũng không giải thích rõ hơn về thông tin nguyên liệu sản xuất sản phẩm của hãng có nhập khẩu từ Trung Quốc.

Tin liên quan

Dây chuyền sản xuất trà Ô Long của Pepsico

Nếu bất cập phải kiểm tra, điều chỉnh lại

Về việc dư luận trong người tiêu dùng Việt đang nghi ngại về tính công khai minh bạch thông tin của Pepsico Việt Nam, không cung cấp nơi sản xuất sản phẩm trên nhãn sản phẩm, như thông tin của New.zing.vn đưa tin thì ông Uday Shankar Sinha- Tổng giám đốc Suntory Pepsico Việt Nam khẳng định làm đúng theo quy định về ghi nhãn hàng hóa.

Nhà sản xuất này viện dẫn Kết luận thanh tra của Bộ Y tế, các thông tư hướng dẫn liên quan đến việc ghi nhãn hàng hóa của liên bộ: Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương (Thông tư liên tịch số 34, năm 2014) và Thông tư số 14 (2007)  của Bộ Khoa học và Công nghệ làm căn cứ để nói rằng đang thực hiện đúng theo quy định.

Về vấn đề này, theo luật sư Xuân Bính, Đoàn luật sư Hà Nội thì theo quy định về ban hành văn bản quy phạm pháp luật văn bản nào có hiệu lực cao hơn thì phải tuân thủ theo văn bản ấy.

Cụ thể về ghi nhãn hàng hóa, Chính phủ đã có Nghị định 89/2006/NĐ-CP ngày 30/9/2006. Điều 14 Nghị định này quy định rõ: “Hàng hóa được sản xuất trong nước thì ghi tên của tổ chức, cá nhân và địa chỉ cơ sở sản xuất hàng hóa đó”. Nghị định trên được ban hành căn cứ vào: Luật Thương mại, Pháp lệnh Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, căn cứ vào Pháp lệnh Chất lượng hàng hóa… Vì đó, quy định này bắt buộc các tổ chức, cá nhân sản xuất trong nước phải tuân thủ.

Tại Điều 12: Tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về sản phẩm (Thông tư liên tịch số 34 về việc Hướng dẫn ghi nhãn hàng hóa đối với thực phẩm, phụ gia thực phẩm và chất hỗ trợ chế biến thực phẩm bao gói sẵn) có hướng dẫn: “Trường hợp sản phẩm được sản xuất tại các địa điểm khác ngoài nơi đăng ký kinh doanh nhưng mang cùng thương hiệu do các cơ sở này sản xuất thì trên nhãn ghi địa chỉ cơ sở sản xuất ra sản phẩm đó hoặc tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân đứng tên công bố sản phẩm nhưng phải đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc”.

Hoặc tại Thông tư hướng dẫn về việc ghi nhãn số 14 của Bộ Khoa học và Công nghệ nói rằng: “Đối với tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa có nhiều cơ sở sản xuất khác nhau, các hàng hóa mang cùng thương hiệu do các cơ sở này sản xuất, kinh doanh được phép ghi tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa đó nếu được các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền xác nhận chất lượng của hàng hóa này phù hợp với tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa do tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa đã công bố”.

Nói về các hướng dẫn trên của Thông tư số 14 và thông tư số 34 được cho là Pepsico lấy làm căn cứ để không cung cấp nơi sản xuất sản phẩm ghi trên nhãn hàng hóa, luật sư Xuân Bính và các chuyên gia pháp luật khác khi được hỏi đều có quan điểm đó là các văn bản cấp thấp hơn, có hiệu lực thấp hơn do cơ quan cấp bộ ban hành. Về quy định, văn bản nào có hiệu lực pháp luật cao hơn thì phải tuân thủ theo văn bản ấy. “Nếu văn bản hướng dẫn có chồng lấn, bất cập thì cần phải kiểm tra, điều chỉnh lại, hoặc thu hồi”- luật sư Bính nói.

Vì sao không cung cấp rõ nguồn nguyên liệu đầu vào nhập từ quốc gia nào?

Cho đến thời điểm này, Pepsico Việt Nam vẫn im lặng chưa có bất cứ một giải thích nào về nguồn nguyên liệu đầu vào, nhập từ nhiều nước khác nhau, như trước nhiều cơ quan truyền thông đã thông tin có nguyên liệu đầu vào được nhập từ Trung Quốc. Tại kết luận thanh tra của Bộ Y tế thì thông tin này cũng không được cơ quan thanh tra cung cấp và nêu trong kết luận thanh tra mà chỉ nói chung chung là nguyên liệu được nhập từ nước ngoài.

Theo đó Pepsico Việt Nam đang sử dụng 21 loại nguyên liệu và 57 loại phụ gia để sản xuất các sản phẩm trong đó về nguyên liệu doanh nghiệp tự nhập khẩu 15 loại từ nhiều quốc gia khác nhau, 6 loại mua trong nước. Về phụ gia, doanh nghiệp nhập khẩu 49 loại từ nhiều quốc gia, 8 loại mua trong nước. Từ ngày 1/1/2015 đến ngày 31/8/2016, Pepsico đã mua nguyên liệu để sản xuất 53.632 đơn hàng, trong đó có 1.204 đơn hàng tự nhập khẩu hoặc mua lại từ các nhà cung cấp.

Như trước đó đã thông tin, các cơ quan báo chí phát hiện nguồn nguyên liệu đầu vào để sản xuất trà Ô long Tea + Plus được nhập từ Trung Quốc. Nguyên liệu để sản xuất thực phẩm cần phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, nhập từ quốc gia hay vùng lãnh thổ nào là vấn đề được người tiêu dùng đặc biệt quan tâm. Vấn đề là tại sao đến thời điểm hiện nay từ cơ quan quản lý Nhà nước đến nhà sản xuất là Cty TNHH Suntory Pepsico Việt Nam vẫn không cung cấp, lên tiếng cho người tiêu dùng rõ nguồn nguyên liệu như nói là đạt chất lượng được nhập từ những quốc gia, vùng lãnh thổ nào? Đây là một trong những vấn đề khiến người tiêu dùng băn khoăn, lo ngại.

 

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến