Lợi nhuận của Petrolimex phụ thuộc vào biến động giá xăng dầu
Lãi tăng đột biến nhờ thoái vốn
Kết thúc quý III/2023, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex, mã PLX) báo cáo doanh thu giảm 1,7% xuống 72.414 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận sau thuế tăng 284,3% lên 729,4 tỷ đồng. Có 2 nguyên nhân chính khiến lợi nhuận Petrolimex tăng đột biến trong quý vừa qua là do biên lợi nhuận gộp (tăng từ 3,8% lên 5,2%) và doanh thu tài chính tăng mạnh.
Tại thuyết minh báo cáo tài chính III/2023, Petrolimex cho biết, doanh thu tài chính trong kỳ tăng 3,27 lần so với cùng kỳ năm trước, tương ứng tăng thêm 910,4 tỷ đồng, lên mức 1.188,96 tỷ đồng, chủ yếu do thoái vốn tại PGBank và chính thức hạch toán lãi trong quý.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, Petrolimex ghi nhận doanh thu đạt 205.596 tỷ đồng, giảm 8,9% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận trước thuế đạt 3.082 tỷ đồng và sau thuế đạt 2.288 tỷ đồng, tăng 359,1% so với cùng kỳ, qua đó hoàn thành 95,5% kế hoạch lợi nhuận cả năm (đạt 3.228 tỷ đồng trước thuế).
Petrolimex cũng cho hay, biên lợi nhuận gộp tăng mạnh trong 9 tháng đầu năm 2023 (tăng từ 3,6%, lên 5,5%) chủ yếu do giá vốn hàng hóa đã bán giảm 10,9% (tương ứng giảm 23.218,9 tỷ đồng) xuống 189.989,4 tỷ đồng; giá vốn dịch vụ đã cung cấp giảm 24,9% (tương ứng giảm 602 tỷ đồng) xuống 1.817,4 tỷ đồng; giá vốn thành phẩm đã bán giảm 5,8% (tương ứng giảm 7,8 tỷ đồng) xuống 126,1 tỷ đồng…
Có thể thấy, tốc độ giảm giá vốn mạnh hơn so với doanh thu đã giúp Petrolimex cải thiện biên lợi nhuận gộp, đồng thời ghi nhận thêm lợi nhuận tài chính từ việc thoái vốn khỏi PGBank đã giúp bức tranh kết quả kinh doanh của Petrolimex khởi sắc trong 9 tháng đầu năm 2023.
Phụ thuộc nhiều hơn vào giá xăng dầu
Trong quý III vừa qua, Petrolimex đã trích lập giảm giá tồn kho thêm 777 tỷ đồng, nâng tổng trích lập dự phòng khoản mục này lên 856,1 tỷ đồng, chủ yếu do trích lập giảm giá hàng hóa.
Được biết, tại thời điểm 30/9/2023, giá trị tồn kho của Petrolimex lên tới 19.594,6 tỷ đồng, chiếm 23,9% tổng tài sản. Trong đó, tồn kho chủ yếu hàng hóa ghi nhận 14.561,5 tỷ đồng (trích lập giảm giá hàng hóa 853,99 tỷ đồng), chiếm 74,3% tổng tồn kho; hàng hoá đang đi đường ghi nhận 4.526,3 tỷ đồng, chiếm 23,1% tổng tồn kho… Như vậy, tồn kho của Petrolimex liên quan tới hàng hóa là xăng dầu, tức là giá trị sẽ phụ thuộc vào diễn biến giá xăng dầu.
Petrolimex là doanh nghiệp thương mại trong lĩnh vực xăng dầu khi mua vào thành phẩm xăng dầu từ các nhà máy lọc dầu trong nước và quốc tế, sau đó phân phối lại cho các cửa hàng nhượng quyền, bán lẻ và trực tiếp bán lẻ, vì vậy giá xăng dầu vừa là giá vốn, vừa là giá bán sản phẩm cuối cùng.
Đáng chú ý, Chính phủ mới phê duyệt Nghị định 80 vào ngày 17/11/2023 quy định về kinh doanh xăng dầu, trong đó chu kỳ điều chỉnh giá sẽ giảm từ 10 ngày xuống 7 ngày nên giá xăng dầu trong nước sẽ theo sát diễn biến giá thế giới hơn. Ngoài ra, các yếu tố khác trong công thức tính giá như chi phí vận chuyển, chi phí/phí bảo hiểm tiêu chuẩn, thuế và phí… cũng được điều chỉnh theo quý, thay vì 2 lần/năm như trước đây, nên chi phí hoạt động sẽ được phản ảnh thực chất hơn vào giá xăng dầu, giúp nhà phân phối quản lý tốt hơn biên lợi nhuận.
Với việc giá xăng dầu điều chỉnh với chu kỳ ngắn hơn, đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức với Petrolimex khi đang duy trì một lượng tồn kho lớn, chiếm gần 24% tổng tài sản. Nếu giá xăng dầu ổn định ở mức cao, lượng tồn kho giá rẻ ở các kỳ trước sẽ là một lợi thế lớn giúp Petrolimex duy trì biên lợi nhuận cao. Ngược lại, nếu giá xăng dầu thế giới biến động bất thường hoặc trong xu hướng giảm, Công ty sẽ phải gia tăng trích lập dự phòng giảm giá hàng hóa và điều này chắc chắn ảnh hưởng tới lợi nhuận.
Từ đầu năm 2023 tới nay, giá dầu thế giới duy trì ở mức cao trong khoảng 80-100 USD/thùng khi các nhà sản xuất dầu mỏ lớn trên thế giới liên tục cắt giảm sản lượng trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng chậm, nhu cầu suy yếu.
Tuy nhiên, thực tế đang cho thấy, với chính sách lãi suất cao hơn và duy trì trong một thời gian dài hơn, các tổ chức lớn đều hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024. Trong đó, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự kiến tăng trưởng toàn cầu sẽ giảm xuống 2,9% vào năm tới (từ mức hơn 3%) trong bối cảnh sự khác biệt ngày càng lớn giữa các khu vực, với dự báo tăng trưởng mạnh hơn ở Mỹ và các thị trường mới nổi lớn, trong khi Trung Quốc và khu vực đồng euro sẽ gặp khó khăn.
Có thể thấy, khi mặt bằng lãi suất cao được duy trì trong thời gian dài sẽ làm tăng trưởng kinh tế toàn cầu tiếp tục chậm lại và làm suy yếu nhu cầu dầu, từ đó ảnh hưởng tới giá dầu trong thời gian tới và nếu như giá dầu suy giảm, đây là rủi ro lớn đối với những doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu như Petrolimex.
SSI Research đưa ra dự báo, năm 2024, mặc dù sản lượng tiêu thụ xăng dầu của Petrolimex có thể đạt mức tăng trưởng tự nhiên 4%, nhưng lợi nhuận trước thuế có thể giảm xuống 4.400 tỷ đồng, tức giảm 4,3% so với ước tính năm 2023 (ước lãi 4.580 tỷ đồng), nguyên nhân do không còn thu nhập bất thường từ việc thoái vốn khỏi PGBank.
Với việc là nhà nhập khẩu và phân phối xăng dầu lớn nhất, cũng như xây dựng được hệ thống điểm bán lẻ xăng dầu tại các vị trí thuận lợi ở các thành phố, khu vực đông dân cư, Petrolimex hiện chiếm khoảng 50% thị phần bán lẻ xăng dầu cả nước. Tuy vậy, lợi nhuận của Petrolimex không ổn định, mà khá trồi sụt. Trong đó, đỉnh điểm lợi nhuận năm 2019 lên tới 4.676,6 tỷ đồng và biên lợi nhuận gộp đạt 7,5%, nhưng tới năm 2022 giảm mạnh xuống mức 4,1%. Trong 9 tháng đầu năm 2023, mặc dù có sự cải thiện (đạt 5,5%), nhưng biên lợi nhuận vẫn thấp hơn giai đoạn 2017-2019. |
Tác giả: Duy Bắc