Dòng sự kiện:
'Phải vừa là bạn, vừa là thầy, học sinh mới tâm phục khẩu phục'
03/10/2017 10:15:28
Câu chuyện bức “tâm thư” của phụ huynh có con từng học Trường THPT Lương Thế Vinh về việc nhà trường có lối giáo dục hà khắc đã dấy lên nhiều tranh luận trái chiều về việc giáo dục nghiêm khắc hay không nghiêm khắc.

Suốt mấy ngày qua, bức tâm thư “gây bão” của nữ phụ huynh có con từng học tại Trường Lương Thế Vinh năm học trước tạo ra hai luồng ý kiến. Nhiều người đồng ý với việc kỷ luật, lao động để học sinh biết tôn trọng nội quy, chăm chỉ học tập và trở thành những học sinh ngoan… Nhưng nhiều người cho rằng, phương pháp giáo dục quá kỷ luật của trường khiến học sinh thực sự bị áp lực tâm lý nặng.

Sau khi bức “tâm thư” được lan truyền rộng rãi thì cả nhà trường, giáo viên đều có những lý do để giải thích. Mỗi bên đều có "cái lý, cái tình" riêng. Nhưng trên thực tế, phương pháp giáo dục nghiêm khắc của nhà trường lại là lý do khiến một số phụ huynh lo lắng, thậm chí lo đến nỗi phải chuyển trường cho con. Vậy, phương pháp giáo dục nghiêm khắc hay không nghiêm khắc là phù hợp với tình hình giáo dục bây giờ?

"Giáo dục không chỉ là khuôn sáo, mà cần phải mang tính mềm dẻo, linh hoạt", cô Hoa chia sẻ. Nguồn ảnh: Internet

Cô Nguyễn Thị Xuân (cựu giáo viên trường THCS Nguyễn Thị Định, Bắc Ninh) cho rằng, nhà trường nào cũng có nội quy để đưa học sinh vào nề nếp, ngoan ngoãn, chăm chỉ, đến mỗi lớp học giáo viên còn đề ra nội quy riêng. Nhưng việc đưa ra nội quy đối với học sinh phải được học sinh chấp nhận, tất cả cùng đồng tình với việc xử lý. Như vậy, mục đích đưa ra nội quy mới được thực hiện, chứ không phải là sự áp đặt của nhà trường.

“Đưa ra những kỷ luật đối với học sinh mang mục đích để giáo dục, nhưng mức kỷ luật trở lên nghiêm trọng thì vô hình lại tạo chiều hướng xấu, khiến các em nghỉ học, bỏ học và dễ sa vào các tệ nạn xã hội. Thực tế, việc giáo dục hà khắc, đưa ra những kỷ luật ‘thép’ còn khiến các em thui chột sự sáng tạo, sợ học, sợ đến trường, sợ thầy cô. Như vậy, người giáo viên xa cách với học sinh, không hiểu được học sinh của mình, sẽ càng khó khăn trong việc giáo dục”, cô Xuân chia sẻ.

Cô Nguyễn Thị Mai Hoa - Hiệu trưởng trường tiểu học Song Hồ (Bắc Ninh) rất quan tâm tới câu chuyện giáo dục kỷ luật hiện nay.

Theo cô Hoa: “Người giáo viên không chỉ là người truyền dạy kiến thức cho học sinh mà còn là người giáo dục hướng nghiệp, giáo dục nhân cách, dạy cho học sinh những bài học đạo lý. Chính vì vậy, là người nhà giáo không chỉ có tình yêu thương và niềm say mê với nghề, mà mỗi người thầy còn phải là người ‘nghệ sĩ’ sáng tạo, có những cách thức giảng giải, đối xử với từng học sinh khác nhau.

Giáo dục không chỉ là khuôn sáo, mà phải cần tính mềm dẻo, linh hoạt. Đánh - mắng kiểu ‘thương cho roi cho vọt’, giáo dục hà khắc đã không còn phù hợp với hiện nay. Đừng lạm dụng hình thức kỷ luật đối với học sinh. Mình phải vừa là người bạn, người thầy chỉ bảo những điều đúng, điều sai. Như vậy, học sinh mới tâm phục, khẩu phục”.

Câu chuyện về phương pháp giáo dục học sinh cần nghiêm khắc hay không nghiêm khắc vẫn là một vấn đề mà người làm công tác giáo dục luôn canh cánh trong lòng. Xét cho cùng, mục đích cuối cùng của việc giáo dục là giúp cho học sinh trưởng thành một cách hoàn thiện cả về tri thức và đạo đức, chứ không phải là điểm số và thành tích hay bất cứ điều gì.

Dương Nga

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến