Phân bón 'đầu trâu': Chây ì món nợ trăm tỷ
27/01/2015 11:59:11
ANTT.VN – Có nửa nghìn tỷ đồng nhàn rỗi gửi ngân hàng nhưng lưu cữu qua các năm khoản Thuế nhà đất, tiền thu đất mà “phân bón Đầu Trâu” phải nộp cho Nhà nước vẫn gần như vẫn “lặng thinh, bất động”!

Tin liên quan

Trụ sở Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền

Thu lãi “vặt”, trả lãi cao

Như thông tin đã đề cập trên ANTT.VN, dẫu đang phải gánh những khoản nợ ngân hàng lên đến cả nghìn tỷ đồng nhưng Công ty cổ phần phân bón Bình Điền (Bình Điền) – “ông trùm” NPK trong lĩnh vực vật tư nông nghiệp Việt Nam lại luôn duy trì và bồi tích những tài khoản tiền gửi rủng rỉnh tại các ngân hàng.

Cụ thể, theo Báo cáo tài chính kỳ kế toán 01/02/2011 – 31/12/2011 (cho năm tài chính đầu tiên sau khi chuyển đổi sang mô hình Công ty Cổ phần) thì tại thời điểm cuối năm 2011, giá trị tiểu mục tiền gửi ngân hàng của Bình Điền đã là 145.148.093.612 đồng .

Giá trị tài khoản tiền gửi Ngân hàng của Bình Điền cuối Quý 3/2014 là hơn 450 tỷ đồng

Tiếp đó, sang cuối năm 2012, giá trị tài khoản tiền gửi ngân hàng của Công ty đứng đầu về sản lượng sản xuất cũng như doanh số phân NPK ở vựa lúa miền Nam này đã lại nhanh chóng nhân đôi, lên mức 363.628.029.300 đồng (Báo cáo tài chính hợp nhất cho năm tài chính kết thúc ngày 31/12/2012), góp phần đáng kể đem lại khoản doanh thu 7.456.380.036 đồng từ Lãi tiền gửi, tiền cho vay. Tuy nhiên, con số hơn 7 tỷ đồng lãi tiền gửi, cho vay đó lại chẳng thấm vào đâu với số tiền lãi 157.315.653.997 đồng mà Bình Điền phải chi trả cho khoản vay hơn 1,4 nghìn tỷ đồng của mình trong năm. Rõ ràng xét trên một bài toán kinh tế đơn thuần, việc gửi nhiều trăm tỷ đồng vô ngân hàng để nhận lãi vặt để rồi lại vay ngược tiền từ ngân hàng (đa phần là ngắn hạn) để trả lãi cao e rằng lại là một hành vi chưa được thị trường cho lắm!

So với cuối năm 2012 thì tại thời điểm cuối năm 2013 giá trị tài khoản tiền gửi ngân hàng của Bình Điền có được rút bớt 27 tỷ đồng chỉ còn 336.398.078.845 đồng (Báo cáo tài chính hợp nhất cho năm tài chính kết thúc ngày 31 tháng 12 năm 2013). Tuy nhiên, 9 tháng sau đó, theo Báo cáo tài chính được công bố gần nhất của Bình Điền là Báo cáo tài chính hợp nhất Quý 3/2014, tài khoản tiền gửi ngân hàng của “ông trùm” NPK lại vọt tăng tới 34% lên 450.157.895.361 đồng.

Trách nhiệm Thuế nhà đất: “lặng thinh” và “lưu cữu”

Có tới gần nửa nghìn tỷ đồng nhàn rỗi để ở ngân hàng nhưng quan sát các báo cáo tài chính kể từ khi Công ty chính thức được cổ phần hóa cho đến nay nhận thấy giá trị tiểu mục Thuế nhà đất, tiền thu đất (mục Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước) lại gần như bất động với con số 114.687.620.655 đồng, tức là nghĩa vụ phải nộp Nhà nước đối với những khoản thuế liên quan tới các diện tích đất mà Bình Điền đang sử dụng vẫn gần như lặng thinh.

Cụ thể, giá trị 114.687.620.655 đồng Thuế nhà đất, tiền thu đất mà Bình Điền phải trả cho Nhà nước tại thời điểm cuối Quý 3/2014 đúng bằng với giá trị khoản mục tương đương tại thời điểm cuối năm 2011 trong Báo cáo tài chính đầu tiên sau khi Công ty chính thức chuyển đổi sang mô hình cổ phần hóa.

Giá trị tiểu khoản Thuế nhà đất, tiền thu đất cuối Quý 3/2014 là hơn 114 tỷ đồng

Cuối năm 2012, con số 114.687.620.655 nêu trên vẫn không hề suy suyển. Chỉ cho tới Báo cáo tài chính 2013 thì giá trị tiểu mục Thuế nhà đất, tiền thu đất mới được giảm đi chút ít về  114.678.620.655 đồng. Tuy nhiên , khoản điều chỉnh giảm vỏn vẹn 9 triệu đồng nêu trên rõ ràng là chẳng có nhiều tác động đối với nghĩa vụ phải nộp Nhà nước cả trăm tỷ đồng lưu cữu qua các năm.

Tới Báo cáo tài chính bán niên 2014 thì giá trị Thuế nhà đất, tiền thu đất lại y chuyển về 114.687.620.655 đồng như các năm trước và trong Báo cáo tài chính gần nhất của Bình Điền con số hơn 114 tỷ đồng nêu trên vẫn không “nhúc nhích” dù chỉ một đồng.

“Đảo vế” kế hoạch

Cũng theo Báo cáo tài chính Quý 3/2014, 9 tháng đầu năm Doanh thu bán hàng các cung cấp dịch vụ của “ông lớn” ngành phân bón này đạt 5.011 tỷ đồng, giảm 6% so với cùng kỳ 2013. Tuy nhiên, tổng lợi nhuận kế toán trước thuế lại tăng 7% từ mức 242 tỷ của 2013 lên mức 259 tỷ đồng.

Đối chiếu kết quả trên với thông tin tại Biên bản Đại hội đồng cổ đông thường niên 2014 của Công ty lại có phần bị “khấc”.

Cụ thể trong đại hội khi Công ty đề ra kế hoạch cho năm 2014 là mục tiêu doanh thu là 6.640 tỷ đồng, phấn đầu 7.105 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế là 230,6 tỷ đồng thì đại diện Cổ đông Quỹ đầu tư Vina Capital đã đặt ra câu hỏi “Vì sao kế hoạch 2014 doanh thu tăng nhẹ so với thực hiện 2013 nhưng lợi nhuận lại giảm?” thì trả lời của Đoàn Chủ tịch nêu rõ: Năm 2013 lợi nhuận cao vì trong năm nguyên liệu lưu kho đủ và đúng thời điểm, mặt khác nông dân chấp nhận giá bán hợp lý của phân bón Đầu Trâu để sản xuất nông nghiệp và vẫn có lợi. Tuy nhiên, tình hình kinh tế năm 2014 gặp nhiều khó khăn, mức lợi nhuận được đề nghị thấp hơn so với thực hiện năm  2013 để làm chỉ tiêu phấn đấu. Nếu cổ đông xem kỹ tình hình kinh tế và nông nghiệp nước ta hiện nay, sản phẩm công ty phục vụ nông dân nên đặt chỉ tiêu lợi nhuận quá cao thì nông dân không được hưởng lợi. Do đó ngoài mục tiêu cạnh tranh trên thị trường thì còn đảm bảo được mục tiêu chính trị mà nhà nước giao phó”.

Như vậy, kế hoạch doanh thu tăng lợi nhuận giảm để phục vụ nông dân, đảm bảo mục tiêu chính trị mà nhà nước giao phó mà Đoàn Chủ tịch đã lý giải dường như đã bị đảo vế cho đến thời điểm cuối Quý 3/2014 khi mà ngược lại “tiên đoán”: Lợi nhuận không những giảm mà tăng tới 7% trong khi doanh thu không tăng mà lại giảm 6%.

N.G – Hoa Liên

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến