Phân bón Bình Điền: Thừa tiền gửi ngân hàng, thiếu vốn mua nguyên liệu
26/01/2015 07:17:20
ANTT.VN – Tính đến hết tháng 9 năm 2014, Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền đang phải chịu lãi cho khoản vay tín chấp ngắn hạn các tổ chức tín dụng lên đến 1.600 tỷ đồng. Trong khi đó, khoản tiền gửi ngân hàng của Doanh nghiệp vẫn luôn duy trì ở mức cao vài trăm tỷ đồng.

Tin liên quan

 

Bình Điền được thành lập từ năm 1973 với tên gọi ban đầu là Thành Tài Phân bón Công ty (Thataco). Sau 30 năm phát triển, có những lúc thương hiệu “Đầu trâu” đã phải trải qua thời kì khó khăn gần như đóng cửa, dưới sự lãnh đạo của Tổng Giám đốc Lê Quốc Phong, Phân bón Bình Điền đã trở nên quen thuộc trên thị trường, trở thành doanh nghiệp sản xuất phân bón NPK hàng đầu Việt Nam.

Tính đến hết quý III/2014, Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền có hơn 476,4 tỷ đồng vốn điều lệ, trong đó Tập đoàn Hóa chất Việt Nam chiếm tới 65% cổ phần. Có lẽ, chính vì điều này mà các khoản vốn kinh doanh của Doanh nghiệp có phần được “ưu ái” hơn.

Nhãn hiệu phân NPK Đầu trâu của Bình Điền quen thuộc với cuộc sống nông dân

Trong các khoản mục trong tài sản và nguồn vốn của Doanh nghiệp thì tỷ lệ nợ (Tổng nợ phải trả trên Tổng nguồn vốn) lên tới 68%, đặc biệt khoản nợ vay ngắn hạn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu nợ phải trả. Như vậy, hầu hết tài sản của Bình Điền được tài trợ bởi khoản vay ngắn hạn các tổ chức tài chính.

Theo báo cáo của Công ty CP Phân bón Bình Điền, tính đến hết 30/9/2014, công ty đang phải  vay nợ 1.607 tỷ đồng ngắn hạn ngân hàng, Công ty tài chính và cán bộ công nhân viên. Các khoản vay này đều là vay tín chấp nhằm bổ sung vốn lưu động phục vụ sản xuất kinh doanh.

Có thể kể đến các ngân hàng dựa trên “niềm tin” cho Doanh nghiệp có 65% vốn Nhà nước này vay nợ như Vietinbank với khoản tín dụng 343,179 tỷ đồng; Vietcombank cho vay 330,177 tỷ đồng… hay Công ty Tài chính CP Hóa Chất Việt Nam với khoản vay 125,166 tỷ đồng. Được biết, Theo công bố ngày 09/01/2015 của Công ty tài chính cổ phần Hóa chất Việt Nam (VCFC), Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank)đã hoàn thành việc nhận chuyển nhượng 53.922.500 cổ phiếu, tương ứng 89,87% vốn điều lệ của VCFC, nâng tỷ lệ vốn Techcombank sở hữu tại VCFC lên 99,87%.

Với động thái mua lại gần 100% cổ phần của VPFC thì Techcombank cũng đang trao niềm tin với giá 125 tỷ đồng cho nhãn hiệu phân bón NPK Đầu trâu. Những cái tên khác có hợp đồng vay tín chấp của Công ty CP Phân bón Bình Điền như Ngân hàng TNHH  MTC Shinhan Việt Nam, Standard Chartered hay HSBC…

Một vài khoản vay ngắn hạn theo hình thức tín chấp của Bình Điền đến 30/9/2014 (Nguồn: BCTC quý III/2014) 

Trong bối cảnh năm vừa qua, lãi suất các ngân hàng được điều chỉnh giảm tương đối thì việc Phân bón Bình Điền sử dụng triệt để nguồn vốn vay để đầu tư vào sản xuất kinh doanh là điều dễ hiểu. Tính lũy kế 3 quý đầu năm 2014, chi phí lãi vay của Bình Điền lên đến 78,233 tỷ đồng, 9 tháng năm 2013 là 108,668 tỷ đồng.

Nghịch lý là ở chỗ, vay tín chấp hơn 1.600 tỷ đồng từ hàng chục ngân hàng để gây dựng khoản vốn khổng lồ, Bình Điền lại có dư số tiền gửi ngân hàng lên đến 450 tỷ đồng, lũy kế 9 tháng năm 2014, khoản tiền gửi ngân hàng chỉ mang về doanh thu tài chính cho Công ty 7 tỷ.

Mục đích cho các khoản vay vốn tín chấp để bổ sung vốn lưu động mua nguyên vật liệu dùng cho sản xuất kinh doanh. Nhưng kết thúc quý III/2014, cơ cấu hàng tồn kho của “người bạn của Nhà nông” chiếm tỷ trọng lớn trong tổng danh mục tài sản. Hàng tồn kho chiếm tới gần 45% tài sản ngắn hạn, hầu hết là nguyên vật liệu dư 956,418 tỷ đồng.

Như vậy, cơ cấu khoản vay dùng “niềm tin” từ các tổ chức tín dụng với con số 1.600 tỷ đồng phải chịu lãi hàng ngày, hàng tháng được Công ty đổ dồn vào mua nguyên vật liệu tồn kho số lượng lớn và tiền thừa gửi ngân hàng làm “ăn” chút ít lãi vay.

Năm 2014, các doanh nghiệp phân bón đều cho rằng đây là thời kỳ khó khăn đối với ngành sản xuất phân bón khi giá nông sản giảm, giá thành phân bón cũng giảm đồng thời ngành sản xuất trong nước còn chịu sự cạnh tranh của phân bón nhập khẩu với giá giảm sâu và lượng nhập khẩu tăng mạnh. Đối với Doanh nghiệp sản xuất sản phẩm đặc thù, mũi nhọn như Bình Điền thì sự cạnh tranh, áp lực giảm giá thành là khó tránh khỏi.

Với tình hình sử dụng nguồn vốn vay chưa thực sự đạt hiệu quả, đầu tư vào sản xuất kinh doanh như thời gian qua của Công ty, áp lực vay nợ và trả lãi cũng ảnh hưởng rất lớn đến giá thành. Bình Điền cung ứng phân bón NPK cho bà con nông dân với thị trường rộng khắp cả nước, xem ra, mong muốn hỗ trợ đời sống của nông dân mà HĐQT đưa ra trong Đại hội đồng cổ đông thường niên hồi cuối tháng 4/2014 còn nhiều trở ngại.

Trên thực tế, “người bạn của nhà nông” với nhãn hiệu Đầu trâu quen thuộc còn nhiều điều để nói đến sẽ được ANTT đề cập trong những  kỳ sau.

Hoa Liên- N.G

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến