Dòng sự kiện:
Pháp luật Việt Nam gần như đã tương thích với EVFTA
11/03/2016 12:45:15
ANTT.VN – Ngày 10/03/2016, Kết quả rà soát pháp luật Việt Nam với các cam kết EVFTA về Hải quan và minh bạch hóa đã được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng sự hỗ trợ của Đại sứ quán Anh tại Hà Nội tổ chức công bố.

Tin liên quan

Việt Nam vừa kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) vào cuối năm 2015, cùng với Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), EVFTA dự kiến sẽ tạo ra những tác động lớn đến pháp luật và thể chế chính sách Việt Nam trong thời gian tới, trong đó có các chính sách về Đầu tư.

Là một trong hai nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam, EU rất quan tâm tới việc thiết lập các tiêu chuẩn về bảo hộ đầu tư cũng như khuôn khổ pháp lý về môi trường đầu tư tại Việt Nam. Vì vậy, phần nội dung về đầu tư trong EVFTA có dung lượng rất đồ sộ, với các cam kết ràng buộc trách nhiệm của Việt Nam trong hầu hết các vấn đề liên quan tới đầu tư, từ thủ tục, điều kiện hoạt động đầu tư, tới các biện pháp nhằm bảo vệ quyền, tài sản của nhà đầu tư, giải quyết tranh chấp của nhà đầu tư với các cơ quan Nhà nước về đầu tư… Do đó, để tuân thủ các cam kết EVFTA này, Việt Nam sẽ phải có những sửa đổi, điều chỉnh pháp luật và thực tiễn thực thi cho phù hợp.

Nghiên cứu rà soát pháp luật Việt Nam với các cam kết EVFTA về đầu tư đã được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cùng với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Vương quốc Anh tại Việt Nam triển khai và thông báo kết quả.

Cụ thể, về Hải quan, đại diện Nhóm nghiên cứu, bà Nguyễn Thị Thu Trang – Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập VCCI cho biết, pháp luật Việt Nam gần như đã tương thích với EVFTA, trừ hai yêu cầu rất nhỏ là: Yêu cầu không phân biệt đối xử với SEMs trong thủ tục hải quan ưu tiên (chế độ doanh nghiệp ưu tiên) và yêu cầu mỗi giấy tờ hành chính chỉ phải nộp một lần cho tất cả các thủ tục hải quan liên quan.

Nghiên cứu còn phát hiện, EVFTA không chỉ yêu cầu Việt Nam phải có các quy định trong văn bản pháp luật về cam kết EVFTA mà còn đòi hỏi hiệu quả thực tế. Về mặt quy định pháp luật, Việt Nam đã thực hiện rất tốt, tuy nhiên, cần phải quan tâm nhiều hơn tới vấn đề thực tiễn, mức độ hiệu quả của các quy định.

Từ kết quả rà soát, bà Thu Trang cũng đề xuất giải pháp sửa đổi, bổ sung những điểm chưa logic trong pháp luật đối với  hai điểm chưa tương thích nêu trên, ngoài ra, cũng đưa ra đề xuất cải cách thủ tục hành chính vừa để thực thi cam kết EVFTA, cải thiện hiệu quả quy định, vừa là vì lợi ích của chính người dân và doanh nghiệp.

Trao đổi và bình luận về Dự thảo Rà soát, Bà Phạm Thị Thanh Hiền – Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Tổng Cục Hải quan cho rằng, nhóm nghiên cứu đã rà soát rất chi tiết, kỹ càng từng quy định cụ thể tương xứng của pháp luật Việt Nam với Cam kết EVFTA, vì vậy, kết quả rà soát rất hữu ích cho việc thực thi cam kết sau này.

Bà Nguyễn Hoàng Ánh, giảng viên môn Hải quan trường Đại học Ngoại thương Hà Nội cũng có đề xuất, phải có ngân sách thoả đáng, các khoá đào tạo cho cán bộ công chức làm việc chuyên nghiệp hơn, tránh mất nhiều thời gian, cản trở hoạt động của người dân và doanh nghiệp khi đăng ký các thủ tục liên quan đến pháp luật.

Thứ nhất, Pháp luật Việt Nam cơ bản đã tương thích với cam kết EVFTA về: Minh bạch trong xây dựng và công bố pháp luật và trong các thủ tục khiếu nại, khiếu kiện hành chính. Thứ hai, nhóm nghiên cứu nhận định, pháp luật Việt Nam chưa tương thích với cam kết EVFTA chủ yếu ở khía cạnh thực thi pháp luật, như: các nguyên tắc, thủ tục áp dụng pháp luật đối với các chủ thể và cơ chế tư vấn, giải đáp vướng mắc cho các tổ chức, cá nhân khi có nhu cầu. 

Cuối cùng, nhóm nghiên cứu cũng đưa ra kết luận về các cam kết minh bạch thông tin giữa Việt Nam và EU. Theo đó, các cam kết này không thuộc phạm vi của pháp luật nội địa, tuy nhiên, đối với những trường hợp cụ thể, đôi khi vẫn được áp dụng.

Bà Thu Trang đề xuất: nên sửa đổi các quy định pháp luật hiện hành, chú ý tới các dự thảo Luật ban hành các quyết định hành chính để thuận tiện cho việc thực thi, có thể thành lập các Điểm giải đáp – Cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp thực thi EVFTA. Với các nội dung mà pháp luật Việt Nam đã tương thích, Việt Nam cần quan tâm nhiều hơn đến vấn đề thực thi, sao cho có hiệu quả và dễ dàng nhất.

Các cam kết về hợp tác thông tin Việt Nam –EU, phía Nhà nước cần thực hiện theo cam kết và thực hiện trên mức cam kết đó là phải thông tin công khai cho người  dân và doanh nghiệp.

Nhìn chung, kết quả ra soát của nhóm nghiên cứu đưa ra nhận được nhiều ý kiến tán thành và hoan nghênh từ phía các doanh nghiệp tham dự. Kết quả này cũng đem đến những tác động nhất định cũng như những giải pháp kịp thời trong việc áp dụng thực thi cam kết EVFTA, qua đó, tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp nước ngoài nói chung và các doanh nghiệp trong khu vực EU nói riêng đầu tư vào Việt Nam trong tương lai.

Quách Minh

 

 

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến