Kênh hút vốn cho các dự án “sạch”
Trái phiếu xanh (TPX) đang được xem như một kênh thu hút vốn hiệu quả cho các giải pháp nhằm thích nghi và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu tại nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên ở Việt Nam TPX vẫn là một khái niệm mới đối với nhiều NHTM và DN. Tại Tọa đàm giới thiệu TPX phát hành bởi các NHTM do NHNN phối hợp với IFC tổ chức vào ngày 29/11/2018 nằm trong khuôn khổ hợp tác giữa hai cơ quan này về quản lý rủi ro môi trường xã hội, các diễn giả đến từ IFC, WB, Việt Nam đưa ra những đề xuất, giải pháp để xây dựng phát triển sản phẩm này trong tương lai.
Ảnh minh họa
Theo phân tích của lãnh đạo Vụ Quan hệ quốc tế, lý do TPX ngày càng được quan tâm là bởi trái phiếuđược coi như một loại chứng khoán có thu nhập cố định nhằm thu hút vốn cho các dự án có lợi ích về môi trường. Các khoản tiền thu được từ việc phát hành trái phiếu này sẽ được cam kết đầu tư cho các chương trình tăng cường sự thích nghi và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, bao gồm các dự án năng lượng sạch, sử dụng năng lượng hiệu quả, giao thông công cộng và nước sạch… Cơ quan phát hành TPX cũng khá đa dạng có thể là Chính phủ, các NHTM, các tổ chức tài chính quốc tế hay các DN…
Điểm qua mốc phát triển TPX, ông Oualid Ammar - chuyên gia cao cấp của Vụ ngân sách IFC cho biết, vào năm 2007 thị trường này khá là nhỏ do chưa có tiêu chuẩn cụ thể về TPX. Tuy nhiên kể từ năm 2014 khi các tiêu chí thị trường TPX được chuẩn hóa khuyến khích các nhà đầu tư tham gia vào thị trường này và phát triển ngày càng nhanh chóng. Đơn cử, 1/3 nước trong khối OECD đã phát hành loại trái phiếu này; tập trung phần lớn ở khu vực châu Á như Thái Lan, Indonesia, Malaysia… Song song với đó, các tổ chức tham gia phát hành cũng như loại trái phiếu phát hành ngày càng nhiều, đa dạng hơn…
Là một trong những người chơi lớn trong thị trường này, đến tháng 10/2018, IFC đã huy động được khoảng 8,5 tỷ USD thông qua 125 TPX với nhiều loại tiền tệ khác nhau. Những khoản tiền thu được dùng để đầu tư cho những nhà máy điện mặt trời, nhà máy điện gió, hệ thống chuyên chở công cộng thông minh thân thiện môi trường và nhiều dự án khác.
Trong cùng thời gian đó, IFC đã giúp các ngân hàng ở Colombia, Philippines, Morocco và nhiều quốc gia khác thực hiện các thương vụ tương tự. Gần đây nhất là đấu thầu cho trái phiếu 7 năm trị giá 100 triệu USD của Banco Galicia từ Argentina để tài trợ dự án năng lượng hiệu quả, năng lượng tái tạo và xây dựng bền vững. Các dự án này được kỳ vọng sẽ làm giảm khí thải nhà kính tại Argentina khoảng 157.600 tấn CO2 mỗi năm, tương đương với khí thải từ 33.700 xe hơi.
Để bảo vệ 900.000 cư dân và sinh kế của người dân, đại diện của WB cho biết, năm 2017, Fiji làm việc với IFC và World Bank để trở thành quốc gia đang phát triển đầu tiên phát hành trái phiếu chính phủ xanh. Với mục tiêu huy động 100 triệu đô-la Fiji, tương đương với 50 triệu USD, hai đợt phát hành đầu tiên thu hút sự quan tâm chưa từng có từ các nhà đầu tư và lượng đặt mua đã vượt xa lượng chào bán.
Mặc dù vậy, theo đánh giá của các chuyên gia đến từ WB, IFC thị trường TPX vẫn còn nhiều tiềm năng do nhu cầu đầu tư các dự án bảo vệ môi trường ngày càng lớn. Theo ước tính của Tổ chức Năng lượng quốc tế IEA, để giảm một nửa lượng khí thải toàn cầu vào năm 2050, thế giới sẽ cần một khoản đầu tư lên đến 46.000 tỷ USD. Ở Đông Á có nhu cầu vốn đầu tư cho các dự án về năng lượng sạch, chống biến đổi khí hậu khoảng 16 tỷ USD. Theo đó, TPX được xem như một giải pháp hiệu quả, có thể giúp huy động hàng trăm tỷ USD/năm cho việc phát triển một nền kinh tế “sạch” và bền vững.
Cơ hội nào cho ngân hàng Việt
Hiện tại, ASEAN là khu vực duy nhất đề ra tiêu chuẩn về TPX cho khu vực mình. Đây là cơ hội lớn để các nước trong khu vực đẩy mạnh việc phát hành TPX để phục vụ cho các dự án chống biến đổi khí hậu, dự án năng lượng tái tạo như điện gió, năng lượng mặt trời hay đầu tư hệ thống xử lý chất thải, giảm thiểu tác động xấu lên môi trường.
Tại Việt Nam, theo chia sẻ của lãnh đạo Vụ Quan hệ quốc tế, NHNN, đón đầu xu hướng đó, đồng thời thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng hiệu quả và bền vững, Chính phủ đã xây dựng và ban hành nhiều chính sách và kế hoạch hành động nhằm lồng ghép và thực hiện các mục tiêu chiến lược về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Trong kế hoạch hành động của Chính phủ và NHNN, các NHTM được xem là một thành phần quan trọng để hướng dòng đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất thân thiện môi trường, giảm thiểu rủi ro và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Theo khuyến nghị của chuyên gia đến từ IFC, các ngân hàng Việt Nam tích cực hơn trong phát hành TPX. Bởi, việc phát hành TPX mang lại nhiều lợi ích cho ngân hàng như nâng cao độ tin cậy của ngân hàng, thu hút được nhà đầu tư lớn, giảm thiểu rủi ro trong hoạt động… Tuy nhiên, các chuyên gia đến từ quốc tế lưu ý các tổ chức phát hành cần xem xét cẩn trọng tiêu chí quan trọng trước khi thực hiện phát hành TPX. Đó là tầm nhìn hoạt động DN có phù hợp với mục tiêu sử dụng TPX hay không; quy trình quản lý cũng như chi phí liên quan đến chương trình phát hành.
“Để xác thực tiêu chuẩn xanh, cơ quan phát hành phải trả chi phí cho công ty tư vấn, công ty xếp hạng tín nhiệm. Chưa kể, có thể phát sinh chi phí từ cơ quan quản lý. Như vậy, phát hành TPX phụ trội nhiều hơn so với phát hành trái phiếu thông thường. Do đó, tổ chức phát hành phải cân nhắc”, đại diện WB thông tin thêm.
Đồng quan điểm, TS. Phạm Xuân Hòe - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng cho rằng, để đáp ứng yêu cầu phát hành TPX như mời tổ chức quốc tế độc lập để đánh giá các tiêu chí rất tốn kém cần phải có nguồn vốn hỗ trợ hoặc có các cơ chế ưu đãi để khuyến khích các chủ thể phát hành TPX và thu hút các nhà đầu tư quan tâm đến loại tài sản này. Đơn cử ưu đãi về thuế đối với những nhà đầu tư TPX. Nếu gửi tiết kiệm dài hạn không bị đánh thuế mà mua TPX vì sự phát triển bền vững bị đánh thuế thì khó có thể thu hút nhà đầu tư.
Mặc dù đã đề cập đến việc phát hành TPX trong một số văn bản ban hành nhưng cho đến nay vẫn chưa có một khuôn khổ pháp lý cụ thể quy định và hướng dẫn cho việc phát hành và sử dụng TPX. Vì vậy, theo TS. Hòe cần có các giải pháp đồng bộ, ban hành khung chính sách về phát hành trái phiếu chính phủ xanh, danh mục dự án, chương trình “xanh”. Đặc biệt, Chính phủ Việt Nam cần ban hành văn bản cụ thể liên quan đến TPX. Trong đó, quy định rõ các tiêu chuẩn của riêng mình trong việc xác định TPX, dự án xanh cũng như các nguyên tắc trong việc phát hành và quản lý nguồn vốn hình thành từ TPX…
Theo Thời báo ngân hàng
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy