Dòng sự kiện:
Phát hiện đại lý bán thức ăn nuôi tôm chứa kháng sinh cấm
28/12/2017 06:10:43
Một cơ sở kinh doanh thức ăn nuôi tôm có chứa chất cấm ờ Hà Tĩnh vừa bị lực lượng công an bắt quả tang.

Ngày 27/12, Phòng Cảnh sát môi trường Công an Hà Tĩnh đã phát hiện một cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi tôm có chứa chất cấm.

Mẫu thức ăn cho tôm chứa chất Enrofloxacin

Theo đó, vào 9h sáng cùng ngày, lực lượng chức năng phát hiện ông Phan Văn Tuấn (SN 1987), trú tại huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) đang mua 50 lọ thuốc Hipper Lona Enro – S20% tại Đại lý thức ăn nuôi trồng thuỷ sản Hồng Thái do bà Trần Thị Hồng, trú tại xóm Mới, xã Thạch Bình, TP Hà Tĩnh làm chủ.

Tiến hành kiểm tra khu vực kho của Đại lý thức ăn nuôi trồng thủy sản Hồng Thái, lực lượng chức năng còn phát hiện thêm 157 lọ thuốc Hipper Lona Enro – S20% có chứa chất Enrofloxacin, một loại kháng sinh cấm sử dụng trong sản xuất, kinh doanh thủy sản.

Hiện, Phòng Cảnh sát môi trường đã niêm phong số thuốc trên, hoàn tất hồ sơ xử lý theo quy định của pháp luật.

Trước đó, ngày 26/12, Tổ công tác Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội – Công an huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) tiến hành kiểm tra hành chính đã phát hiện hai cơ sở sang chiết gas trái phép trên địa bàn.

Trong thủy sản, Enrofloxacin được sử dụng để kiểm soát môi trường và phòng trị bệnh cho tôm. Chất này nằm trong danh mục các hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng trong sản xuất thủy sản. Enrofloxacin là vấn đề liên tục mang lại khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam, do người nuôi vẫn sử dụng trong nuôi trồng, khiến cho nhiều lô hàng bị thị trường nhập khẩu cảnh báo và trả về.

Theo Nghị định 41/2017/NĐ-CP về xử phát vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản, lĩnh vực thú y, giống vật nuôi, từ ngày 20/5/2017, hành vi sử dụng kháng sinh, chất cấm trong chăn nuôi và sản xuất, gia công, kinh doanh thức ăn chăn nuôi sẽ bị phạt đến 100 triệu đồng; Hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản mà không sản xuất thì mức phạt sẽ từ 50 – 70 triệu đồng.

Các cơ sở sản xuất, chăn nuôi buộc phải khắc phục hậu quả như tiêu hủy thức ăn chăn nuôi có chứa chất cấm tới khi không còn tồn dư chất cấm mới được phép xuất bán hoặc giết mổ, hoặc tiêu hủy vật nuôi trong trường hợp tái phạm sử dụng chất cấm.

Linh Nhi

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến