Nhà ở, nhà cho công nhân thuê tại khu công nghiệp Yên Phong, Bắc Ninh. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)
Bên hành lang kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV diễn ra chiều 28/7, nhiều dại biểu Quốc hội cho rằng việc ưu tiên, chăm lo nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay để công nhân, người lao động có cuộc sống ổn định hơn.
Tuy nhiên, một số đại biểu cũng lưu ý rằng vốn đầu tư nhà ở cho công nhân, người lao động từ nguồn ngân sách nhà nước chỉ nên xem là “vốn mồi.” Cùng với đó, Chính phủ cần có chính sách thu hút các nguồn lực khác để thực hiện được việc này một cách hiệu quả nhất.
Có an cư mới lạc nghiệp
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus về nội dung trên, đại biểu Đỗ Thị Lan, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội của Quốc hội cho biết hiện nay ở nhiều khu công nghiệp, điều kiện ăn, ở của công nhân, người lao động còn gặp nhiều khó khăn. Có nơi, nhiều công nhân, phải đi thuê nhà trọ để ở với chi phí đắt đỏ, trong khi hạ tầng không đảm bảo.
Theo đại biểu Đỗ Thị Lan, thời gian qua, Chính phủ đã có chủ trương chăm lo vấn đề nhà ở nói chung cho nhà nghèo, gia đình chính sách. Tuy vậy, vẫn cần có những cơ chế để tạo điều kiện cho người lao động tốt hơn như chăm lo tốt hơn cho nguồn nhân lực, phục vụ tốt hơn cho các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian tới.
“Chỉ có an cư mới lạc nghiệp,” đại biểu Đỗ Thị Lan nói và đề nghị Chính phủ cần phải có những chính sách để bảo vệ sức khỏe, việc làm, thu nhập của người lao động. Trong đó có việc đầu tư, xây dựng các khu nhà ở xã hội cho công nhân, lao động.
Đại biểu Trần Công Phàn (đoàn Bình Dương) cũng khẳng định việc quan tâm tới chính sách chung cho người lao động là hết sức cần thiết, nhất là vấn đề về cuộc sống vật chất, tinh thần và đặc biệt là nhà ở để người lao động an tâm làm việc.
Nêu thực tế ở Bình Dương - một địa phương có số lượng dân cư đông thứ 6 cả nước, trong đó có số lượng lớn người “nhập cư” từ các địa phương khác đến là công nhân lao động - đại biểu Trần Công Phàn cho rằng để đảm bảo đời sống, công nhân rất cần được chăm lo, tạo điều kiện để tiếp cận về các dịch vụ nhà ở xã hội.
Đại biểu Bùi Văn Nghiêm, Bí thư Tỉnh uỷ, trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long cũng mong việc đầu tư, xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân cần sớm được triển khai. Lý do là nhiều nơi, công nhân, người lao động phải làm việc xa gia đình, phải sinh sống trong những khu trọ điều kiện không đảm bảo.
Đại biểu Đôn Tuấn Phong, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội trao đổi với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus. (Ảnh: Vũ Võ/Vietnam+)
“Đặc biệt, trong tình hình dịch bệnh vừa qua, khi công nhân phải làm việc theo phương châm ‘3 tại chỗ’ thì việc cần phải bố trí ký túc xá hay nơi ở cho công nhân càng trở nên cấp thiết,” đại biểu Bùi Văn Nghiêm nhấn mạnh.
Ngân sách chỉ nên làm ‘‘vốn mồi’’
Đại biểu Bùi Văn Nghiêm đề nghị Chính phủ cần ưu tiên bố trí nguồn vốn để đầu tư cùng với những kế hoạch cụ thể để phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là ở những khu công nghiệp, khu chế xuất hay ở những địa bàn có đông công nhân, lao động.
Đại biểu Đỗ Thị Lan cho rằng cơ chế, chính sách để chăm lo nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động là việc rất cần thiết.
“Nếu thực hiện được việc này, người lao động có thể yên tâm thực hiện nhiệm vụ sản xuất trong các doanh nghiệp, trong các khu công nghiệp, khu chế xuất,” vị nữ Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội của Quốc hội nhấn mạnh.
Góp thêm ý kiến, đại biểu Trần Công Phàn cho rằng Chính phủ cần xem xét, đánh giá và có phương án rõ ràng về việc triển khai đầu tư, xây dựng phù hợp để đảm bảo hỗ trợ tốt nhất cho người lao động.
Đại biểu Đôn Tuấn Phong, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội (đoàn đại biểu tỉnh An Giang) nhận định việc xây nhà ở hay cung cấp nơi ở cho công nhân lao động cần phải được ưu tiên sớm.
Ông cho rằng pháp ngoài nguồn vốn đầu tư công từ ngân sách nhà nước, Chính phủ và các địa phương cũng cần xây dựng các cơ chế, chính sách thuận lợi để thu hút nguồn vốn từ các khu vực khác tham gia, bởi có như vậy mới lâu dài và dự báo được.
“Nếu chính sách hợp lý có thể tranh thủ được nguồn vốn hợp lý ở nhân dân, doanh nghiệp vào lĩnh vực này,” ông Phong gợi ý.
Cũng theo vị đại biểu đoàn An Giang, nếu được bố trí ngân sách nhà nước để xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân lao động, thì nguồn vốn này cũng chỉ nên làm “vốn mồi” và cần có sự phối hợp giữa các khu vực nhà nước và doanh nghiệp. Có như vậy mới phát triển được các chương trình nhà ở cho công nhân.
Tác giả: Nhóm PV
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy