Dòng sự kiện:
Phẫu thuật rút thanh nâng ngực cho bé trai 7 tuổi
20/12/2021 15:26:52
Dị dạng lõm ngực bẩm sinh là sự lõm xuống của thành ngực trước do sự bất thường của xương ức và các xương sườn.

Hình ảnh về trước và sau phẫu thuật

Bệnh thường gặp ở nam nhiều hơn nữ với tỉ lệ: Nam/nữ = 4/1. Lõm ngực bẩm sinh chiếm tỉ lệ 1/400 – 1/500 ở trẻ sinh ra còn sống và thường gặp ở chủng tộc da trắng hơn da đen. Bệnh có yếu tố gia đình với tỉ lệ gặp từ 37 – 47% ở những gia đình đã có trẻ bị lõm ngực.

Cách đây 3 năm, cháu Đ. T. T, sinh năm 2014, ở Mã Thành, Yên Thành được chẩn đoán bị lõm ngực. Sau khi Bác sĩ tư vấn hướng điều trị, quyết định cho cháu thực hiện phẫu thuật nội soi đặt thanh kim loại để tạo hình xương ức (Phẫu thuật NUSS).


Thanh nâng ngực khi được rút ra ngoài

Tháng 11/2021, sau khi thăm khám tại Bệnh viện Quốc tế Vinh, bệnh nhi được Bác sĩ xác định lồng ngực đã được chỉnh hình tốt, khung xương sườn có xu hướng phát triển hơn kích thước thanh nâng ngực. Đầu thanh nâng ngực bên (T) bắt đầu có can xương bao phủ. Các Bác sĩ đã chỉ định tháo bỏ thanh nâng ngực cho người bệnh.

Cuộc mổ đã diễn ra thành công sau 60 phút. Sau mổ, sức khỏe cháu ổn định, đau ít, không khó thở, chụp phim Xquang ngực: Phổi nở tốt, không có tràn máu, tràn khí màng phổi và xuất viện sau 5 ngày.


Thanh nâng ngực sau khi được rút ra khỏi cơ thể bệnh nhân

Ths. BS.CKII Ngoại lồng ngực Lương Từ Hải Thanh – Giám đốc Bệnh viện Quốc tế Vinh cho biết: “Lõm ngực là một trong các dị dạng bẩm sinh của lồng ngực (Gù vẹo cột sống, lõm xương ức, lồi xương ức, ngực bẹt, khuyết xương ức, thiểu sản xương sườn và cơ ngực lớn …). Diễn tiến tự nhiên của lõm ngực không thể tự khỏi và sẽ ảnh hưởng đến các chức năng hô hấp, tuần hoàn do chèn ép tim phổi.

Đồng thời ảnh hưởng tâm lý của trẻ khi tham gia hoạt động với cộng đồng có xu hướng nặng dần lên. Vì vậy, phẫu thuật lõm ngực nên được diễn ra trong giai đoạn từ 4 – 14 tuổi. Nếu sớm quá trong khi thanh kim loại nâng xương ức phải duy trì từ 2 – 3 năm sẽ hạn chế sự phát triển của lồng ngực khi trẻ phát triển về thể chất. Nếu phẫu thuật muộn quá khi sụn đã cốt hóa, xương trở nên cứng sẽ hạn chế khả năng nâng đỡ của thanh kim loại”.


Để tránh các biến chứng về sức khỏe do lõm ngực gây ra, bố mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế có Chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị khi trẻ có các biểu hiện bất thường sau:

Mệt mỏi, hồi hộp

Đau vùng trước ngực nhất là khi ăn

Thở nhanh nông, nhất là khi gắng sức

Nhịp tim nhanh, đôi khi nghe tim có âm thổi

Nhiễm trùng hô hấp kéo dài, có thể dẫn đến hen phế quản

Biến dạng về hình thể: Gầy, lõm ngực, ngực lép, gù, vẹo cột sống.

Tại Bệnh viện Quốc tế Vinh, với sự phối hợp đa Chuyên khoa, đặc biệt là

Ngoại – Nhi trong điều trị các bệnh lý về lồng ngực, là địa chỉ uy tín trong tầm soát và điều trị bệnh lý lõm ngực cho trẻ.

 Kim Chung

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến