Dòng sự kiện:
Phía trước là 1.000 điểm
08/12/2017 10:53:54
VN-Index đã có phiên giảm điểm mạnh nhất kể từ tháng 8/2017 vào ngày giao dịch thứ Ba 5/1/2017 tuần này mà không chịu ảnh hưởng của bất cứ thông tin tiêu cực nào.

Đơn giản là các mã đã tăng giá quá nhiều trong thời gian ngắn bị bán chốt lời hoặc là dòng tiền đã bắt đầu “chán” các cổ phiếu có giá trị vốn hóa lớn.

Thực ra quá trình chốt lời VIC, VRE, VNM, VCB, MBB, BID, CTG, FPT, BVH, VJC... đã diễn ra từ tuần trước, nhưng chưa có những phiên xả hàng theo đúng nghĩa, bởi vậy, phiên giảm điểm mạnh chỉ thúc đẩy quá trình xả hàng diễn ra nhanh hơn. Khi giá các blue-chips thượng hạng điều chỉnh đến một mức khoảng 10-20% so với giá đỉnh, dòng tiền sẽ lại tìm đến chúng và chỉ số có khả năng chạm ngưỡng 1.000 điểm.

VN-Index đang ở rất gần mốc 1.000 điểm - mốc mà nó đã vươn tới đầu năm 2007 và sau đó tiến thẳng lên 1.170 điểm vào tháng 3 năm ấy. Đấy cũng là đỉnh cao của chứng khoán Việt Nam cho đến giờ. Cơ hội trở lại 1.000 điểm đang tỏ ra hiện thực hơn bao giờ hết với quãng đường gần 11 năm sau.

Có cơ sở để tin rằng chứng khoán đang nằm trên nền tảng vĩ mô với các chỉ số được cải thiện. Tỷ giá đã có một năm ổn định với sự kiểm soát tốt từ phía Ngân hàng Nhà nước. Thanh khoản ngân hàng dồi dào, lãi suất đầu ra giảm chậm nhưng đã giảm và nhiều khả năng còn giảm thêm, tín dụng không quá “nóng” ở mức 15,3% tính đến hết tháng 11 theo số liệu của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia.

Ở phía tài chính, ngân sách năm nay có thể thặng dư và đặc biệt vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài chảy vào thị trường cao hơn hẳn các năm, hiện khối ngoại đã mua ròng 1,2 tỉ đô la Mỹ, chưa tính các đợt thoái vốn doanh nghiệp diễn ra trong tháng cuối năm này mà nước ngoài chắc chắn tham gia.

Thị trường tăng trưởng mạnh nhưng chưa xuất hiện cổ phiếu “chẳng có gì” mà lại tăng phi mã vì đội lái như trong quá khứ. Tất nhiên sự phân hóa vẫn tồn tại, vẫn còn những cổ phiếu tốt chưa được dòng tiền đụng đến. Sự phân hóa sẽ dần được thu hẹp khi các MidCap và SmallCap đã khởi động cuộc rượt đuổi để bắt kịp tốc độ đi lên của nhóm blue-chips.

Ở nhóm MidCap đã thấy sự trỗi dậy của một trong những cổ phiếu đầu tiên niêm yết trên Hose là Công ty cổ phần Cơ điện lạnh (REE-Hose). REE đã đứng ở vùng giá quanh 35.000 đồng/cổ phiếu hơn sáu tháng và chỉ vừa chuyển động gần đây. Sự cải thiện đáng kể về lợi nhuận trong chín tháng đầu năm đã giúp thị giá REE trở nên hấp dẫn với P/E hiện tại khoảng bảy lần, bằng hơn một phần ba P/E bình quân của thị trường chung. Năm nay lợi nhuận ròng của REE, theo một nguồn tin đáng tin cậy, có thể đạt 1.400-1.450 tỉ đồng, tăng khoảng 30-35% so với năm ngoái. REE cũng chuẩn bị trả cổ tức bằng tiền cho năm 2017 và để ngỏ khả năng trả cổ tức bằng cổ phiếu.

Không phải ngẫu nhiên tập đoàn Singapore Jardine Cycle & Carriage vừa nâng tỷ lệ sở hữu cổ phần của REE lên gần 25%. Nếu năm tới REE nới room, Jardine Cycle & Carriage không nghi ngờ sẽ là ứng cử viên ở vị trí người mua thêm số 1. Hiện room của REE vẫn giữ nguyên 49%. REE, theo nhận định của giới đầu tư, không nhất thiết phải nới room tới 100%, chỉ cần lên 65% là đủ để hút vốn ngoại.

Trong nhóm MidCap, các cổ phiếu thép như HPG, HSG, SMC vẫn ghi nhận doanh thu và lợi nhuận khả quan năm nay. Tuy nhiên sự rủi ro của việc sản xuất, kinh doanh mặt hàng thép các loại, vốn là thứ hàng hóa chịu tác động lớn của giá nguyên liệu đầu vào, đã buộc giới đầu tư phải thận trọng với nhóm ngành này.

Thị trường cũng đang chứng kiến trào lưu dòng tiền tập trung vào những cổ phiếu Nhà nước thoái vốn, trong đó có Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Vinaconex (VCG-Hnx). SCIC đã công bố giá khởi điểm của đợt bán đấu giá công khai VCG là 25.600 đồng/cổ phiếu. Nếu bán thành công, SCIC vẫn còn nắm giữ 36% cổ phần tổng công ty. Thị giá VCG đã bứt phá gần 40% kể từ khi có tin Nhà nước thoái vốn. Trong khi đó, mối quan tâm của nhà đầu tư đến những doanh nghiệp Nhà nước thoái vốn khác như FPT, NTP, BMP đã chững lại sau khi SCIC lùi thời điểm đấu giá sang tháng 1-2018.        

Nhà đầu tư nước ngoài đã và sẽ còn tăng cường giao dịch trong những tuần còn lại của năm nhằm tái cơ cấu danh mục đầu tư và chốt sổ giá trị tài sản ròng. Họ có thể bán ra cổ phiếu chốt lời, và tháng 1 năm sau có thể mua lại chính những mã đó để bắt đầu một năm tài chính mới. Năm nay phần lớn các tổ chức đều có tỷ lệ tăng trưởng ở mức hai con số. Từ đầu năm đến nay VN-Index đã tăng gần 42% - tốc độ tăng thuộc hàng cao của thế giới.

 Theo TBKTSG

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến