Từ đầu năm đến nay, phim Việt ra rạp phần lớn là thất bại. Chỉ vài phim được đánh giá ổn về mặt chuyên môn như: "Tháng năm rực rỡ", "Ông ngoại tuổi 30", "Lật mặt: Ba chàng khuyết", "100 ngày bên em", "Nhắm mắt thấy mùa hè" là đạt mức doanh thu cao. Còn lại là các tác phẩm nhiều sạn, không thuyết phục khán giả như: "Thử yêu rồi biết", "Hạ cuối tình đầu", "Yêu nữ siêu quậy"... Nhiều nguyên nhân được đưa ra để giải thích cho sự yếu kém của phim Việt đặt trong mối quan hệ cạnh tranh khốc liệt với phim ngoại nhưng nguyên nhân cơ bản, theo người trong giới, là điện ảnh Việt đang thiếu nhà sản xuất giỏi.
Người cầm lái không bằng
Nhà sản xuất phim giỏi không chỉ là người biết đầu tư đồng tiền sinh lợi mà phải am hiểu về chuyên môn, biết dùng người, đo được nhịp đập của thị trường, nắm bắt nhanh nhạy thị hiếu của khán giả. Họ vừa có khả năng thẩm định kịch bản, biết chọn lựa tác phẩm hợp với thị hiếu công chúng để kêu gọi vốn đầu tư. Họ có đủ kiến thức chuyên môn về các khâu sáng tác để tìm kiếm một ê-kíp sản xuất giỏi mà quan trọng nhất là đạo diễn... để thực hiện tác phẩm trong khuôn khổ kinh phí cho phép. Không chỉ nắm vững quy trình sản xuất phim, nhà sản xuất còn phải biết cách tiếp thị quảng bá từ khi phim lên kế hoạch sản xuất cho đến lúc kết thúc hoàn toàn lịch chiếu.
Cảnh phim "Hạ cuối tình đầu", tác phẩm nhiều sạn và doanh thu kém (Ảnh do nhà sản xuất cung cấp)
Nếu xét theo những tiêu chí trên thì số nhà sản xuất phim được cho là giỏi ở Việt Nam hiện nay chỉ đủ đếm trên đầu một bàn tay: Ngô Thanh Vân, Thanh Thúy, Trương Ngọc Ánh, Jenni Trang Lê, Bebe Phạm, Minh Hà.
Hầu hết nhà sản xuất phim ở Việt Nam đều tự phát. Thấy làm phim có lãi là rủ nhau đầu tư vốn và đứng tên nhà sản xuất. Hễ phim đề tài nào ăn khách là làm theo. Đó là nguyên nhân vì sao mỗi năm điện ảnh Việt có 40-50 phim ra rạp nhưng số phim được khen có chất lượng và thắng doanh thu lại ít ỏi. "Số lượng nhà sản xuất giỏi của Việt Nam quá ít. Họ là lực lượng quan trọng nhưng hình như chẳng ai được đào tạo chính quy. Nhiều đạo diễn, diễn viên kiêm nhiệm luôn vai trò nhà sản xuất trong một phim nên chưa có sự chuyên nghiệp. Chất lượng phim thời gian qua không tốt một phần cũng bởi yếu tố nhà sản xuất" - bà Trịnh Lê Minh Hằng, Giám đốc Skyline Media, cho biết.
Quyền lực thôi - chưa đủ
Chuyện phim Việt thiếu nhà sản xuất giỏi được đạo diễn Vũ Ngọc Phượng đề cập không ít lần với truyền thông. Anh nhận định rằng một số nhà sản xuất trình độ chuyên môn không vững, chọn đạo diễn cùng ê-kíp phim theo cảm tính, lựa người dễ bảo. Chất lượng phim không phải ưu tiên hàng đầu. Nhiều lúc đạo diễn mong muốn được thể hiện trọn vẹn ý tưởng sáng tạo của mình nhưng không thuyết phục được nhà sản xuất, cũng khiến cảm xúc tác phẩm thiếu trọn vẹn.
Phim "Em gái mưa" bị chê do chưa đột phá so với video ca nhạc
Với những nhà sản xuất không chuyên nghiệp, họ khó đưa ra được những quyết định chính xác cho những vấn đề cần giải quyết. Đôi khi, họ dựa vào quyền lực của người bỏ tiền để can thiệp thô bạo vào công việc đạo diễn, ảnh hưởng xấu đến chất lượng phim. "Tôi từng gặp trường hợp nhà sản xuất can thiệp sâu vào công việc đạo diễn. Họ thậm chí yêu cầu chọn diễn viên này hoặc diễn viên kia đang nổi tiếng cho phim của mình thay vì chọn diễn viên hợp vai. Nhiều lúc, nhà sản xuất yêu cầu thay đổi nội dung, thêm quảng cáo sản phẩm để chiều lòng nhà tài trợ...", đạo diễn Huy Cường cho hay.
Diễn viên Kim Tuyến cho biết: "Các diễn viên hiện nay khi tham gia phim nào cũng đều quan tâm tìm hiểu xem nhà sản xuất là ai. Chúng tôi rất sợ những nhà sản xuất danh tiếng không tốt hoặc chưa có kinh nghiệm điều hành. Trước đây, đạo diễn có vai trò quyết định trong phim nhưng vị thế này đã giảm. Quyền cao nhất thuộc về nhà sản xuất, nhà đầu tư".
Theo các nhà chuyên môn, định kiến của khán giả với phim Việt xuất phát từ số lượng phim quá dở ra rạp thời gian qua nhiều hơn so với lượng phim xem được. Nhà sản xuất phim có vai trò hết sức quan trọng trong việc lấy lại vị thế cho phim Việt trong điều kiện cạnh tranh ngày càng khốc liệt với phim ngoại ngay trên sân nhà. Muốn trở thành nhà sản xuất chuyên nghiệp, giỏi nghề thì phải đi học.
Tham vọng nhưng phải đủ khả năng Nữ đạo diễn trẻ Luk Vân cho rằng nhà sản xuất phim là công việc mà không phải ai cũng có thể làm được. Một số diễn viên, đạo diễn có sẵn kinh nghiệm, hiểu biết về điện ảnh nhưng vẫn không muốn vội vã trở thành nhà sản xuất. Họ tích tụ thu nhập để đầu tư vào những dự án tiềm năng và học hỏi cách kinh doanh. "Tôi đã đầu tư nhiều dự án và cũng có dự án có lời nhưng để trở thành nhà sản xuất thì còn phải học hỏi nhiều. Đó là chặng đường dài để học hỏi, không thể nóng vội khi chưa đủ kinh nghiệm", diễn viên Minh Luân bộc bạch. |
Theo Người Lao Động
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy