Dòng sự kiện:
Phó Chủ tịch chửi tục, dọa đánh người, vai trò Hội đồng quản trị VPF ở đâu?
22/05/2018 07:09:43
Đã một tuần sau khi PCT thường trực Trần Mạnh Hùng văng tục, hành xử côn đồ tại cuộc họp, Hội đồng quản trị Công ty VPF chưa thông báo bất cứ động thái xử lý nào, ngoài việc Chủ tịch Trần Anh Tú lên tiếng.

Cần phải khẳng định vụ việc xấu xí mà Phó Chủ tịch VPF Trần Mạnh Hùng là nhân vật chính đã kéo tụt hình ảnh và uy tín của công ty này trong mắt dư luận và các đối tác. Vậy mà khi vụ việc đã trôi qua 1 tuần, dư luận liên tục chỉ trích, lãnh đạo Tổng cục TDTT và VFF cũng chỉ đạo kỷ luật nghiêm khắc nhưng Hội đồng quản trị VPF vẫn chưa có động thái xử lý nào đối với Phó Chủ tịch thường trực Trần Mạnh Hùng. 

Trả lời trên một tờ báo, Chủ tịch VPF Trần Anh Tú thay vì đưa ra quan điểm của người đứng đầu về xử lý vụ việc lại "xin phép không bình luận", đồng thời còn "bênh" cấp dưới là người có năng lực, cực kỳ trách nhiệm và cách làm việc rất thẳng. "Từ khi vào VPF tháng 12-2017, anh Hùng đã hỗ trợ tôi rất nhiều trong công việc", ông Tú nói trên một tờ báo.

Chủ tịch VPF Trần Anh Tú thay vì đưa ra quan điểm của người đứng đầu về xử lý vụ việc lại đi "bênh" cấp dưới là người "có năng lực, cực kỳ trách nhiệm"

Dư luận đang đặt câu hỏi về vai trò, trách nhiệm và cả tiếng nói của các thành viên Hội đồng quản trị VPF ở đâu trong vụ việc làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới công ty và các cổ đông.

Hội đồng quản trị VPF nhiệm kỳ 2017-2020 có 8 thành viên, trong đó ngoài Chủ tịch Trần Anh Tú, Phó Chủ tịch thường trực Trần Mạnh Hùng còn 6 ủy viên khác là đại diện cho các cổ đông góp vốn, gồm các ông/bà: Phạm Thanh Hùng (Quảng Ninh), Lê Hoài Anh, Đinh Thị Thu Trang (VFF), Lê Nguyên Hồng (Quảng Nam), Nguyễn Hồng Thanh (Sông Lam Nghệ An) và Trần Lâm Vũ (Đồng Tháp).

HĐQT VPF có 8 thành viên nhưng vai trò 6 ủy viên lại rất nhạt nhòa

Trên lý thuyết, những quyết định, quyết sách lớn của VPF cần phải dựa trên ý chí của các thành viên Hội đồng quản trị - những người được các cổ đông đã tin tưởng giao phó quyền đại diện. Nhưng trên thực tế, vai trò lẫn tiếng nói của các ủy viên này lại rất nhạt nhòa.

Điển hình như việc ông Trần Hoàng Việt được bổ nhiệm Phó Tổng giám đốc VPF được vài tháng song đến ngay các ủy viên HĐQT VPF cũng không được biết. Cụ thể theo quy trình thì trước khi đi tới bổ nhiệm chức danh này, Chủ tịch VPF phải giới thiệu nhân sự để HĐQT duyệt, sau đó mới ký bổ nhiệm rồi báo cáo với Ban Kiểm soát công ty và các cổ đông. Thế nhưng việc bổ nhiệm Phó Tổng giám đốc Trần Hoàng Việt đã không tuân theo quy trình, do đó mới có chuyện Ủy viên HĐQT Nguyễn Hồng Thanh khi được hỏi cũng không biết "Trần Hoàng Việt là ông nào, liên quan gì tới VPF".

Từ vụ bổ nhiệm ông Trần Hoàng Việt tới vụ Phó Chủ tịch thường trực "bôi do trát trấu" hình ảnh, uy tín công ty, có thể thấy vai trò và tiếng nói của các ủy viên Hội đồng quản trị VPF là rất mờ nhạt. Sự mờ nhạt này có nguy cơ làm phát sinh sự lạm quyền ở thượng tầng bộ máy và đối tượng chịu thiệt không chỉ riêng các cổ đông - đội bóng, mà còn cả nền bóng đá bởi VPF đang nắm quyền tổ chức, điều hành hệ thống các giải chuyên nghiệp quốc gia.

Thật khó có thể chấp nhận, ông Trần Mạnh Hùng - dù được Chủ tịch VPF Trần Anh Tú đánh giá là được việc - sau những lời lẽ tục tĩu, hành xử côn đồ lại vẫn ung dung đeo thẻ Phó ban tổ chức giải ngồi trên ghế VIP các khán đài, chỉ đạo điều hành 3 giải bóng đá cao nhất Việt Nam và góp tiếng nói vào các quyết sách quan trọng của nền bóng đá nước nhà.

Một nguồn tin từ VPF cho biết, trước phản ứng xấu từ dư luận và chỉ đạo từ Tổng cục TDTT, VFF, trong tuần này HĐQT VPF sẽ nhóm họp để xem xét vụ việc của Phó Chủ tịch thường trực Trần Mạnh Hùng.

Trong khi đó, nhiều lãnh đạo thể thao và cổ động viên Hải Phòng rất bất bình với hành xử của ông Trần Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Hải Phòng, Chủ tịch CLB Hải Phòng, đề nghị ông này từ chức.

Theo An ninh Thủ đô

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến