Tin liên quan
Tự xử… bất chấp Luật Tố cáo
Đơn tố cáo của người dân phường Thương Thanh gửi đến tòa soạn Báo Lao Động ngày 19.4.2016 cho biết, Luật Tố cáo 2011 đưa ra “Nguyên tắc xác định thẩm quyền” giải quyết “tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức do người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức đó giải quyết” (Điều 12).
“Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh) có thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND cấp huyện…” (khoản 4 Điều 13). Như vậy, khi UBND quận Long Biên tiếp nhận đơn tố cáo Phó Chủ tịch Đỗ Huy Chiến của người dân phường Thượng Thanh thì theo luật, quận Long Biên phải chuyển đơn này đến người có thẩm quyền là Chủ tịch UBND TP Hà Nội chứ không thể “tự xử”.
Không những thế, với việc đứng ra ký “Thông báo Kết quả giải quyết tố cáo” (số 881/TB-UBND ngày 16.12.2014), vị Phó Chủ tịch UBND quận Đỗ Huy Chiến đã khéo léo chuyển đối tượng bị tố cáo thành “UBND quận Long Biên”. Thông báo 881 ghi rõ: “UBND quận Long Biên đã xem xét giải quyết đơn tố cáo của công dân đối với UBND quận Long Biên trong việc ban hành quyết định thu hồi đất, lập phương án bồi thường hỗ trợ và tổ chức cưỡng chế thu hồi đất không đúng quy định đối với một số hộ gia đình, cá nhân thuộc phạm vi Dự án khu nhà ở Gia Quất phường Thượng Thanh”.
Và với việc vi phạm nghiêm trọng Luật Tố cáo của các ông Chủ tịch và Phó Chủ tịch quận thì đơn tố cáo của công dân được kết luận là “Tố cáo sai” là điều... dễ hiểu.
Bất chấp pháp luật đất đai…
Vụ việc thu hồi đất của dân giao cho doanh nghiệp tại Dự án khu nhà ở Gia Quất - Thượng Thanh đã được Báo Lao Động phản ánh đầy đủ trong loạt bài điều tra “Quận Long Biên, Hà Nội: Vi phạm Luật Đất đai có hệ thống” được đăng tải cuối tháng 12.2013.
Theo đó khẳng định, Dự án khu nhà ở Gia Quất - Thượng Thanh được UBND TP Hà Nội cho phép triển khai thực hiện theo phương thức doanh nghiệp nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của các hộ dân. Thế nhưng, UBND quận Long Biên lại bất chấp pháp luật ra QĐ thu hồi đất của dân giao cho doanh nghiệp.
Dự án khu nhà ở Gia Quất – Thượng Thanh do Cty CP BIC Việt Nam (Cty BIC) đề xuất thực hiện có quy mô trên 10.000 m2 đất, trong đó UBND thành phố xác định có 5.233 m2 đất của các hộ gia đình đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Ông Nguyễn Văn Kế - một trong những người đại diện cho người dân tổ dân phố số 14 phường Thượng Thanh, đứng ra tố cáo ông Đỗ Huy Chiến cho biết: “Theo CV số 9491/UBND-KH&ĐT ngày 22.11.2010 của UBND TP. Hà Nội chấp thuận chủ trương lập Dự án khu nhà ở Gia Quất – Thượng Thanh theo phương thức tự thỏa thuận với người sử dụng đất, UBND quận Long Biên được giao “chủ trì phối hợp với Sở TN&MT kiểm tra việc thực hiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất của Cty BIC và các hộ dân có đất trọng phạm vi dự án”.
Phó Chủ tịch quận Long Biên ký “thông báo kết quả giải quyết tố cáo” chính mình!
Sau khi được quận Long Biên thu hồi đất của dân từ cuối năm 2013, Cty BIC để đất hoang đến nay.
“Thế nhưng, Cty BIC chưa bao giờ “thỏa thuận” giá cả với người dân chúng tôi, còn UBND quận Long Biên cũng chưa bao giờ thực hiện vai trò được giao là “chủ trì”, “kiểm tra” việc thực hiện chuyển nhượng giữa Cty BIC và người dân. Thay vào đó, ông Đỗ Huy Chiến – Phó Chủ tịch UBND quận Long Biên ban hành hàng loạt QĐ thu hồi đất trái pháp luật rồi cưỡng chế thu hồi đất của chúng tôi giao cho Cty BIC”, ông Nguyễn Văn Kế khẳng định.
Điều tra của PV Báo Lao Động đã được đăng tải tại bài “Quận ra tay giúp doanh nghiệp thu hồi đất” (số 300 ra ngày 26.12.2013) cho thấy, tại “Kế hoạch giải phóng mặt bằng thực hiện dự án khu nhà ở Dung Quất, phường Thượng Thanh” (số 253/KH-UBND ngày 16.5.2011 do ông Đỗ Huy Chiến ký) không hề đả động một dòng nào đến “thỏa thuận chuyển nhượng”. Đối với UBND phường Thượng Thanh được ông Chiến giao: “Tuyên truyền vận động người bị thu hồi đất chấp hành chủ trương thu hồi đất…”; đối với Tổ công tác GPMB phường thì: “Niêm yết công khai phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư…”; đối với chủ đầu tư – Cty BIC thì được quyền: “Lập và trình UBND quận phê duyệt dự toán chi phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư…”…
Trước việc làm nêu trên của ông Đỗ Huy Chiến với doanh nghiệp, người dân hết sức bức xúc và gửi đơn kêu cứu đi nhiều nơi. Ngày 16.10.2013, Thanh tra Bộ TN&MT đã có CV (số 298/TTr-TDXLĐT) đề nghị Cty BIC thực hiện đúng ý kiến của UBND TP. Hà Nội trong việc thỏa thuận chuyển nhượng với người dân. Ngày 9.12.2013, Văn phòng Chính phủ có CV số 10395/VPCP-V.I chuyển đơn khiếu nại của người dân phường Thượng Thanh đến UBND TP. Hà Nội đề nghị “kiểm tra, xem xét, giải quyết theo thẩm quyền và thông báo cho Văn phòng Chính phủ biết kết quả giải quyết”.
Ông Nguyễn Văn Kế cho biết: “Mặc dù vậy, vào ngày 31.12.2013 ông Đỗ Huy Chiến đã huy động lực lượng cưỡng chế thu hồi đất của chúng tôi, bất chấp quy định của pháp luật là: “Nhà nước không thực hiện việc thu hồi đất trong trường hợp nhà đầu tư nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất của người đang sử dụng đất” (trích khoản 6 Điều 36 Nghị định của Chính phủ số 181/2004/NĐ-CP ngày 29.10.2004)”.
Theo Lao Động
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy