Dòng sự kiện:
Phó Chủ tịch tỉnh nói đủ điều kiện vay, PGĐ Vietcombank bảo 'không lọt'
23/03/2015 11:18:37
ANTT.VN - Ông Phạm Trường Thọ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, ngân hàng VCB Quảng Ngãi đi ngược chủ trương thực hiện Nghị định 67. Nhưng đại diện ngân hàng thì chứng minh không thể giải quyết hồ sơ ngư dân do yếu tố “bất ổn về phương thức thanh toán, tiềm ẩn rủi ro!?”.

Tin liên quan

Việc triển khai thực hiện Nghị định 67 về chính sách hỗ trợ cho ngư dân tại tỉnh Quảng Ngãi, sau gần 1 năm, số lượng tàu 189 chiếc được Chính phủ phân bổ vẫn đang bị “mắc cạn” trong khối bùng nhùng của cơ chế và nhiều lý do liên quan đến tập quán, năng lực đánh bắt của ngư dân. Tỉnh Quảng Ngãi đã sàng lọc hồ sơ xét duyệt 67 trường hợp, tiến hành làm 3 đợt, hiện nay mới chỉ có 8 ứng cử viên lọt vào danh sách vay vốn đóng tàu. Dự kiến trong 2 tháng tới sẽ giải ngân cho 8 – 10 tàu đóng mới. Hiện nay, thực hiện thành công nhất là Ngân hàng Nông nghiệp chi nhánh Quảng Ngãi. Đơn vị này đã giải ngân cho Công ty thủy sản Lý Sơn và tàu cá của ngư dân Nguyễn Sáu ở Sa Huỳnh. Tàu đã hạ thủy đi đánh bắt xa bờ.

Theo báo cáo của các địa phương thì phần lớn ngư dân đăng ký vay vốn đóng tàu nhưng vẫn đang ở “tư thế chờ” nên nằm ngoài danh sách. Nghị định 67 quy định máy chính của tàu phải là máy mới. Trong khi đó ngư dân “chờ” nhà nước thay đổi chính sách, cho sử dụng máy cũ nhập khẩu. Máy cũ giá thành rẻ hơn máy mới gấp 3 lần. Nếu sử dụng máy cũ thì bà con ngư dân sẽ nhanh chóng hoàn nợ vay. Qua gặp gỡ bà con ngư dân thì nhiều người trình bày rằng, máy cũ của Nhật nhập khẩu có tem nhãn ghi rõ thời gian hoạt động nên xác định được phần trăm của máy. Mấy chục năm qua, ngư dân chỉ sử dụng máy cũ.

Nhiều ngư dân vay vốn Nghị định 67 để đóng tàu chụp mực.

Trong buổi làm việc tại Quảng Ngãi vào chiều 20.3 của đoàn giám sát Ủy ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội, các đại biểu cũng có ý kiến rằng: “Trước đây chúng ta đi xe máy cũ, sau đó thì người dân chuyển sang đi xe máy mới. Chúng ta trải qua một giai đoạn quá độ vì đất nước còn khó khăn. Vậy thì đoàn giám sát sẽ đề nghị Chính phủ ban hành quy định bổ sung để ngư dân được sử dụng máy cũ, sau đó thì từ từ chuyển sang máy mới. Làm như vậy thì chính sách mới đi vào cuộc sống và Nghị định 67 mới có thể thành công”.

Ban chỉ đạo việc thực hiện 67 ở Quảng Ngãi muốn đẩy nhanh tiến độ, mở rộng cánh cửa cho các ngư dân được tiếp cận nguồn tín dụng. Kết quả, tốc độ “nhanh” ở khâu xét duyệt và lập danh sách, nhưng đến cửa các ngân hàng thương mại thì tốc độ đã “chậm” lại. Điển hình nhất là tàu cá của ngư dân Võ Hân bị ngân hàng Vietcombank bác hồ sơ.

Ông Hân lập hồ sơ xin vay đóng tàu cá mành chụp rất hiện đại, dài 30,8 mét, công suất 829 mã lực, tổng giá trị là 16,9 tỷ đồng bao gồm tàu và toàn bộ thiết bị, ngư lưới cụ. Cùng thời gian trên, 2 tàu cá khác của tỉnh Quảng Ngãi cũng làm hồ sơ chung với ông Hân và đăng ký tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển chi nhánh Quảng Ngãi. 3 tàu đều làm hồ sơ và ký hợp đồng đóng tàu tại Công ty TNHH MTV đóng tàu Bạch Đằng tại quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng. 2 hồ sơ bên ngân hàng Đầu tư và Phát triển “qua” được cửa thẩm định. Còn tàu của ngư dân Võ Hân thì không qua được cửa ngân hàng Vietcombank. Đó chính là điều mà ngư dân và ban chỉ đạo có nhiều ý kiến băn khoăn.

Ông Phạm Trường Thọ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đã phát biểu trong cuộc họp của Ban chỉ đạo thực hiện Nghị định 67 vào sáng 20.3: “Hồ sơ của Võ Văn Hân, đủ các điều kiện, là người có kinh nghiệm, có tài sản thế chấp, có vốn đối ứng, đang làm nghề biển. Không giải quyết thì có nghĩa là ngân hàng không thực hiện chủ trương của Chính phủ, là tùy tiện”.

Ông Tôn Long Thắng lập luận lý do hồ sơ ngư dân Võ Hân không qua “cửa”.

Ông Tôn Long Thắng, Phó giám đốc ngân hàng Vietcombank chi nhánh Quảng Ngãi thì lập luận rằng: “Thời điểm đầu tiên, ông Hân đã ký hợp đồng với một công ty ở Hà Nội, nhưng qua thẩm định thì công ty này không có chức năng đóng tàu. Điều đó khiến ngân hàng bắt đầu nghi ngại và lo lắng. Còn hiện nay thì ông Hân vẫn không được ngân hàng chấp nhận vì ngân hàng chứng minh năng lực đánh bắt không đủ trả năng hoàn nợ; Giá thành đóng tàu cao hơn tàu các hộ khác tương tự. Đặc biệt là phương thức thanh toán tiềm ẩn rủi ro cho ngân hàng và cả chủ tàu. Đó là ngay sau khi ký kết hợp đồng thi công, chủ tàu thanh toán cho công ty Bạch Đằng 5 tỷ, và 10 ngày sau thanh toán tiếp 5 tỷ!?”.

                                                                          Hà Anh

 

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến