Dòng sự kiện:
Phó giám đốc bắt cóc, cưỡng hiếp bé gái 15 tuổi đối diện với hình phạt nào?
04/11/2021 10:06:58
Đối với hành vi hiếp dâm người dưới 16 tuổi có tổ chức, khung hình phạt là 20 năm, chung thân hoặc tử hình.

Như VietNamNet đã đưa, T. (sinh năm 2006), nhân viên quán karaoke tại xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong, Bình Thuận có đơn tố cáo việc bị nhóm người khống chế, bắt cóc đưa đến khách sạn hiếp dâm.

Theo tố cáo, trước khi bị bắt cóc, có 1 đối tượng đặt vấn đề "qua đêm" với T. nhưng em không đồng ý.

Điều tra cho thấy, người khống chế, hiếp dâm T. là Lê Anh Tuấn (40 tuổi, ngụ Quảng Bình), Phó Giám đốc một công ty khoáng sản, vật liệu xây dựng tại Bình Thuận. Tuấn đã cùng đồng bọn bắt cóc T. đưa đến khách sạn để thực hiện hành vi.

Lê Anh Tuấn, Phó Giám đốc doanh nghiệp ở Bình Thuận

Trao đổi với VietNamNet, luật sư Đặng Hoài Vũ (Trưởng Văn phòng luật sư Đặng Hoài Vũ và đồng sự) cho rằng, hành vi khống chế T. đưa lên ô tô chở về khách sạn của Tuấn và đồng bọn có thể cấu thành tội "Bắt giữ người trái pháp luật".

Luật quy định, người nào bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật có tổ chức, đối với người dưới 18 tuổi, người không có khả năng tự vệ sẽ bị phạt án tù cao nhất lên đến 7 năm.

Trong trường hợp chỉ có Tuấn là người trực tiếp thực hiện hành vi quan hệ tình dục ngoài ý muốn với T., nhưng xét về trách nhiệm hình sự, tất cả các đối tượng tham gia vụ việc đều phạm vào tội Hiếp dâm người dưới 16 tuổi, với tình tiết định khung tăng nặng là “phạm tội có tổ chức”, theo quy định tại điểm a, khoản 3, Điều 142 BLHS.

Theo luật sư, “phạm tội có tổ chức” ở đây được hiểu là, tất cả các đối tượng trong vụ án đã bàn bạc với nhau ép T. về khách sạn, khống chế để Tuấn có hành vi giao cấu với nạn nhân.

Đối với hành vi hiếp dâm người dưới 16 tuổi có tổ chức, khung hình phạt là 20 năm, chung thân hoặc tử hình.

Về tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự là phạm tội có tổ chức và phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, do đã rơi vào trường hợp định khung hình phạt nên không xem là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự nữa.

Người bị hại có thể yêu cầu bồi thường

Vẫn theo luật sư Đặng Hoài Vũ, T. hoàn toàn có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại về sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín.

Theo đó, thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm: Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;

Luật sư Đặng Hoài Vũ

Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại. Nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;

Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị. Nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại.

Ở đây, mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận. Nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

Trong trường hợp các đối tượng phạm tội có tổ chức thì sẽ phải liên đới bồi thường cho người bị hại.

Trách nhiệm bồi thường của từng người cùng gây thiệt hại được xác định tương ứng với mức độ lỗi của mỗi người. Nếu không xác định được mức độ lỗi thì nhóm bị can phải bồi thường thiệt hại theo phần bằng nhau.

Tác giả: T.Nhung

Theo: Vietnamnet
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến