Dòng sự kiện:
Phó Thống đốc: Ngân hàng Nhà nước không có gói hỗ trợ 20.500 tỷ đồng
12/08/2021 11:37:59
Chiều 11/8, tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7, Phó Thống đốc Đào Minh Tú đã trả lời câu hỏi liên quan đến việc tháo gỡ khó khăn về lãi suất vốn vay cho người dân và doanh nghiệp...

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú

Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, về lãi suất của các doanh nghiệp, ngay từ khi bùng phát dịch bệnh, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại hạ các mức lãi suất. Trong năm 2020, Ngân hàng Nhà nước đã hạ lãi suất điều hành và các ngân hàng thương mại đã hạ lãi suất cho vay.

Cụ thể, mức giảm trung bình khoảng 1,2-1,5% trong năm 2020 so với mức lãi suất trước đó. Ngoài ra, 7 tháng đầu năm 2021, lãi suất đã giảm thêm khoảng 0,5% nữa.

Trước tình hình dịch bệnh lan rộng tại các địa phương và các tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội, việc giảm lãi suất là một trong những chính sách quan trọng và thiết yếu đối với doanh nghiệp lúc này.

Vì thế, ông Tú cho biết, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại vừa cắt giảm chi phí hoạt động tối đa để tạo điều kiện giảm lãi suất và chia sẻ lợi nhuận của ngân hàng thương mại để giảm lãi suất cho doanh nghiệp hiện nay.

Thực hiện chỉ đạo này, Hiệp hội Ngân hàng đã họp với 16 ngân hàng thương mại có quy mô lớn nhất đã nhất trí và cam kết sẽ tiếp tục giảm lãi suất tiếp cho các nhóm đối tượng trên tinh thần "khó khăn ít thì giảm ít, khó khăn nhiều thì giảm nhiều". Các ngân hàng thương mại đã cam kết từ nay đến cuối năm sẽ giảm thêm lãi suất gần 20.500 tỷ đồng.

Đáng chú ý, nói thêm về thông tin Ngân hàng Nhà nước đưa ra gói hỗ trợ 20.500 tỷ đồng, Phó Thống đốc nhấn mạnh: "Là không có gói này, chủ yếu là các ngân hàng thương mại công bố lãi suất sẽ giảm và bằng các phương pháp giảm khác nhau, tùy theo quy mô điều kiện của mỗi ngân hàng".

Ngoài ra, 4 ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước gồm: Vietinbank, Vietcombank, BIDV, Agribank đã đồng thuận và nhất trí sẽ giảm lãi suất vay thêm mỗi ngân hàng khoảng 1.000 tỷ đồng.

"Tổng cộng 4 ngân hàng sẽ giảm thêm 4.000 tỷ đồng cho những địa phương cho một số địa phương như TP.HCM, Bình Dương, một số tỉnh đang thực hiện Chỉ thị 16 hiện nay, đây đều là những địa phương đang rất khó khăn nên sẽ tập trung giảm thêm. Bên cạnh việc giảm lãi suất này, 4 ngân hàng cũng cam kết sẽ giảm 100% các loại phí dịch vụ ngân hàng cho các địa phương nói trên", ông Tú chia sẻ.

Tuy nhiên, để đảm bảo cho việc giảm lãi suất một cách thực chất cũng như việc tiếp cận nguồn vốn lãi suất thấp của các doanh nghiệp, vị lãnh đạo trên cho biết, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục tăng cường giám sát việc giảm lãi suất này của các ngân hàng thương mại, đảm bảo từ nay đến cuối năm các cam kết này được thực hiện.

"Hy vọng rằng dịch bệnh sớm kết thúc và việc khôi phục nền kinh tế thông qua việc tăng cường năng lực về nguồn lực cho doanh nghiệp để phục hồi sẽ là vấn đề mà Ngân hàng Nhà nước ưu tiên trong thời gian sắp tới", Phó Thống đốc nói.

Tác giả: Vũ Phong

Theo: Vneconomy
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến