Dòng sự kiện:
Phó tổng Thư ký Hội Luật gia Việt Nam: “Luật pháp không phải trò hề”
17/11/2014 17:44:17
ANTT.VN – Phó tổng Thư ký Hội Luật gia Việt Nam đã tỏ ra rất bức xúc về việc hình ảnh diễn viên hài Công Lý bị “lột đồ” trên trang bìa cuốn sách Bộ luật dân sự và văn bản hướng dẫn thi hành 2014.

Tin liên quan

Mới đây, cuốn sách “Bộ luật dân sự và văn bản hướng dẫn thi hành 2014” nằm trong Tủ sách pháp luật cơ sở của nhà xuất bản (NXB) Lao Ðộng - Xã Hội với bìa sách có in hình ảnh gương mặt của diễn viên hài Công Lý khiến dư luận rất bất bình. Đa phần ý kiến từ dư luận đều cho rằng đây là hình ảnh phản cảm. Thậm chí, NXB còn vi phạm quyền hình ảnh.

Trao đổi với PV về vấn đề này, ông Dương Đình Khuyến - Phó tổng Thư ký Hội Luật gia Việt Nam (HLGVN) bức xúc: “Đây là hình ảnh không thể chấp nhận được, một tiền lệ chưa từng có từ trước tới nay. Thẳng thắn mà nói, đây là sự phỉ báng vào nền Tư Pháp nước nhà, luật pháp không phải trò hề. Không hiểu sao họ (NXB - PV) có thể đưa hình ảnh một diễn viên hài đứng trung tâm hai tay dang ra cầm đĩa cân làm trang bìa cho một cuốn sách Bộ luật dân sự và văn bản hướng dẫn thi hành 2014”.

Ông Dương Đình Khuyến - Phó tổng Thư ký Hội Luật gia Việt Nam (HLGVN) bức xúc với bìa cuốn sách.

Phó tổng Thư ký Hội Luật gia Việt Nam nói: “chỉ nhìn qua ai cũng có thể nhận thấy hình ảnh người trong hình được in trên bìa sách rất giống với diễn viên hài Công Lý. Nếu đây đúng là hình ảnh của Công Lý được NXB sử dụng mà chưa được sự cho phép của diễn viên này, thì NXB đã vi phạm quyền hình ảnh”.

Tại Điều 31 Bộ luật Dân sự năm 2005 có quy định: Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý… Nghiêm cấm việc sử dụng hình ảnh của người khác mà xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh. Xét về khía cạnh hình ảnh biểu trưng cho luật thì hình ảnh trang bìa cuốn sách đã làm sai bản chất. Không thể có chuyện một người bình thường, cởi trần hai tay cầm hai đĩa cân để làm biểu tượng cho sự công bằng của luật pháp được. Còn về mặt văn hóa, đây là hình ảnh rất phản cảm, vô văn hóa, không thể chấp nhận”, ông Khuyến nói.

Phó tổng Thư ký (HLGVN) cho biết thêm, theo quy định tại khoản 2, khoản 3, Điều 25 Bộ luật Dân sự, khi quyền nhân thân của cá nhân bị xâm phạm thì người đó có quyền: Yêu cầu người vi phạm hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền buộc người vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi, cải chính công khai; Yêu cầu người vi phạm hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền buộc người vi phạm bồi thường thiệt hại.

Những biểu tượng phải được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền công nhận. Thông thường, những văn bản của Bộ Tư Pháp, HLGV, Liên đoàn Luật sư VN… hình ảnh biểu tượng được in là chiếc cân, không có hình người. Những văn bản chính thống thì chỉ sử dụng quốc huy, ở dưới được in tựa sách. Hình ảnh như trong cuốn sách “Bộ luật dân sự và văn bản hướng dẫn thi hành 2014” của NXB Lao Ðộng - Xã Hội là chưa từng có”, ông Khuyến cho hay.

Trước đây, một biểu tượng sớm nhất được sử dụng trong ngành Tư Pháp đó là tượng nữ thần công lý Thésmis trong truyện thần thoại Hy Lạp (ra đời khoảng từ năm 2000 - 1100 TCN). Hình ảnh nữ thần công lý Thésmis một tay cầm cân, một tay cầm thanh kiếm, mắt bịt một băng vải đen để chứng tỏ sự vô tư, không thiên vị, đem lại sự ổn định và phát triển hài hòa của thế gian.

Bìa sách được duyệt ban đầu không có hình diễn viên Công Lý.

Trong một diễn biến khác, trả lời trên báo chí, diễn viên Công Lý khẳng định chỉ biết đến sự việc khi báo chí phản ánh và NXB cũng chưa từng xin phép, trao đổi với anh về việc sử dụng hình ảnh trên bìa sách.

Được biết, cuốn sách “Bộ luật dân sự và văn bản hướng dẫn thi hành 2014” được NXB Lao Ðộng - Xã Hội in 1.000 cuốn, xuất bản năm 2014. Có thông tin, NXB này đã thu hồi cuốn sách sau khi báo chí phản ánh, hiện nay, họ đang tiếp tục rà soát, thu hồi.

PV

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến