Phúc thẩm đại án Phạm Công Danh: Luật sư bảo vệ cho Trần Ngọc Bích gửi kiến nghị đến HĐXX
03/01/2017 17:05:30
Luật sư Thụy Uyên cho rằng đã có một số nội dung không nằm trong phạm vi vụ án, không nằm trong phạm vi xem xét của cấp phúc thẩm, cụ thể là các giao dịch của bà Trần Ngọc Bích với các cá nhân khác.

Tin liên quan

Đề nghị chỉ xét hỏi các tình tiết liên quan

Sau khi gửi kiến nghị đầu tiên vào ngày 30/12/2016, sáng nay, 03/1/2017, Luật sư Kiều Vũ Thụy Uyên, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bà Trần Ngọc Bích, ông Trần Quí Thanh và 15 cá nhân khác gửi tiền tại VNCB đã tiếp tục gửi đơn kiến nghị thứ hai đến Viện kiểm sát (VKS) và Hội đồng xét xử (HĐXX) về việc trả lời trong phần xét hỏi tại phiên tòa phúc thẩm vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm rút hơn 9.000 tỷ tại VNCB.

Theo kiến nghị, vị luật sư này đề nghị HĐXX và đại diện VKS chỉ xét hỏi các tình tiết liên quan đến vụ án và nằm trong phạm vi xét xử phúc thẩm. Đối với các tình tiết, đặc biệt là số liệu về các giao dịch, nội dung các giao dịch, nội dung chứng từ thì nếu cần xét hỏi, đề nghị cung cấp cho người cần xét hỏi các nội dung, các chứng từ cần thiết và cho thời gian hợp lý để có thể trả lời đầy đủ, chính xác. Với những câu trả lời mà người trả lời cần giải thích thêm, thì đề nghị HĐXX, đại diện VKS cho phép giải thích đầy đủ.

Luật sư của bà Trần Ngọc Bích đề nghị HĐXX và đại diện VKS chỉ xét hỏi các tình tiết liên quan đến vụ án và nằm trong phạm vi xét xử phúc thẩm

Theo các quy định pháp luật, phiên tòa phúc thẩm xem xét các nội dung có kháng cáo, kháng nghị, phần xét hỏi là để làm rõ các tình tiết của vụ án.

Qua diễn biến những ngày xét hỏi vừa qua, Luật sư Thụy Uyên cho rằng đã có một số nội dung không nằm trong phạm vi vụ án, không nằm trong phạm vi xem xét của cấp phúc thẩm, cụ thể là các giao dịch của bà Trần Ngọc Bích với các cá nhân khác, kể cả các chứng từ giao nhận tiền trong các giao dịch với bà Phạm Thị Trang (Trang “phố núi”) hay các tổ chức, cá nhân khác trước đó. Có rất nhiều chứng từ, giao dịch, tình tiết không được nêu trong cáo trạng và bản án sơ thẩm, không có trong nội dung kháng cáo, kháng nghị nhưng vẫn được đưa ra trong phần xét hỏi.

Có nhiều câu hỏi về chi tiết các giao dịch không nằm trong nội dung bản án sơ thẩm từ số tiền, lãi suất, thời gian, địa điểm… của các sự việc đã xảy ra nhiều năm trước đây, nhưng lại yêu cầu bà Trần Ngọc Bích, ông Trần Quí Thanh và các cá nhân trả lời ngay, chính xác, cụ thể là không khả thi.

Đối với một số câu hỏi, các câu trả lời sẽ không đơn giản là có hoặc không, đồng ý hoặc không đồng ý nếu không kèm theo các lời giải thích. Do đó, việc không cho giải thích mà chỉ yêu cầu trả lời có hoặc không, đồng ý hay không đồng ý thì sẽ không đảm bảo câu trả lời thể hiện đúng nội dung sự việc.

Với một doanh nghiệp bay bất kỳ một cá nhân thì việc hệ thống lại, giải thích lại các sự kiện trong cuộc sống, trong giao dịch của mình trong nhiều năm trước cần phải có thời gian để hệ thống lại là điều dễ hiểu và hợp lý.

Luật sư Uyên cho rằng đặt trong bối cảnh phiên tòa này, việc các phương tiện truyền thông chú ý đến phiên tòa tác động rất lớn đến tâm lý của tất cả những người tham gia tố tụng. Nếu các câu hỏi và các câu trả lời không được đưa ra một cách hợp lý, có đủ thời gian, thì các câu trả lời rất dễ không đầy đủ, bị suy diễn, làm ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan của vụ án. Luật sư Uyên nhấn mạnh “Các kiến nghị của tôi trên đây không nhằm né tránh bất cứ vấn đề nào, chỉ nhằm làm sáng tỏ sự thật khách quan của vụ án”.

Ông Trần Quí Thanh không xuất hiện?

Ông Trần Quí Thanh đã không xuất hiện tại phiên tòa ngày 03/1/2017 do đang điều trị bệnh tại bệnh viện nhiều ngày nay từ trước khi mở phiên tòa, Phạm Công Danh thì liên tục xin đối chất với ông Trần Quí Thanh. Vậy sự vắng mặt của ông Trần Quí Thanh liệu có ảnh hưởng đến quá trình xét xử của vụ án này?

Theo hồ sơ vụ án và bản án sơ thẩm, Phạm Công Danh dù không có tiền, không có bằng đại học vẫn “phù phép” làm hồ sơ để mua Trustbank (sau này là VNCB) từ nhóm bà Hứa Thị Phấn. Số tiền mua cổ phần trả cho bà Hứa Thị Phấnđược Phạm Công Danh rút trái phép từ VNCB. Số tiền tăng vốn sau đó cũng rút ra từ VNCB. Sau khi kiểm soát VNCB, Phạm Công Danh tiếp tục rút tiền từ VNCB để tiêu xài, trả nợ cá nhân … thông qua việc lập hợp đồng khống thuê trụ sở, nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin, gửi tiền của VNCB vòng vèo qua ngân hàng khác để rút … Như vậy, các vấn đề phải giải quyết của vụ án là: Tại sao Phạm Công Danh không có học, không có tiền, chỉ có tiền án về tội chiếm đoạt tài sản lại được làm Chủ tịch Ngân hàng; Phạm Công Danh đã rút 18.000 tỷ đồng của VNCB như thế nào; Hành vi của Phạm Công Danh có phải là chiếm đoạt không; Tiền rút ra tiêu đi đâu; Làm thế nào để khắc phục hậu quả.

Bị cáo Phạm Công Danh

Phạm Công Danh luôn lặp đi lặp lại điệp khúc “trí nhớ kém”, “sức khỏe kém” hoặc “không trả lời” khi gặp những câu hỏi như về năng lực tài chính của Danh, về tiền Danh rút ra đi đâu, … Nhưng Phạm Công Danh luôn tỏ ra lanh lợi khi cho rằng đã trả ông Trần Quí Thanh hàng ngàn tỷ tiền lãi ngoài, khi cho rằng Phạm Công Danh có quan hệ vay mượn với ông Trần Quí Thanh. Các lời khai của Phạm Công Danh đều dẫn đến một mục đích là đề nghị thu hồi tiền từ ông Trần Quí Thanh để khắc phục hậu quả cho VNCB, giảm nhẹ trách nhiệm cho Phạm Công Danh.

Tại phiên tòa sơ thẩm, Phạm Công Danh đã bị cảnh cáo vì nổi cáu, quát luật sư Kiều Vũ Thụy Uyên khi luật sư này truy Phạm Công Danh về việc nguồn tiền ở đâu để trả lãi ngoài vì chính Danh và Tập đoàn Thiên Thanh không có năng lực tài chính, hệ thống ghi chép như thế nào, mức lãi suất mà Phạm Công Danh khai quá vô lý (lên đến 82%/năm)… Đến phiên tòa phúc thẩm, liệu Phạm Công Danh lại tiếp tục dùng con bài “Trần Quí Thanh” để đánh lạc hướng dư luận, làm giảm nhẹ trách nhiệm của mình, để tránh đi việc phù phép hồ sơ từ khi mua ngân hàng VNCB, rồi rút ruột VNCB phục vụ mục đích cá nhân mình?

Với những hành vi của Phạm Công Danh là rút tiền VNCB trái phép bằng nhiều hình thức để tư lợi, thì việc ông Trần Quí Thanh có hay không có mặt tại Tòa, việc Phạm Công Danh có vay hay không vay ông Trần Quí Thanh đều không làm thay đổi bản chất vụ án. Ông Trần Quí Thanh và một số cá nhân có tiền gửi tại VNCB nay đòi lại, thì quan hệ giữa ông Trần Quí Thanh và Phạm Công Danh cũng không ảnh hưởng đến trách nhiệm của VNCB. Với sự chỉ đạo sát sao của Đảng và Nhà nước gần đây, hy vọng bản chất của vụ án Phạm Công Danh sẽ được làm rõ tại phiên tòa phúc thẩm.

Mai Hoa

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến