Dòng sự kiện:
PNJ của 'nữ tướng vàng bạc' Cao Thị Ngọc Dung lỗ 89 tỷ đồng trong tháng 4/2020
21/05/2020 07:31:31
Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) vừa công bố kết quả kinh doanh tháng 4 với doanh thu thuần đạt 501 tỷ đồng, giảm 47% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế âm 89 tỷ đồng.

Cụ thể, doanh thu kênh lẻ của PNJ trong tháng 4/2020 giảm 62% so với cùng kỳ năm 2019. Doanh thu vàng miếng tăng 42% so với cùng kỳ năm 2019. Kênh sỉ, khách hàng doanh nghiệp và xuất khẩu tiếp tục chịu tác động của dịch Covid-19 trong nước và quốc tế.

Biên lợi nhuận gộp trong tháng 4 giảm mạnh từ mức 24,6% của cùng kỳ xuống còn 8,4%. Nguyên nhân của việc suy giảm này đến từ sự tăng tỷ trọng đóng góp của kinh doanh vàng miếng (38% so với 14% của tháng 4/2019).

Tỷ trọng trang sức vàng cũng dịch chuyển về nhóm sản phẩm có giá trị tài sản cao hơn nhóm trang sức thời trang. Bên cạnh đó, chi phí xử lý, làm mới sản phẩm mua lại cao khiến giá vốn tăng. Lũy kế, biên lợi nhuận gộp của PNJ đạt 19,8%, giảm so với mức 22,4% của cùng kỳ 2019.

PNJ của 'nữ tướng vàng bạc' Cao Thị Ngọc Dung lỗ 89 tỷ đồng trong tháng 4/2020

Theo PNJ, sự sụt giảm của doanh nghiệp do từ đầu tháng 4, các cửa hàng bán trang sức của thương hiệu này đã phải tạm đóng phần lớn các cửa hàng trong toàn hệ thống theo chỉ thị của Cơ quan chức năng và chỉ dần mở cửa lại hoạt động trong nửa cuối tháng 4.

Tính hết tháng 4/2020, PNJ có 292 cửa hàng PNJ Gold, 53 cửa hàng PNJ Silver, 4 cửa hàng CAO và 33 cửa hàng PNJ Watch. Trong 4 tháng đầu năm 2020, PNJ đã mở mới 8 và đóng cửa 5 cửa hàng trang sức, mở mới 8 cửa hàng đồng hồ.

Các doanh nghiệp bán lẻ không thiết yếu đã bị ảnh hưởng nặng nề do tác động của dịch Covid-19, đặc biệt là thời điểm tháng 4, khi Chính phủ thực hiện lệnh giãn cách xã hội. 

Trước đó trong báo cáo quý I/2020, PNJ ghi nhận doanh thu 5.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 511,7 tỷ đồng, lần lượt tăng 4,5% và giảm 5,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Năm 2019, PNJ ghi nhận doanh thu thuần 17.000 tỷ đồng, tăng 16,7%, thấp hơn đáng kể mức tăng của năm 2018 và năm 2017 (lần lượt 32,7% và 28,2%).

Tuy nhiên, nhờ biên lợi nhuận gộp cải thiện nên tăng trưởng lợi nhuận gộp cao hơn tăng trưởng doanh thu thuần, đạt 24,5%, dù vậy vẫn thấp hơn đáng kể hai năm trước đó.

Chi phí tài chính trong năm tăng 79,1%, trong khi chi phí bán hàng tăng 16,5% và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 38,5%.

Chốt năm, PNJ đạt lợi nhuận trước thuế 1.502 tỷ đồng, tăng 24,6% so với năm 2018, dù là mức cao so với mặt bằng chung những vẫn thấp hơn mức tăng 3 năm trước đó.

Tính đến hết ngày 31/12/2019, tổng tài sản của PNJ tăng 33,6% so với hồi đầu năm, đạt trên 8.600 tỷ đồng.

Đáng chú ý, hàng tồn kho tăng 41,3% sau một năm, chiếm tới 81,6% tổng tài sản - mức cao nhất theo dữ liệu từ năm 2012 đến nay.

Trong năm, vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp do "nữ hoàng trang sức" Cao Thị Ngọc Dung làm Chủ tịch tăng 22,1% lên 4.574 tỷ đồng. Tăng trưởng tổng nợ vay (cả ngắn hạn và dài hạn) là 66,9%. Nợ vay hiện chiếm 30,4% tổng nguồn vốn của PNJ, trong khi nợ phải trả chiếm 46,8%.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 20/5, cổ phiếu PNJ giảm 300 đồng về mức 64.000 đồng/cp. Kể từ đáy 45.000 đồng/cp, cổ phiếu đã hồi phục 42,2% trong vòng hơn 1 tháng trở lại đây.

Hoàng Nhi

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến