Lò cao mới không gặp thời
Năm thứ ba liên tiếp, Công ty cổ phần Thép Pomina (mã chứng khoán POM) đối diện với nghi vấn về việc tồn tại yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục.
Liên tiếp trong giai đoạn năm 2020 - 2022, nợ ngắn hạn đều đã vượt quá giá trị tài sản ngắn hạn - một chỉ báo về khả năng thanh toán nợ của doanh nghiệp. Mức chênh này hồi cuối năm 2020 chỉ là 380 tỷ đồng, tăng lên 696 tỷ đồng vào năm 2021 và vọt lên 3.743 tỷ đồng vào năm 2022. Đồng thời, khoản lỗ sau thuế gần 1.080 tỷ đồng của năm 2022 cũng là vấn đề được Công ty Kiểm toán EY nhấn mạnh.
Pomina đã nhanh chóng mở rộng quy mô các khoản vay trong giai đoạn đầu tư nhà máy luyện phôi thép công suất 1 triệu tấn/năm tại Khu công nghiệp Phú Mỹ I (dự án lò cao), đặc biệt, trong năm 2021, khi Dự án đưa vào vận hành. Các khoản vay đã thu hẹp đáng kể trong năm 2022, nhưng chủ yếu do Công ty thu hẹp quy mô kinh doanh. Tồn kho nguyên vật liệu sụt giảm mạnh cũng là nguyên nhân chính khiến mức chênh giữa giá trị tài sản ngắn hạn và nợ ngắn hạn càng nới rộng khoảng cách.
Ngành sản xuất thép hiện có 2 công nghệ sản xuất chính, gồm luyện thép bằng công nghệ lò cao sử dụng quặng sắt và công nghệ lò hồ quang điện với nguyên liệu là thép phế liệu. Với việc đầu tư và có thêm lò cao đi vào hoạt động từ tháng 2/2021, Pomina vận hành kết hợp giữa lò cao và lò hồ quang điện.
Những tưởng, việc có thêm lò cao sẽ giúp Pomina chủ động lựa chọn sản xuất linh hoạt giữa quặng sắt và phế liệu. Tuy nhiên, khi thị trường diễn biến bất lợi, lãnh đạo doanh nghiệp này thừa nhận, sử dụng một lò với công suất đạt mức tối đa sẽ giúp tối ưu chi phí hơn duy trì cả 2 lò với công suất sản xuất tối thiểu.
Đây cũng là lý do Pomina dừng lò cao từ tháng 9/2022, cán bộ nhân viên nghỉ việc, nhà máy dừng hoạt động sau 2 năm mở lò. Trước đó, ở giai đoạn triển khai, Dự án cũng gặp khó khăn do thiếu hụt chuyên gia nước ngoài ở giai đoạn đầu đối diện với khủng hoảng y tế do Covid-19.
Bổ sung thêm lò cao giúp Pomina mở rộng công suất và đạt được mức doanh thu cao kỷ lục gần 14.000 tỷ đồng vào năm 2021. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế chỉ ở mức khá khiêm tốn (216 tỷ đồng) do tăng chi phí lãi vay và khấu hao dự án mới.
Không gặp thời, doanh thu sụt giảm do nhu cầu tiêu thụ thép giảm, trong khi gánh nặng chi phí này vẫn duy trì như một khoản cố định. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến Công ty lỗ ròng ngàn tỷ đồng trong năm 2022, “ăn sạch” thành quả lợi nhuận các năm trước. Sau 4 quý thua lỗ liên tiếp, Pomina đã nâng khoản lỗ lũy kế đến ngày 31/3 lên 439 tỷ đồng.
Tái cấu trúc để cứu dòng tiền
Đến cuối quý I/2023, lượng tiền mặt tại quỹ của Pomina chỉ còn gần 21 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng quy mô 1.443 tỷ đồng tài sản. Không chỉ là số dư tiền mặt thấp nhất từng ghi nhận tại thời điểm cuối quý kể từ khi Pomina niêm yết, lượng tiền mặt ít ỏi còn có thể là vấn đề lớn nếu các khoản nợ đến hạn không được chi trả.
Một quyết định đáng chú ý đã được HĐQT phê duyệt trong những ngày đầu tháng 6 vừa qua là, chủ trương chuyển nhượng một phần vốn chủ sở hữu tại Công ty TNHH Pomina 3 - doanh nghiệp đang sở hữu dự án lò cao mới của Pomina.
Trước đó, lãnh đạo Công ty sẽ tái cấu trúc bằng cách, tách Chi nhánh Nhà máy Thép (Pomina 1) và Chi nhánh Nhà máy Luyện phôi thép (Pomina 3) thành hai công ty cổ phần có pháp nhân độc lập.
Từ tháng 7/2022, Pomina cũng đã sớm “kích hoạt” hoạt động bán tài sản. Thép Pomina 2 - công ty con do Pomina sở hữu 99,5% vốn - đã chuyển nhượng toàn bộ vốn góp tại Công ty TNHH Tôn Pomina cho các bên liên quan với tổng giá trị 401 tỷ đồng.
Cùng với kế hoạch bán tài sản, Pomina cũng đã thống nhất được với BIDV khoản vay vốn, bảo lãnh và mở L/C với hạn mức tín dụng hơn 699 tỷ đồng. BIDV là ngân hàng cho vay với giá trị lớn thứ hai trong các nhà băng đang cấp vốn cho Pomina. Đây đều là các khoản vay cần có tài sản đảm bảo, Công ty có thể cần thế chấp thêm để được giải ngân.
Thêm đó, trong định hướng phát triển đề cập tại báo cáo thường niên phát hành hồi cuối tháng 5, Pomina còn nêu ra khả năng phát hành cổ phiếu mới để tăng vốn chủ sở hữu. Tuy nhiên, với trạng thái thua lỗ, thậm chí lỗ lũy kế như hiện tại, Công ty không thể huy động vốn từ cổ đông hiện hữu, mà chỉ còn “cửa” phát hành riêng lẻ.
Các nhà đầu tư có sẵn sàng góp thêm vốn với giá mua cổ phiếu bằng mệnh giá 10.000 đồng, như thông lệ ở đa phần các đợt phát hành riêng lẻ khác? Cần lưu ý rằng, giá trị thị trường cổ phiếu POM đóng cửa cuối tuần trước ở mức 7.500 đồng/cổ phiếu, tăng gấp rưỡi sau 1 tháng, chủ yếu nhờ giai đoạn bật tăng từ đầu tháng 6 trở lại đây.
Dù có những kỳ vọng về sự hồi phục của thị trường thép, nhưng giá thép giảm trong 2 tháng gần đây đã khiến doanh nghiệp ngành này khó có lãi, trong khi, Pomina đã lỗ 187 tỷ đồng trong quý I/2023. Vì vậy, kế hoạch lãi ròng 300 tỷ đồng được đề ra trước đó đã trở nên không dễ thực hiện. Tái cấu trúc sau giai đoạn thua lỗ cùng kế hoạch huy động vốn được dự kiến là 2 nội dung được đặc biệt quan tâm tại cuộc họp cổ đông tổ chức vào tháng 7/2023.
Tác giả: Tùng Linh
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy