Dòng sự kiện:
PVN 'mắc kẹt' bao nhiêu tiền tại 'ngân hàng 0 đồng' OceanBank?
07/07/2019 06:01:39
Hơn 5.026 tỷ đồng, trên 86 triệu USD và 2.171 EUR là số tiền mà Tập đoàn PVN - PVN đang bị 'mắc kẹt' tại 'ngân hàng 0 đồng - OceanBank.

Chiều ngày 5/7, Kiểm toán Nhà nước đã tổ chức buổi họp báo công bố báo cáo kết quả kiểm toán năm 2018. Theo đó, báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2018 đã chỉ ra một số doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) bị chậm luân chuyển vốn do gửi tiền tại Ngân hàng Đại Dương (OceanBank).

Lý do là Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang kiểm soát trực tiếp Oceanbak sau khi ngân hàng này bị mua lại 0 đồng từ năm 2016.

Trong đó, Tập đoàn PVN - PVN "mắc kẹt" hơn 5.026 tỷ đồng, trên 86 triệu USD và 2.171 EUR tại OceanBank; Tổng công ty Điện lực Dầu khí (PV Power) còn hơn 21 tỷ đồng; Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau 333 tỷ đồng; Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) 2.743 tỷ đồng; Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) 262 tỷ đồng; Tổng công ty Phân bón và hoá chất dầu khí (PVFCCo) 284 tỷ đồng...

Ngoài ra, giai đoạn năm 2010-2015, Ban Quản lý Dự án công trình Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn đã gửi tiền tại 2 ngân hàng nhưng tiền lãi nhận được để ngoài hệ thống sổ sách kế toán, có dấu hiệu vi phạm pháp luật 22,1 tỷ đồng. Kiểm toán Nhà nước đã chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để làm rõ. OceanBank là một trong 3 ngân hàng bị buộc mua lại giá 0 đồng từ năm 2016.

PVN bắt đầu quá trình góp vốn vào Oceanbank sau cái bắt tay giữa các ông: Đinh La Thăng, Nguyễn Xuân Sơn và Hà Văn Thắm. (Ảnh: Dân Việt)

Trong báo cáo gửi Quốc hội về thực hiện nghị quyết sau chất vấn, NHNN cho biết, cơ quan này đang tích cực triển khai các bước cơ cấu, xử lý 3 ngân hàng mua bắt buộc 0 đồng trước đây (Ngân hàng Đại Dương, Ngân hàng Xây Dựng, Dầu khí Toàn cầu) và Ngân hàng Đông Á (DAB).

Phương án cơ cấu ngân hàng trên được thực hiện trên cơ sở kiểm toán độc lập đánh giá thực trạng tài chính, xác định giá trị thực của vốn điều lệ và quỹ dự trữ.

Đề cập trong báo cáo của NHNN, cơ quan này cho biết, phương án cơ cấu lại các Ngân hàng Xây dựng, Dầu khí Toàn Cầu, DAB đang được khẩn trương hoàn thiện để trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt theo đúng quy định của pháp luật.

Riêng với trường hợp của OceanBank, trên cơ sở phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, NHNN đã hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ phương án chuyển nhượng và cơ cấu lại OceanBank sau bán lại cho nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên danh tính ngân hàng ngoại mua lại OceanBank lại không được cơ quan quản lý tiền tệ tiết lộ. 

Việc nhà đầu tư ngoại muốn mua lại OceanBank đã từng được đề cập hồi giữa năm 2017, hơn một năm sau khi ngân hàng này bị buộc mua lại giá 0 đồng để xử lý các tồn tại, yếu kém được đây. Ở thời điểm đó một đại diện của Ngân hàng Nhà nước cho biết có ngân hàng nước ngoài khu vực châu Á bày tỏ ý định "khá nghiêm túc khi muốn tham gia vào quá trình tái cơ cấu OceanBank" và các bên đang tiến hành các bước tiếp theo.

Vào đầu tháng 1/2018, ông Đỗ Thanh Sơn, Chủ tịch HĐTV OceanBank cho biết việc đàm phán với đối tác nước ngoài đã hoàn thành giai đoạn 1, sẵn sàng các bước chuẩn bị cho giai đoạn quan trọng tiếp theo của dự án.

Trong khi đó, tại Diễn đàn M&A Việt Nam 2018, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết Chính phủ sẽ bán và chuyển giao bắt buộc các ngân hàng yếu kém đã mua lại hoặc đang đặt trong tình trạng kiểm soát đặc biệt như OceanBank, CBBank, GP Bank…

Đồng thời, Chính phủ rất hạn chế hoặc không cấp phép ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam nhưng sẽ mở cửa cho nước ngoài mua ngân hàng Việt Nam. Chính phủ đang lựa chọn nhà đầu tư tốt nhất, với chính sách đặc thù trong Nghị quyết xử lý nợ xấu của Quốc hội sẽ là công cụ tốt cho Việt Nam thực hiện việc này.

Cũng tại báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2018, Kiểm toán Nhà nước cho biết, một số doanh nghiệp có hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu cao, kinh doanh chủ yếu dựa vào vốn vay ngân hàng, vốn chiếm dụng, tiềm ẩn rủi ro mất cân đối tài chính. Như Công ty TNHH MTV Khách sạn Dầu khí PTSC thuộc PVN có nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu tới 4,8 lần.

Kết quả kiểm toán còn cho thấy, hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trực thuộc tập đoàn, tổng công ty không hiệu quả dẫn đến thua lỗ lớn, mất vốn chủ sở hữu, phải giải thể. Số lỗ luỹ kế tới hết tháng 12/2017 của Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí gần 3.380 tỷ đồng. Công ty cổ phần Hóa dầu và xơ sợi Dầu khí (PVTex) âm vốn chủ sở hữu 1.780 tỷ đồng. Số lỗ tại Công ty cổ phần Đầu tư Tài chính Công đoàn Dầu khí Việt Nam là 172 tỷ đồng; còn tại Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Dung Quất gần 1.160 tỷ...

Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra, hoạt động đầu tư ra nước ngoài của PVN không hiệu quả, tiềm ẩn rủi ro mất vốn, thua lỗ cao. 24 dự án tìm kiếm thăm dò phát triển dầu khí của PVN "không thành công đã và đang hoàn thành thủ tục chấm dứt dự án" với tổng chi phí 773 triệu USD. Dự án Danan - Iran và Dự án Junin 2 - Venezuela dừng, giãn tiến độ 660 triệu USD. Ngoài ra, dự án tại Peru trị giá 849 triệu USD đang xin chủ trương chuyển nhượng.

Hai dự án đầu tư ra nước ngoài của PVN là dự án lô 67 và SK 305 đã chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài vượt hạn mức quy định trong giấy chứng nhận đầu tư, lần lượt 142 triệu USD và 15 triệu USD.

Linh Nhi (T/h)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến