PVT công bố kết quả kinh doanh năm 2023 với các con số khá tích cực. Cả năm 2023, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của PVT đạt 9.487 tỷ đồng (tăng 4,9% so với năm trước) và 1.239 tỷ đồng (tăng 7,2%). Trong đó, mảng vận tải tăng trưởng tích cực hơn cả với doanh thu trong quý IV tăng trưởng 20% so với cùng kỳ.
Theo CTCK Yuanta, nhìn chung kết quả kinh doanh của PVT tích cực, lợi nhuận quý IV suy giảm chủ yếu do các chi phí tăng đến từ đội tàu mới: chi phí khấu hao tăng và chi phí lãi vay tăng 41% so với cùng kỳ năm trước do tăng nợ vay phục vụ việc mua tàu.
Kết quả kinh doanh quý IV/2023 và cả năm 2023 của PVT
Gần đây, tình trạng căng thẳng tại Biển Đỏ đã khiến cước vận tải tăng mạnh. Cụ thể, chỉ số đại diện giá cước vận tải dầu thô Baltic Dirty Tanker đã tăng hơn 60% từ quý IV/2023 đến nay. Agriseco Research đánh giá bất ổn địa chính trị như xung đột Nga - Ukraine, căng thẳng Biển Đỏ sẽ làm thay đổi đáng kể hải trình của các tuyến đường từ đó khiến giá cước vận tải dầu khí duy trì ở mức cao một cách bền vững.
Ngoài ra, trong khi hải trình các tuyến vận tải dầu đang ngày càng xa hơn thì nguồn cung đội tàu toàn cầu đang chững lại do đầu tư tàu mới giảm mạnh trong vài năm qua.
Trong bối cảnh này, PVT đã liên tục trẻ hóa và mở rộng đội tàu kể từ năm 2021 để nâng đội tàu từ 31 lên 51 tàu. Qua đó, PVT đã nâng được công suất thêm khoảng 1,4 triệu DWT, tương ứng gần 70% công suất trước đó.
Với kỳ vọng giá cước vận tải dầu và giá cho thuê định hạn tiếp tục duy trì ở mức cao một cách bền vững, PVT đã gia tăng công suất để đón đầu xu thế trên. Trong 2 năm tới (2024-2025), PVT tiếp tục có kế hoạch đầu tư để mở rộng đội tàu và hướng tới thị trường quốc tế.
Trong 2024, động lực tăng trưởng của PVT đến từ 12 tàu mới chở dầu/hóa chất đã mua trong năm 2023 với tổng công suất 378.000 DWT, tăng thêm tổng công suất đội tàu gần 150% so với trước đó.
“Ngoài công suất gia tăng, chúng tôi đánh giá việc đa dạng kích cỡ và loại tàu cũng giúp PVT dễ dàng hơn trong việc cho thuê. Ngoài ra, trong trung hạn, PVT cũng lên kế hoạch tiếp tục đầu tư mở rộng đội tàu trong 2024 với ước tính có thể tăng thêm 40% so với 2023, sẽ tăng khả năng cạnh tranh của PVT tăng vị thế cũng như năng lực cạnh tranh của PVT trên thị trường quốc tế. Việc mở rộng ra thị trường quốc tế sẽ thúc đẩy doanh thu và biên lợi nhuận cho PVT. Mục tiêu PVT là đến 2024 tỷ trọng thị trường quốc tế sẽ chiếm ít nhất 70% trong cơ cấu doanh thu”, CTCK Yuanta cho biết.
Cùng chung quan điểm, Agriseco Research kỳ vọng kết quả kinh doanh của PVT sẽ tăng trưởng tích cực trong năm 2024 nhờ: Giá cước vận tải dầu và giá cho thuê tàu định hạn duy trì ở mức cao; PVT đẩy mạnh mở rộng đội tàu và hướng đến thị trường quốc tế trong bối cảnh ngành vận tải dầu thuận lợi.
Tuy nhiên, PVT không lấy làm “lạc quan" như nhận định của giới chuyên gia. Năm 2024, PVT đặt kế hoạch doanh thu và lợi nhuận sau thuế, lần lượt là 8.800 tỷ đồng (giảm 8% so với năm trước) và 760 tỷ đồng (giảm 40%).
“Chúng tôi cho rằng đây là kế hoạch khá thận trọng và việc đặt kế hoạch thấp là khá bình thường đối với PVT các năm qua”, CTCK Yuanta nhận xét.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu PVT sau tuần giảm 5,1% trước đó, đã hồi phục lại 3,83% trong tuần qua, đóng cửa tuần ở mức 27.100 đồng với 4 phiên tăng và 1 phiên điều chỉnh nhẹ hôm thứ Năm (28/2).
Tác giả: Lam Phong