QH thông qua Luật nhà ở và Luật kinh doanh bất động sản sửa đổi
25/11/2014 21:21:59
ANTT.VN – Chiều 25/11, Quốc hội đã thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi) với 77,46% đại biểu tán thành, bên cạnh đó, Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) cũng được thông qua với 82,70% đại biểu tán thành.

Tin liên quan

Ủy ban Thường vụ QH trước đó đã có báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà ở, về công nhận quyền sở hữu nhà ở (Điều 9), có ý kiến đề nghị cần cân nhắc trường hợp người mua nhà chưa thanh toán đủ tiền mà đã được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu, điều này có thể gây tranh chấp giữa chủ đầu tư và khách hàng; cũng có ý kiến đề nghị làm rõ hơn quyền sở hữu nhà ở tránh việc hiểu nhà ở xây dựng không hợp pháp cũng được công nhận quyền sở hữu.

Đa số đại biểu tán thành thông qua Luật nhà ở (ảnh: Báo Đầu tư)

Theo Ủy ban Thường vụ QH, nội dung của điều này chỉ quy định về hình thức ghi nhận quyền sở hữu nhà ở cho các tổ chức, cá nhân, còn điều kiện thanh toán mua nhà ở được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở được quy định tại mục 2 chương IV của dự thảo Luật và dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản. Bên cạnh đó, theo quy định của pháp luật đất đai về cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở thì chỉ khi người mua thanh toán đủ số tiền mua nhà mới có đủ hóa đơn, giấy tờ cấn thiết phía chủ đầu tư để có thể được nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, Phan Trung Lý cho biết, để đảm bảo quyền của chủ sở hữu nhà ở và các bên liên quan, Ủy ban Thường vụ QH để nghị QH cho chỉnh sửa quy định tại khoản 1 theo hướng làm rõ quyền sở hữu nhà ở đã được xác lập trước khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và bổ sung khoản 2 điều 123 theo hướng quy định cụ thể trách nhiệm của các bên trong thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng mua bán.

Điều kiện quan trọng để được quyền sở hữu về nhà ở là phải có nhà ở hợp pháp theo các hình thức mà pháp luật quy định, trong trường hợp có nhà nhưng không tuân thủ điều kiện và hình thức theo quy định của pháp luật thì không đủ điều kiện để nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu với nhà ở đó…

Trong cuộc họp, nhiều đại biểu đề nghị Dự án Bộ luật dân sự (sửa đổi) cần bổ sung thêm phần giải thích từ ngữ vì nhiều từ pháp lý chuyên ngành khó hiểu, còn với khái niệm, từ ngữ pháp lý quá quen thuộc với ngành tư pháp cũng như người dân mà không dẫn tới hiểu sai thì giữ nguyên, tránh sự phức tạp hóa.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn Thái Bình) phân tích thực tế, gần 10 năm thi hành Bộ luật dân sự hiện hành, không có ghi nhận nào về những vướng mắc phát sinh. Ông Lộc nói: “Dự thảo đề xuất sử dụng các thuật ngữ mới thay thế cho các khái niệm hiện đang sử dụng rất phổ biến, như giao dịch dân sự thay bằng hành vi pháp lý, hay thay nghĩa vụ và hợp đồng bằng trái quyền, vật quyền. Những khái niệm này có thể đúng về lý thuyết hàn lâm, nhưng nếu thay đổi sẽ tạo ra xáo trộn trong toàn bộ hệ thống pháp luật tư, vốn dựa trên những thuật ngữ quen thuộc của Bộ luật dân sự hiện hành. Trong khi bản chất các thuật ngữ này không có sự thay đổi về nội hàm và không tạo ra hậu quả pháp lý mới. Nếu không có những vướng mắc trên thực tế, tôi thấy không cần thay đổi”.

Đa số đại biểu tán thành với 8 nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định trong dự án luật gồm: Nguyên tắc công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền dân sự; nguyên tắc bình đẳng; nguyên tắc tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận; nguyên tắc thiện chí, trung thực; nguyên tắc tôn trọng đạo đức, truyền thống tốt đẹp; nguyên tắc tôn trọng lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác; nguyên tắc chịu trách nhiệm dân sự; nguyên tắc hòa giải.

Đại biểu Trần Du Lịch (đoàn TP HCM) bổ sung: “Có một nguyên tắc khác của Luật Dân sự cần phải làm rõ. Đó là nguyên tắc bất động sản và những tài sản mà pháp luật quy định phải đăng ký, việc chiếm hữu không thể suy đoán là sở hữu”.

Trước đó QH cũng đã thông qua luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự, theo đó luật vẫn giữ nguyên quy định người được thi hành án có đơn thi hành án. Về thẩm quyền ra quyết định thi hành án, Luật quy định cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định thi hành án. Về xác minh điều kiện thi hành án, Luật quy định: người phải thi hành án có nghĩa vụ kê khai, cung cấp thông tin về tài sản, thu nhập, điều kiện thi hành án với cơ quan thi hành án dân sự và phải chịu trách nhiệm về việc kê khai của mình…

Thiên Di (th)

 
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến