Quả bom nổ chậm của nền kinh tế Trung Quốc (P2)
11/09/2015 07:37:32
ANTT.VN - Tốc độ tăng trưởng thần kỳ của Trung Quốc chứa đựng những nguy cơ tiềm tàng, nếu không thể tìm ra lời giải, một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu ở mức độ chưa từng thấy sẽ ở ngay trên đầu mỗi chúng ta.

Tin liên quan

Phần 2:

Vay nợ và đất đai.

Để hiểu được làm thế nào Trung Quốc đã tích lũy một khoản nợ lớn tới vậy đòi hỏi phải hiểu được bản chất của sự tăng trưởng kinh tế ở các địa phương. Trong hơn một thập kỷ, sự bùng nổ của thị trường bất động sản(BĐS) đóng vai trò đầu tàu kéo cả nền kinh tế Trung Quốc đi lên.

Sự tăng lên trong giá nhà đất là nền tảng cho dòng vốn và tín dụng khổng lồ chảy vào thị trường. Chúng cho phép chính quyền địa phương đầu tư mạnh tay vào cơ sở hạ tầng và những dự án công nghiệp cần nhiều lao động.

Về lý thuyết, nhà nước Trung Quốc sở hữu đất đô thị, trong khi nông dân kiểm soát đất nông nghiệp. Tuy nhiên trên thực tế, nông dân có rất ít tiếng nói trong vấn đề đất đai. Chỉ giới chức trách địa phương mới có quyền quyết định đâu là đất nông nghiệp, dẫn tới sự độc quyền trong quản lý đất đai.

Việc bán đất đã và đang chiếm một phần lớn trong ngân sách địa phương, lên tới 46% trong 2013. Khoản tiền này chủ yếu tới từ những khoản vay được chính quyền địa phương bảo lãnh thông qua các các công ty vỏ bọc, hay còn được gọi là “Phương tiện cấp vốn cho chính quyền địa phương (LGFVs)”.

Những công ty này chủ yếu sử dụng đất công để thế chấp, giúp cho chính quyền địa phương vay được những khoản tiền khổng lồ. Từ năm 1998, nguồn vốn này đã gây nên cơn sốt xây dựng trên toàn quốc:  Đường cao tốc, tàu cao tốc, sân bay, tàu địa ngầm, lò luyện thép..đua nhau mọc lên như nấm sau mưa.

 

Các ngân hàng Trung Quốc cho vay không kiểm soát

Dựa vào những khoản nợ được đảm bảo bằng đất đai có nghĩa rằng trong khi chính quyền trung ương đang cố gắng để ổn định giá cả nhà đất và tránh làm đổ vỡ bong bóng BĐS, chính quyền địa phương lại muốn giữ cho giá nhà đất ở mức cao. Bởi làm như vậy cho phép họ đảm bảo những khoản vay ngày càng lớn hơn.

Với lý do này, chính quyền địa phương bán đất ra theo kiểu nhỏ giọt, đẩy giá của những khu đất còn lại lên, giúp họ tiếp tục vay được tiền. Chiến lược này được áp dụng và thành công trên toàn lãnh thổ Trung Quốc, giá đất tăng chóng mặt và tín dụng liên tục chảy vào thị trường.

Bởi vì luật pháp Trung Quốc không cho phép các chính quyền địa phương vay mượn trực tiếp, phần lớn đất đai giao dịch được đặt dưới danh nghĩa của LGFVs. Trên thực tế, những công ty này giống với các công ty nhà nước (SOEs) khác, có thể vay tiền một cách tự do và dễ dàng qua mặt lệnh cấm của chính quyền trung ương tới nỗi không ai, kể cả bộ Tài chính nước này, biết chính xác số nợ của các chính quyền địa phương.

Sự nhập nhằng này khiến việc xác định chính xác con số nợ chính phủ của TQ là điều không thể, mặc dù một số chuyên gia cho rằng nó nằm trong khoảng 5-7 nghìn tỷ USD.

Trong gần 2 thập kỷ qua, những nhà phân tích đã liên tục dự đoán một cuộc khủng hoảng trong hệ thống ngân hàng Trung Quốc. Tuy nhiên thực tế cho thấy điều này sẽ khó xảy ra trong tương lai gần. Có hai lý do cơ bản giải thích điều này:

Đầu tiên, họ xem những ngân hàng thương mại Trung Quốc như các ngân hàng tư nhân trong thị trường cạnh tranh đúng nghĩa. Mặc dù vậy, tất cả những ngân hàng lớn của Trung Quốc đều được sở hữu bởi chính phủ, và miễn là Bắc Kinh có đủ vốn để cung cấp cho chúng, hệ thống ngân hàng của nước này vẫn có thể hoạt động trơn tru.

Thứ hai, họ đã xem nhẹ vai trò quan trọng của đất đai trong xử lý nợ. Nhu cầu về đất đai tăng lên dẫn tới giá đất được giữ ở mức cao. Nhờ vậy chính quyền địa phương luôn có thể bán thêm đất, nên rất ít hồi chuông được rung lên để cảnh báo.

Một công trình xây dựng ở Liêu Ninh

Thậm chí khi những dấu hiệu nguy hiểm đầu tiên xuất hiện, chính quyền ngay lập tức phản ứng đủ nhanh để tránh bất kỳ một cuộc khủng hoảng nào. Trong suốt thập niên 90, tất cả các ngân hàng Trung Quốc cho vay một cách rộng rãi theo chỉ thị của Bắc Kinh. Hệ quả là nợ xấu đang ngày một tăng lên.

Trước 1999, 4 ngân hàng lớn nhất Trung Quốc: Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc, ngân hàng Trung Quốc, Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc và ngân hàng Công nghiệp và Thương mại Trung Quốc, về mặt nguyên tắc đã mất khả năng thanh toán. Nhưng Bắc Kinh đã phản ứng rất nhanh để xử lý vấn đề này, lập nên một loạt các công ty quản lý tài sản nhằm mua lại tất cả số nợ xấu, đưa bảng cân đối kế toán của những ngân hàng này trở lại trạng thái cân bằng.

Năm 2003, những ngân hàng này lại ngập trong nợ xấu, và một lần nữa phải nhờ tới sự can thiệp của chính phủ. Như một phần trong nỗ lực tái cấu trúc các tổ chức tài chính để đủ điều kiện niêm yết trên sàn chứng khoán Hồng Kông, chính phủ trung ương đã bơm gần 80 tỷ USD vào 4 ngân hàng nói trên.

Không có bất cứ lý do nào để tin rằng Bắc Kinh sẽ dừng lại việc đứng sau những ngân hàng này trong những năm tới, miễn là họ còn tiền để tiếp tục làm vậy.

Tuy nhiên, đối với những ngân hàng địa phương thì lại là một câu chuyện khác. Mặc dù những ngân hàng này cũng có những rắc rối với nợ xấu, Bắc Kinh thường để chính quyền địa phương tự xử lý nó.

Do những chính quyền này không được hỗ trợ tài chính từ Bắc Kinh, họ dựa chủ yếu vào sự hòa giải giữa chủ nợ, người vay và một bên thứ ba có khả năng cung cấp những khoản cứu trợ. Đổi lại, những bên thứ ba này được cấp đất với chi phí ưu đãi.

Mặc dù vậy, sử dụng đất đai như một công cụ để xử lý nợ xấu chỉ có hiệu quả nếu giá bất động sản duy trì ở mức cao, và những khu đất rao bán nằm ở vị trí thuận lợi. Khi cả 2 yếu tố này mất đi, không ai đảm bảo được chuyện gì sẽ xảy đến với cả hệ thống ngân hàng địa phương Trung Quốc.

Thật vậy, đầu năm 2015 đánh dấu một bước ngoặt trong thị trường BĐS Trung Quốc. Khối lượng giao dịch và doanh thu đều giảm 30% so với năm ngoái. Có 2 nguyên nhân:

Đầu tiên là sự giảm sút trong chất lượng BĐS, sau 15 năm bùng nổ, các chính quyền địa phương đã bán gần như tất cả các khu đất vàng trên khắp đất nước.

Thứ hai là sự giảm sút trong nhu cầu. Năm 2014, giao dịch BĐS giảm 7,6% khối lượng và 6,3% doanh thu so với năm 2013. Mọi việc trở nên tồi tệ hơn khi thị trường BĐS bây giờ đang phải chịu sức ép lớn từ thừa cung.

Cuối năm 2014, Trung Quốc có khoảng 23 tỷ m2 BĐS mới đang xây dựng hoặc đang chào bán. Thậm chí nếu nguồn cung duy trì ổn định, có thể phải mất tới 5 năm để thị trường tiêu hóa hết số BĐS này. Trên thực tế, đường cầu lại đang dốc xuống.

Công trường bỏ hoang ở tp. Trùng Khánh

Chính quyền địa phương đã và đang cảm thấy những tác động của sự đi xuống trong nhu cầu BĐS. Để đối phó, họ tiếp tục sử dụng các công ty vỏ bọc tham gia đấu giá BĐS nhằm giữ nó ở mức cao. Những giao dịch này thực tế chỉ là ảo.

Theo một nghiên cứu gần đây bởi ngân hàng Deutsche, những tổ chức vỏ bọc này thắng 43% số vụ đấu giá đất ở tỉnh Giang Tô trong năm 2014 trong khi tỷ lệ này là không đáng kể trong những năm trước. Nhà cầm quyền địa phương biết rõ rằng nếu giá đất lao dốc, các khoản vay sẽ không dồi dào như trước, và nợ xấu sẽ khó khăn hơn để xử lý.

Hội Đồng Nhà Nước Trung Quốc, cơ quan cao nhất của đất nước thông báo tháng 3 vừa rồi rằng họ sẽ đồng ý cho các chính quyền địa phương phát hành 480 tỷ USD trái khoán dài hạn để thanh toán các khoản nợ đang tồn tại.

Sự tráo đổi nợ ngắn hạn của các chính quyền địa phương với trái khoán dài hạn có thể là một giải pháp hiệu quả trong tương lai gần, bởi vì cấu trúc nợ của Trung Quốc hầu hết là ngắn hạn và bởi vậy không quá  nguy hiểm đối với nền kinh tế trong trung và dài hạn.

Tuy nhiên cách tiếp cận này lại gây nên những lo ngại mới. Bởi vì Trung Quốc không phải là một nước dân chủ đúng nghĩa, việc cho phép các chính quyền địa phương bán trái khoán có thể đưa ra những mối nguy tiềm tàng, dẫn họ tới ý định vay nợ thoải mái mà không có khả năng hoặc kế hoạch trả nợ khả thi.

Ngoài tái cấu trúc nợ, Bắc Kinh cũng có thể tăng thuế để có tạo ra nguồn thu mới. Trên thực tế, Chính phủ nước này đang xem xét việc tăng thuế, qua đó hỗ trợ chính quyền địa phương trả nợ.

Nhưng tại một thời điểm mà thị trường nhà đất đang đi xuống, và ở một đất nước nơi những gánh nặng về thuế thuộc hàng cao nhất trên thế giới, những loại thuế mới hoặc mức thuế cao hơn có thể làm giảm nhịp tăng trưởng trong dài hạn.

Như vậy trong thời điểm hiện tại, duy trì tăng trưởng ngắn hạn bằng cách tăng các khoản vay dài hạn, hay tăng thuế để bổ sung nguồn thu, đều không phải là những chiến lược hợp lý. Cả hai đều đưa ra những nguy cơ cho của một cuộc khủng hoảng kinh tế trên diện rộng.

Nghi Điền (Theo Foreign Affairs)

Phần cuối: Lối thoát nào cho Trung Quốc.

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến