Dòng sự kiện:
Qua đỉnh lợi nhuận, Tập đoàn Kido lãi vỏn vẹn 30 tỷ đồng trong quý III
24/10/2022 06:32:05
Sau khi đạt lợi nhuận khủng trong quý II với 219 tỷ đồng, bước sang quý III/2022, Tập đoàn Kido báo lãi 30 tỷ đồng, giảm mạnh 76% so với cùng kỳ năm 2021.

Công ty Cổ phần Tập đoàn Kido (HoSE: KDC) vừa công bố báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh quý III/2022 với doanh thu thuần đạt gần 3.227 tỷ đồng, tăng 26,2% so với cùng kỳ năm trước.

Trong quý, mặc dù giá vốn hàng bán tăng 29% nhưng lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ vẫn thu về 555,7 tỷ đồng, tương đương mức tăng 13% so với quý III/2022.

Đáng chú ý, KDC ghi nhận thêm khoản lợi nhuận từ chuyển nhượng khoản đầu tư trị giá 39,6 tỷ đồng trong khi quý III năm ngoái không ghi nhận. Tuy vậy, tổng doanh thu hoạt động trong kỳ vẫn sụt giảm hơn 22,6%. Nguyên nhân là so trong quý lãi tiền gửi của Kido giảm mạnh từ 70 tỷ đồng xuống chỉ còn 11 tỷ đồng tại thời điểm quý III/2022.

Ngoài ra, công ty cũng ghi nhận khoản lỗ gần 35 tỷ đồng khi đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết trong khi cùng kỳ thu về hơn 27,8 tỷ đồng. Các khoản chi phí của công ty đều phát sinh thêm trong quý. Trong đó, chi phí bán hàng là 356 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp là 104 tỷ đồng, tăng lần lượt 13% và 5% so với cùng kỳ.

Kết thúc quý III/2022, Tập đoàn Kido báo lãi 30 tỷ đồng, ghi nhận mức giảm mạnh 76% so với cùng kỳ. Đây cũng là lần ghi nhận lợi nhuận thấp nhất trong năm 2022 của Tập đoàn.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, Tập đoàn Kido đem lại 9.569 tỷ đồng doanh thu thuần và 487 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 29% và giảm 24% cùng kỳ năm 2021.

Năm 2022, công ty đặt ra mục tiêu tổng doanh thu là 14.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế là 900 tỷ đồng. Như vậy sau 9 tháng đầu năm 2022, công ty mới hoàn thành 54% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Về tình hình tài chính của công ty, tại ngày 30/9/2022, tổng tài sản của Tập đoàn Kido là 13.535 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm. Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền đạt 967,8 tỷ đồng giảm hơn 24% so với đầu kỳ.

Bên cạnh đó, các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn tại công ty tăng 33%, đạt 642 tỷ đồng, chủ yếu từ khoản đầu tư trái phiếu VDS trị giá 610 tỷ đồng, tăng 35% so với số đầu kỳ. Chỉ số hàng tồn kho trong kỳ ở mức 2.025 tỷ đồng, giảm 18,8%.

Dư nợ phải trả đến cuối tháng 9 của Tập đoàn Kido là 6.515 tỷ đồng, giảm 9% so với đầu năm. Trong đó, nợ ngắn hạn ở mức 4.975 tỷ đồng, chiếm 76% cơ cấu nợ của công ty. Trong đó, Tập đoàn Kido có 15 khoản vay đa số đến từ các ngân hàng với trị giá 3.016 tỷ đồng.

Diễn biến thị giá cổ phiếu KDC (Nguồn: TradingView).

Ngoài ra, công ty còn ghi nhận lô trái phiếu với tổng giá trị 1.000 tỷ đồng với tổng chi phí phát hành tại ngày 30/9/2022 đạt 991,7 tỷ đồng.

Thông tin thêm về lô trái phiếu trên, vào đầu năm 2021, Tập đoàn Kido đã phát hành trái phiếu với tổng giá trị 1.000 tỷ đồng với mệnh giá mỗi trái phiếu là 1 tỷ đồng. Tổ chức thu xếp phát hành là Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quốc tế Việt Nam (VIB) với lãi suất 8%/năm.

Tổng số tiền thu được từ đợt phát hành được sử dụng để bổ sung nguồn vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Tại ngày 30/9/2022, trái phiếu được sở hữu bởi VIB và được đảm bảo bằng 92 triệu cổ phiếu Vocarimex và 17 triệu cổ phiếu Trường An (các công ty con trong Tập đoàn Kido).

Vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp đến cuối kỳ đạt 7.010 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ.

Chốt phiên giao dịch ngày 21/10, cổ phiếu KDC có giá 61.900 đồng/cổ phiếu, tăng 0,65% so với số tham chiếu.

Tác giả: Nguyễn Phương Anh

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến