Mới đây nhất, ngày 30/6, Thiếu tướng Nguyễn Văn Thành, Cục Phó Cục C03 Bộ Công an đã phải lên tiếng khẳng định, thông tin 2 ông Nguyễn Thanh Long (cựu Bộ trưởng Y tế) và ông Nguyễn Quang Tuấn (cựu GĐ BV Bạch Mai) tự tử là không chính xác.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Thành xác nhận với báo chí, ông Nguyễn Thanh Long và ông Nguyễn Quang Tuấn đang bị giam giữ, tâm lý, tâm trạng bình thường và “không có chuyện tự tử".
Trước đó, ông Nguyễn Thanh Long bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, liên quan đến vụ án Việt Á.
Trong khi đó, ông Nguyễn Quang Tuấn (trình độ: Giáo sư, tiến sĩ y khoa) bị khởi tố để điều tra, làm rõ trách nhiệm liên quan đến sai phạm đấu thầu thiết bị y tế xảy ra tại Bệnh viện Tim Hà Nội.
Ông Nguyễn Thanh Long (trái) và Nguyễn Quang Tuấn
Đây không phải lần đầu lãnh đạo Bộ Công an phải lên tiếng vì những đồn đoán thất thiệt liên quan đến việc các quan chức bị bắt giữ.
Thời điểm cuối tháng 8/2020, trước các thông tin về việc ông Nguyễn Đức Chung có vấn đề về sức khoẻ khi bị bắt, Thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng, Bộ Công an cũng từng phải lên tiếng khẳng định sức khỏe ông Nguyễn Đức Chung hoàn toàn bình thường.
Đến đầu tháng 12/2020, bên lề cuộc họp báo Chính phủ, Thiếu tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an thêm một lần nữa phải lên tiếng về tình hình sức khoẻ của ông Chung.
Khi đó, Thiếu tướng Tô Ân Xô cho biết, qua thông tin của lãnh đạo Cơ quan An ninh điều tra cho biết, trong lần kiểm tra sức khoẻ mới nhất tại một bệnh viện của Hà Nội, sức khoẻ của ông Nguyễn Đức Chung ổn định bình thường, không có vấn đề gì đặc biệt hay các bệnh nghiêm trọng.
Hậu quả nhãn tiền khi tung tin bịa đặt
Trao đổi với VietNamNet, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, việc kiểm soát nội dung thông tin, quản lý thông tin trên không gian mạng là rất cần thiết.
Hành vi đưa thông tin giả mạo, sai sự thật, thông tin xuyên tạc, bịa đặt, vu khống, xúc phạm danh dự nhân phẩm uy tín của tổ chức, cá nhân là những hành vi vi phạm pháp luật, tùy vào tính chất, mức độ của hành vi, tùy thuộc vào mục đích và hậu quả xảy ra mà người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường
Theo luật sư, trường hợp đưa thông tin sai sự thật nhưng chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng, chưa ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, người vi phạm sẽ bị xử phạt theo quy định tại điểm a, khoản 1, điều 101, Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 3/2/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.
Hành vi trên sẽ bị phạt tới 20 triệu đồng. Trường hợp xâm phạm bí mật đời tư cá nhân, mức phạt có thể đến 30 triệu đồng.
Ngoài ra còn có quy định về biện pháp khắc phục hậu quả. Theo đó người vi phạm bị buộc phải gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn, hoặc thông tin vi phạm pháp luật do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1 và 2 điều này.
Trường hợp đưa tin sai sự thật gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, người vi phạm có thể bị xử lý hình sự về tội Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính mạng viễn thông theo điều 288 BLHS hoặc tội Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân theo điều 331 BLHS.
Trường hợp hành vi là bịa đặt, vu khống những điều biết rõ là không có thật nhằm xúc phạm danh dự nhân phẩm uy tín của người khác mà bị tố cáo, người vi phạm có thể bị xử lý hình sự về tội Vu khống theo điều 156 BLHS.
Tiến sĩ Đặng Văn Cường cho hay, khi phát hiện những thông tin giả mạo, bịa đặt, vu khống, xúc phạm danh dự nhân phẩm uy tín của người khác, cơ quan chức năng sẽ vào cuộc xác minh làm rõ nguồn tin, đánh giá hậu quả của thông tin đó đã gây ra đối với các tổ chức, cá nhân và đối với xã hội để có hình thức xử lý phù hợp với quy định của pháp luật.
Trường hợp hành vi thỏa mãn dấu hiệu cấu thành của các tội danh như tội Vu khống, tội Làm nhục người khác, đội Đưa tin trái phép trên mạng internet, tội Lợi dụng quyền tự do dân chủ để xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân thì cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can để xử lý đối với những người đưa tin sai sự thật theo quy định của pháp luật.
Trường hợp hành vi chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng, chưa thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành tội phạm, người đưa thông tin giả mạo, xuyên tạc, bịa đặt, sai sự thật trên không gian mạng sẽ bị xử phạt hành chính.
Tác giả: T.Nhung
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy