Phiên tòa phúc thẩm xử ông Nguyễn Đức Chung- cựu Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã kết thúc với việc HĐXX không chấp nhận kháng cáo kêu oan của người từng đứng đầu chính quyền thành phố. Không chấp nhận bởi lẽ, tất cả bằng chứng đều chống lại ông Chung. Không chấp nhận bởi lẽ, chính ông chứ không ai khác, khi còn đương chức đã dùng quyền lực của mình tác động để “công ty gia đình” độc quyền mua bán chế phẩm Redoxy-3C làm sạch ao hồ ở Hà Nội, thiệt hại cho Nhà nước hơn 36 tỷ đồng.
Bị cáo Nguyễn Đức Chung cùng 2 đồng phạm nghe tuyên án tại phiên tòa phúc thẩm (Ảnh: Trọng Phú)
Phiên tòa khép lại nhưng có quá nhiều điều đáng suy nghĩ, nếu không muốn nói là đáng hổ thẹn cho một vị cựu quan chức đã cố “cãi chày cãi cối” nhằm phủ nhận hành vi vi phạm pháp luật của mình. Trước phiên tòa, ông Chung dành rất nhiều thời gian, công sức để viết “tâm thư” minh oan cho bản thân. Tại tòa, ông lấy “danh dự của một con người” để đảm bảo rằng: ông không biết vợ mình đã góp 5 tỷ đồng vốn điều lệ khi thành lập Công ty Arktic bởi nguyên tắc của gia đình ông là “vợ không bao giờ hỏi công việc của chồng ở cơ quan, chồng cũng không bao giờ hỏi vợ về công việc kinh doanh”.
Nhưng đáng tiếc, những lời minh oan của ông chẳng có mấy giá trị bởi nguyên tắc của hoạt động tố tụng là “trọng chứng hơn trọng cung”.
Ông cựu Chủ tịch Hà Nội đã dùng mọi “lý lẽ” để phủ nhận sự tồn tại của “công ty gia đình”, phủ nhận trách nhiệm cá nhân khi mình không phải là người “trực tiếp ký”, phủ nhận việc "chỉ đạo miệng", tác động để mua chế phẩm Redoxy-3C từ Công ty Arktic.
Dù vậy, gia đình ông vẫn “âm thầm” chuẩn bị 25 tỷ đồng để khắc phục hậu quả, khắc phục thiệt hại. Và phiên tòa kết thúc khi bản án dành cho ông Chung đã giảm từ 8 năm xuống còn 5 năm tù.
Lâu nay, sự tồn tại của các công ty gia đình núp sau quan chức, lợi dụng quyền lực, ảnh hưởng của quan chức đã gây bức xúc trong dư luận bởi nó tạo ra sự bất bình đẳng trong cạnh tranh giữa các doanh nghiệp. Sự tồn tại của những doanh nghiệp kiểu này đã “bóp méo” cả hai khâu, lập chính sách và thực thi chính sách. Nó góp phần hình thành các cá nhân và phe nhóm với “quyền lực đen” và “quyền lực ngầm” không thể kiểm soát trong chính bộ máy công quyền.
Đáng sợ hơn, đó chính là con đường ngắn nhất để “hút máu” ngân sách. Bao nhiêu dự án, bao nhiêu tiền của Nhà nước ngay kể cả khi “đấu thầu công khai” thì những doanh nghiệp kiểu này vẫn có một “lối đi riêng” để dễ dàng trúng thầu. Những quan chức tha hóa dù không trực tiếp ký nhưng bằng “chỉ đạo miệng”, bằng ảnh hưởng của mình thì những dự án tiêu tiền ngân sách sẽ khó lọt ra ngoài. Hậu quả là tiền ngân sách - tiền thuế của dân - đã chảy từ khu vực công sang khu vực tư, êm nhẹ “như lồng hồng”.
Ông Nguyễn Đức Chung, bà Hồ Thị Kim Thoa và bà Phan Thị Mỹ Thanh.
Trước ông Chung, cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa, cựu Phó Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Phan Thị Mỹ Thanh cũng bị cáo buộc dành những ‘đặc quyền, đặc lợi” cho công ty gia đình. Gần đây nhất, trong vụ án liên quan đến những sai phạm tại Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn SAGRI, gây thất thoát cho Nhà nước gần 350 tỷ đồng, tại tòa, cựu Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến khai rằng, khi hạ bút ký dẫn đến sai phạm, ông có phần “nể nang” ông Lê Tấn Hùng - Tổng giám đốc SAGRI bởi lẽ, ông Hùng là em ruột một cựu lãnh đạo cao nhất TP.HCM thời điểm đó.
Từ những năm 90 của thế kỷ trước, khi đầu tư nước ngoài vào Việt Nam chủ yếu dưới hình thức liên doanh với các doanh nghiệp nhà nước, nhiều tổng giám đốc của phía đối tác Việt Nam đã rất “nhanh chân” cho người thân của mình lập nên các doanh nghiệp chỉ để nhằm hưởng lợi từ các dự án này với tư cách nhà thầu, đại lý hay nhà cung cấp hàng hoá, dịch vụ. 3 thập kỷ trôi qua, hiện tượng này không những không giảm mà còn tăng ở cấp độ cao và tinh vi hơn, đặc biệt có nhân tố mới là sự tham gia của các quan chức trong bộ máy quản lý nhà nước.
Trong bối cảnh chúng ta đang thực hiện quyết liệt cuộc đấu tranh chống tham nhũng thì các công ty, doanh nghiệp "sân sau" núp bóng quan chức cần phải được kiểm soát chặt chẽ.
Trung Quốc, ngày 19/6 vừa qua, Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã ban hành quy chế mới nhằm siết chặt hoạt động kinh doanh của vợ chồng, con cái các quan chức lãnh đạo. Đây là động thái mới nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong cuộc chiến phòng chống tham nhũng. Tân Hoa Xã nhấn mạnh, tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh của vợ chồng, con cái cán bộ lãnh đạo là “biện pháp quan trọng để quản trị Đảng, quản lý giám sát cán bộ chặt chẽ và toàn diện”.
Rõ ràng, công ty gia đình núp bóng quan chức để được hưởng đặc quyền, đặc lợi đã thật sự trở thành một mối nguy. Nhưng số vụ bị phanh phui ở Việt Nam chiếm bao nhiêu phần trăm so với con số thực tế? Và khi nào chúng ta ban hành các quy định nhằm kiểm soát chặt chẽ những hoạt động “kinh tế ngầm” dưới danh xưng “công ty gia đình”?./.
Tác giả: Quốc Phong
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy