Đề cương Nghị định Quy định về thanh toán không dùng tiền mặt đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) lấy ý kiến xong. NHNN cho rằng hoạt động trung gian thanh toán là hoạt động có liên quan đến hoạt động ngân hàng, tác động trực tiếp đến quyền lợi của người tham gia dịch vụ, cũng như ảnh hưởng đến an ninh, an toàn trong chính sách tiền tệ quốc gia.
Vì vậy, cần thiết cơ quan quản lý nhà nước phải có chính sách phù hợp, trong đó có vấn đề quy định về tỷ lệ góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này.
Xu hướng thanh toán di động
Theo xu hướng chung của thế giới và khu vực, thanh toán không dùng tiền mặt nói chung và thanh toán di động nói riêng đang dần trở nên quen thuộc tại Việt Nam. Thống kê của Gartner cho biết số lượng người dùng thanh toán di động trên toàn cầu năm 2016 đã tăng gấp 2 lần so với năm 2012, và dẫn đầu chính là khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tại Trung Quốc, hiện có hơn 900 triệu người dùng các ứng dụng di động Alipay và WeChat Pay mỗi ngày để thanh toán các hóa đơn, mua hàng, hay thậm chí người ăn xin cũng có thể nhận tiền bằng cách quét mã QR. Ở Ấn Độ, người dân đi chợ mua rau và thanh toán bằng điện thoại thông qua ví điện tử Paytm. Tại Việt Nam, theo hãng nghiên cứu thị trường Statista, tổng các giao dịch thanh toán điện tử đã tăng 22% trong năm 2017 so với năm 2016 và lên đến 6,14 tỉ đô la Mỹ. Con số này dự kiến sẽ còn nhân đôi, lên đến 12,33 tỉ đô la Mỹ vào năm 2022.
Việt Nam hiện có khoảng 27 doanh nghiệp đã được cấp phép cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán như Payoo, MoMo, BankPlus, 1Pay, M-Pay, Vimo, Bảo Kim, ZaloPay, Ngân lượng, Mobivi... cung cấp các dịch vụ ví điện tử, thu hộ, chi hộ... Chỉ với một chiếc điện thoại thông minh, người dùng có thể tải các ứng dụng về máy và thanh toán nhanh chóng hàng hóa, dịch vụ trong vòng vài giây. Mức phí sử dụng ví điện tử thấp cũng là yếu tố thu hút nhiều người sử dụng. Điều này lý giải vì sao giá trị giao dịch qua ví điện tử tăng rất mạnh. Tốc độ tăng trưởng GDP cao, dân số trẻ chiếm tỷ lệ lớn và giao dịch dùng tiền mặt vẫn chiếm đa số đang là cơ hội to lớn đối với các tổ chức trung gian thanh toán tại Việt Nam.
Sự ra đời của các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán tại Việt Nam thời gian qua đã hỗ trợ hiệu quả cho các ngân hàng trong việc đa dạng hóa và gia tăng tiện ích, tiện lợi trong cung ứng dịch vụ, mở rộng phạm vi phục vụ khách hàng, tối ưu hóa chi phí đầu tư về hạ tầng công nghệ thông tin, góp phần tích cực trong việc phát triển thanh toán không dùng tiền mặt theo đúng định hướng của Chính phủ và NHNN. Hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán gắn liền với sự phát triển không ngừng của kỹ thuật, công nghệ hiện đại nên các quy định pháp lý cũng cần phải được liên tục rà soát, chỉnh sửa, bổ sung để phù hợp với thực tiễn cũng như đảm bảo được vai trò quản lý nhà nước.
Vị thế của vốn ngoại
Trong lĩnh vực trung gian thanh toán, vốn ngoại đang có vị thế rất lớn. Điển hình như tại VNPT EPAY, ngoài phần vốn do tập đoàn VNPT sở hữu, 65% vốn thuộc về hai nhà đầu tư Hàn Quốc là Global Payment Service (64,99%) và UTC Investment Co., Ltd (0,83%); 90% vốn của 1Pay đang do True Money (Thái Lan) nắm giữ; tập đoàn NTT Data (Nhật Bản) đã mua 64% vốn của Payoo; MOL Global (Malaysia) sở hữu 50% cổ phần tại Cổng thanh toán Ngân lượng. Các đơn vị như Bảo Kim, ZaloPay, MoMo cũng đều có vốn đầu tư ngoại tham gia trong quá trình phát triển. Cuối năm ngoái, Alipay (dịch vụ thanh toán thuộc tập đoàn Alibaba - Trung Quốc) cũng đã chính thức ký hợp tác chiến lược với Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) để chuẩn bị cung cấp các dịch vụ thanh toán điện tử cho khách Trung Quốc vào Việt Nam.
Thực tế các tổ chức trung gian thanh toán không có sự cách biệt quá nhiều về mặt công nghệ nhưng tổ chức nào trường vốn thì mới tồn tại được trên thị trường. Bởi lẽ, hầu hết các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này đều đang phải bỏ tiền ra để khuyến khích, tạo thói quen cho người dùng sử dụng dịch vụ, lôi kéo người dùng. Sự cạnh tranh trong lĩnh vực trung gian thanh toán sẽ còn khốc liệt, đòi hỏi nhà đầu tư phải bơm nguồn vốn lớn, đủ am hiểu về công nghệ và mức độ chấp nhận rủi ro cao. Các nhà đầu tư nước ngoài thường đáp ứng các yếu tố này tốt hơn các nhà đầu tư trong nước.
Hạn chế room là chưa đủ
Cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán là hoạt động tiềm ẩn nhiều rủi ro, có tính lan truyền, gây ảnh hưởng đến an ninh tiền tệ quốc gia, trật tự, an toàn xã hội và đạo đức xã hội. Gần đây liên tiếp diễn ra hai vụ việc rất nghiêm trọng liên quan đến các trung gian thanh toán.
Thứ nhất là vụ các cổng trung gian thanh toán như VNPT EPAY, Ngân lượng, Home Direct... “trợ giúp” cho đường dây đánh bạc ngàn tỉ đồng qua mạng Ribvip (Giám đốc điều hành Cổng thanh toán VNPT Epay Châu Nguyên Anh đã bị khởi tố). Thời gian qua, các cổng thanh toán chấp nhận nạp, rút tiền qua thẻ điện thoại với mức phí dao động từ 21-26%, mà không quản lý việc khách hàng dùng tiền để làm gì. Đây là kẽ hở rất lớn, đã bị một số đối tượng lợi dụng để xây dựng hệ thống thanh toán cho hoạt động đánh bạc trực tuyến phi pháp.
Thứ hai là vụ cơ quan chức năng phát hiện khách hàng Trung Quốc thanh toán tiền mua hàng 200.000 NDT (khoảng 700 triệu đồng) tại ki ốt Trung tâm Du lịch Bãi Cháy qua hệ thống máy POS của ngân hàng Trung Quốc. Việc thanh toán này là chuyển tiền trái phép, có dấu hiệu trốn thuế.
Vì vậy, cơ quan chức năng cần phải siết chặt hơn việc quản lý, thanh kiểm tra đối với dịch vụ trung gian thanh toán. Một trong những biện pháp cần thiết là phải có quy định cụ thể về tỷ lệ góp vốn tối đa đối với nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào lĩnh vực này. Hiện nay, tỷ lệ góp vốn tối đa của nhà đầu tư nước ngoài đối với các ngân hàng thương mại cổ phần là 30%; với tổ chức tín dụng phi ngân hàng, thực hiện theo quy định của công ty đại chúng là không quá 49%. NHNN dẫn ra kinh nghiệm của Indonesia cho thấy, tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực thanh toán đối với các tổ chức nhận tiền gửi, vận hành bù trừ, chuyển mạch, quyết toán cuối cùng... là 20% vốn sở hữu.
Quyết định giới hạn nào cho sở hữu nước ngoài thì cũng cần tạo điều kiện để các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Các doanh nghiệp này hầu hết là các startup FinTech (công ty khởi nghiệp về công nghệ tài chính), có nhu cầu vốn lớn. Việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài đối với họ không chỉ mang đến sự hỗ trợ về tài chính mà còn là việc tận dụng công nghệ, học hỏi từ các quốc gia đi trước trong lĩnh vực công nghệ nói chung và thương mại điện tử nói riêng.
Bên cạnh đề xuất hạn chế room sở hữu của khối ngoại ở lĩnh vực này, các cơ quan chức năng còn phải tăng cường kiểm tra, giám sát quá trình hoạt động của các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán để đảm bảo không phát sinh việc rửa tiền, thanh toán chui, tạo điều kiện cho các giao dịch trốn thuế hay mua bán hàng hóa bị cấm.
Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy