Quan trên ‘phân xử tài tình’ việc xả đập nước bất thường ở Kỳ Anh
25/07/2016 11:35:01
Báo cáo giải trình của lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh về việc báo Người đưa tin phản ánh tin bài “Xả đập nước bất thường ở Kỳ Anh, Hà Tĩnh” khiến tôi liên tưởng đến câu chuyện dân gian “Phân xử tài tình”.

Tin liên quan

Ngày xửa ngày xưa, ở một làng nọ, có ông quan huyện được trời phú cho tài xét xử rất tài tình. Trong dân gian, vụ án nào rắc rối nhất ông đều có cách tìm ra manh mối và phân xử rất công bằng.

Vào một ngày đẹp trời, ông vi hành đến tỉnh Hà Tĩnh theo lời mời của phóng viên báo Người đưa tin để phân xử một số việc. Đương nhiên, không phải ăn thua ai đúng ai sai mà những người báo chỉ muốn ông điều tra để có một kết luận khách quan nhất nhằm lấy lại uy tín cho tờ báo.

Mâu thuẫn bắt đầu từ việc các phóng viên phát hiện ra chất thải của Formosa được chôn lấp trái phép trong trang trại của ông Lê Quang Hòa. Sau đó ít hôm, phóng viên lại ghi nhận việc xả đập nước bất thường ở thượng nguồn sông Trí. Chẳng hiểu tại sao trong lúc “nước sôi lửa bỏng”, nhân dân không biết còn bao nhiêu tấn hóa chất độc hại đang được chôn dưới lòng đất thì Công ty Thủy lợi Nam Hà Tĩnh lại chỉ đạo làm một việc “khó hiểu” như vậy. Vậy là một lần nữa, dư luận lại xôn xao, những thông tin trái chiều, gây nhiễu sóng nhiều vô cùng khiến nhân dân không biết đâu mới là sự thật!

Bản báo cáo của UBND tỉnh Hà Tĩnh được cho là "cú đâm sau lưng sự thật"

Và sự có mặt của ông quan huyện như một nguồn sáng cứu rỗi tính khách quan của dư luận trong sự việc này.

Ông đã sử dụng phương pháp sàng lọc thông tin bằng những cách mà ông đã áp dụng rất hiệu quả trong quá khứ. Ông ra sức trấn an, hòa giải hai bên (nhà báo và cơ quan chức năng liên quan đến các sự việc), tuy nhiên luôn theo dõi thái độ mà hai bên dành cho nhau. Nhờ cách làm này mà trước đây, ông đã xử đúng người, đúng tội trong vụ án tên ăn cắp gà và người đàn bà ngoa mồm.

Chẳng là người đàn bà đó bị mất con gà, vì xót của nên bà ta đã tru tréo chửi cả tông môn tên nào ăn trộm gà của mụ liền hai ngày. Bất ngờ, quan đã ra lệnh mỗi người đi qua, tát cho mụ một cái vào má để cho chừa tội xúc phạm đến sự yên tĩnh của người khác. Và nhờ cách đó, quan đã dễ dàng xác định được tên ăn trộm. Bởi hắn là người căm hận mụ nhất vì bị “đào” cả ba đời lên chửi, ắt hắn sẽ tát mụ ta đau nhất.

Tương tự vậy, quan huyện cũng đã đứng ra hòa giải cho hai bên trong sự việc này. Đương nhiên, ông cũng không quên quan sát thái độ của hai bên dành cho nhau. Và kết quả là các nhà báo đã giữ đúng sự thiện chí của mình, đã “giảm nhiệt” các tin bài về sự cố theo lời đề nghị của UBND tỉnh Hà Tĩnh. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì mà UBND tỉnh Hà Tĩnh lại làm một “vố” đâm sau lưng các nhà báo, gửi báo cáo giải trình các cơ quan chức năng và trong đó có tố cáo rằng báo Người đưa tin đã phản ánh sai sự thật.

Trong khi văn bản số 344 của Công ty Thủy lợi Nam Hà Tĩnh viện dẫn lý do xả đập: “Căn cứ nhu cầu sử dụng nước của Công ty TNHH gang thép Hưng nghiệp Formora”. Nhưng tại báo cáo gửi các cơ quan chức năng, UBND tỉnh Hà Tĩnh lại khẳng định rằng: Báo nêu, xả đập theo yêu cầu của Formosa là không đúng(?!).

Quan huyện băn khoăn: Phải chăng hành động này cũng tương tự như cái tát điếng người mà tên trộm đã “dành tặng” cho mụ đàn bà bị mất gà?

Công văn này thể hiện rõ, căn cứ để xả đập là theo nhu cầu của Formosa

Chưa thể có một kết luận khách quan về sự việc, quan huyện lại một lần nữa “thử”. Lần này ông áp dụng chiêu bài mà ông đã dùng nó để tìm ra người ăn cắp tiền của sư cụ trong chùa.

Đó là cách quan sát “giật mình” của những kẻ cắp. Khi xưa, ông mượn thần quyền (uy của Phật) để khiến kẻ gian phải giật mình (ai ăn cắp thì hạt thóc trong tay người đó sẽ nảy mầm). Và đến sự việc này, ông chỉ cần quan sát xem bên nào “giật mình”, bên đó ắt có vấn đề!

May mắn thay, ông có sẵn những manh mối, đó chính là văn bản giải trình – cú tát trời giáng của UBND tỉnh Hà Tĩnh dành tặng cho cánh nhà báo và những tin bài mà báo Người đưa tin đã đăng trước đó liên quan đến sự việc.

Với một người có tài quan sát và khả năng logic như ông thì việc tìm ra những điểm “giật mình” không hề khó.

Trong khi báo Người đưa tin chỉ nói rằng: Việc xả đập có thể làm mất hết các dấu trầm tích trong khe suối, mạch nước ở khu vực hạ lưu điểm chôn chất thải; gây khó khăn cho việc điều tra của các cơ quan chức năng. Vậy mà UBND tỉnh Hà Tĩnh lại khăng khăng tìm mọi chứng cứ để phủ định việc xóa dấu tích “chỗ chôn lấp chất thải” – điều không hề xuất hiện trong các bài báo.

Vậy chẳng phải thái độ khăng khăng phủ nhận một cách vội vàng, thiếu chính xác, quy chụp thông tin, không nghiên cứu kĩ nội dung các bài báo chính là dấu hiệu của sự giật mình? Chẳng phải “hạt thóc” trong tay UBND tỉnh Hà Tĩnh đã “mọc mầm” rồi hay sao?

Quan huyện thoáng nghĩ: Đúng là “lạy ông tôi ở bụi này”!

Theo Người đưa tin

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến