Dòng sự kiện:
Quảng Bình huy động mọi nguồn lực phòng chống dịch tả lợn châu Phi
20/06/2019 21:46:45
Trước tình trạng dịch bệnh xuất hiện tại nhiều địa phương, các cơ quan chức năng trong tỉnh Quảng Bình đã tăng cường các biện pháp cấp bách ngăn chặn, khống chế dịch bệnh lây lan ra diện rộng.

Sau khi xuất hiện ổ dịch đầu tiên tại huyện Minh Hóa, Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật tỉnh Quảng Bình đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, quyết liệt chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi, tổ chức bao vây, khống chế không để dịch lây lan ra diện rộng.

Tại địa bàn huyện Tuyên Hóa, sau khi phát hiện ổ dịch tả lợn châu Phi trên đàn lợn rừng lai ở xã Đức Hóa, UBND huyện đã chỉ đạo địa phương tiến hành tiêu hủy số lợn nhiễm bệnh, đồng thời, khoanh vùng bị dịch uy hiếp trong phạm vi 3km và vùng đệm 10km để tiến hành cách ly, phun thuốc tiêu độc, khử trùng theo quy định.

Tăng cường vệ sinh chuồng trại, và các công tác phòng dịch tại các địa phương

Tại huyện Lệ Thủy, khi đã xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi tại xã Thanh Thủy, UBND huyện đã tiến hành tiêu hủy toàn bộ số lợn bị mắc bệnh cùng 275kg thức ăn, tiến hành các công tác phòng chống dịch bệnh triệt để ngay sau đó.

Để ngăn chặn dịch bệnh bùng phát, UBND huyện Lệ Thủy đã tổ chức họp khẩn cấp các chủ trang trại, các hộ chăn nuôi, cơ sở giết mổ lợn, cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi để thông báo tình hình dịch bệnh, kết hợp ký cam kết không mua bán, tiêu thụ, vận chuyển, giết mổ lợn.

Không mua bán, vận chuyển, tiêu thụ các thức ăn cho lợn không rõ nguồn gốc, đặc biệt là tại khu vực đang xảy ra dịch bệnh. Hướng dẫn cụ thể cho các cơ sở, các hộ gia đình chủ động trong việc phòng chống dịch bệnh lây lan và phát triển.

Một chốt kiểm dịch tại huyện Minh Hóa, địa phương xuất hiện dịch tả lợn Châu Phi đầu tiên trong tỉnh

Hiện, trên địa bàn huyện Lệ Thủy, việc mua bán và giết mổ lợn đã được quản lý và kiểm soát gắt gao, hầu hết đều không được phép kinh doanh và tiêu dùng. Đối với xã Thanh Thủy, tất cả các hoạt động vận chuyển, mua bán sản phẩm từ lợn, thức ăn chăn nuôi đều phải tạm ngừng.

Đúng vào ngày dịch bệnh được phát hiện, phòng Nông nghiệp cùng UBND huyện đã thành lập ba chốt kiểm dịch tại các tuyến đường giao thông chính đó là ngã tư Cam Liên, quốc lộ 9C, ngã ba Chợ Mai để kiểm soát tối đa các hoạt động gây lây lan và phát triển dịch bệnh. Tất cả các xe lưu thông gia súc trên các tuyến đường này sẽ được kiểm dịch nghiêm ngặt và sẽ có những mức phạt cụ thể cho các phương tiện cố ý vận chuyển lợn trái phép. Đặc biệt nếu phát hiện có lợn đang mang dịch bệnh thì lập tức thu hồi và tiêu hủy.

Lực lượng chức năng tiêu hủy đàn lợn nhiễm dịch

Tiếp đó, các cơ quan chức năng tiến hành cung cấp số điện thoại, địa chỉ, tên các cơ quan tiếp nhận thông tin, nhằm kịp thời tiếp nhận các thông tin liên quan đến dịch tả lợn châu Phi, để báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo quy định để kịp thời ngăn chặn và xử lý.

Trong trường hợp phát hiện lợn bị bệnh, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện phối hợp với Chi cục chăn nuôi và thú y sẽ lấy mẫu xét nghiệm tại vùng có nghi ngờ là dịch tả lợn Châu Phi, nhanh chóng lên phương án xử lý ổ dịch, phòng, chống dịch bệnh.

Một chốt kiểm dịch tại huyện Lệ Thủy

Theo Cục Y tế Dự phòng - Bộ Y tế, dịch tả lợn châu Phi không có khả năng lây sang người nên người tiêu dùng không nên lo sợ, tẩy chay sản phẩm thịt lợn.

Theo đó, dịch tả lợn Châu Phi có tác nhân gây bệnh là vi rút, khác hoàn toàn với bệnh tả ở người là một bệnh nhiễm trùng đường tiêu hóa do vi khuẩn. Kể cả khi người phơi nhiễm với sản phẩm động vật nhiễm bệnh không được nấu chín cũng không có nguy cơ lây nhiễm bệnh tả lợn sang người.

Ông Trần Công Tám, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cũng cho biết, công tác kiểm soát an toàn dịch bệnh tại các lò mổ, các chợ được thực hiện thường xuyên, nghiêm túc. Do đó, người tiêu dùng có thể yên tâm sử dụng thịt lợn sạch, rõ nguồn gốc.

Lê Thảo

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến