Dòng sự kiện:
Thanh Hóa: Tiểu thương điêu đứng vì chính quyền cấm buôn bán thịt lợn
25/05/2019 08:30:44
Hàng trăm tiểu thương tại xã Dân Lý, huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa) bỗng lâm vào cảnh thất nghiệp vì chính quyền cấm buôn bán thịt lợn để phòng chống dịch tả lợn châu Phi.

Hàng trăm tiểu thương thất nghiệp

Ngày 16/5/2019, Chủ tịch UBND xã Dân Lý, huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa) ban hành thông báo về việc chống dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn xã Dân Lý, trong đó có nội dung: “Nghiêm cấm các hộ vận chuyển, kinh doanh, giết mổ và các hộ chế biến từ thịt lợn (trong địa bàn dân cư và chợ Thiều, xã Dân Lý) ra vào địa bàn của xã, thời gian bắt đầu từ ngày 16/5/2019. Nếu hộ nào vi phạm, UBND xã sẽ lập biên bản để thu hồi, tiêu hủy và xử lý theo quy định của pháp luật.

Đối với hộ giết mổ lợn và hộ kinh doanh sản phẩm từ thịt lợn phải ngừng hoạt động kinh doanh giết mổ, buôn bán tại chợ Thiều và bán lẻ tại các thôn kể từ ngày 16/5/2019 cho đến khi hết dịch được công bố của UBND huyện. Nếu hộ nào vi phạm, UBND xã sẽ lập biên bản để thu hồi, tiêu hủy và xử lý theo quy định của pháp luật...”

Lệnh cấm khiến 120 sạp thịt lợn ở chợ Thiều vắng hiu

Trước thông tin này, hàng trăm tiểu thương kinh doanh, buôn bán thịt lợn ở chợ Thiều đã đồng loạt lên tiếng phản đối gay gắt.

Ghi nhận tại chợ Thiều, xã Dân Lý ngày 24/5, toàn bộ 120 sạp hàng buôn bán thịt lợn của chợ đều trống trơn, không người bán kẻ mua như thường lệ.

Một tiểu thương bức xúc cho biết: “Lực lượng chức năng có trách nhiệm kiểm dịch từ khâu chăn nuôi đến lúc lên bàn mổ và đem ra chợ. Khi phát hiện lợn bệnh, sẽ tiêu hủy và cấm không cho vận chuyển đi nơi khác.

Chúng tôi không đồng ý với chính sách cấm tiệt cả đối với lợn sạch thế này, điều này không chỉ khiến người buôn bán như chúng tôi thiệt hại nặng mà còn ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng”.

Được biết, việc cấm buôn bán thịt lợn, các sản phẩm chế biến từ thịt lợn ở chợ Thiều đã diễn ra gần 10 ngày nay, khiến hàng trăm hộ kinh doanh mặt hàng này bị thiệt hại nặng nề về kinh tế.

“Chúng tôi ủng hộ các biện pháp phòng chống dịch tả lợn châu Phi, nói không với việc tiêu thụ các sản phẩm thịt lợn bệnh. Tuy nhiên, đối với lợn sạch, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng thì phải để cho chúng tôi bán. Nếu phát hiện người nào tiêu thụ lợn bệnh thì cứ việc xử phạt thật nặng. Chứ việc cấm tiệt như thế này là một biện pháp tiêu cực, gây thiệt hại không chỉ đối với thương lái mà còn đối với người chăn nuôi và người tiêu dùng”, một tiểu thương khác tại chợ Thiều bày tỏ.

Chính quyền xã hiểu sai?

Ông Đoàn Quang Chinh (Quản lý chợ Thiều) cho biết, chợ có 120 sạp buôn bán thịt lợn, bình quân mỗi ngày tiêu thụ hơn 1,5 tấn. Từ trước đến nay, việc truy xét nguồn gốc thực phẩm tại chợ được thực hiện kỹ. 

“Các cơ quan chức năng cần có biện pháp kiểm soát, kiểm dịch thật chặt chẽ. Nếu phát hiện lợn mắc bệnh, thì lập tức ngăn chặn không cho tiểu thương đưa vào chợ, mà buộc phải tiêu hủy, đồng thời xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Còn đối với lợn sạch, thì nên có cơ chế để cho người dân giết mổ, buôn bán bình thường”, ông Chinh đề nghị.

Trao đổi về sự việc, ông Bùi Văn Tỉnh, Phó chủ tịch UBND xã Dân Lý cho biết, việc ra văn bản cấm buôn bán thịt lợn tại địa phương này do lãnh đạo huyện chỉ đạo.

Theo lời ông Tỉnh, có đoàn công tác của huyện đi kiểm tra tại chợ Thiều và thấy người dân bán thịt lợn. Lãnh đạo huyện có gọi cả Chủ tịch xã và Phó chủ tịch xã lên khiển trách đồng thời chỉ đạo yêu cầu không được bán thịt lợn ở chợ. Sau đó, chính quyền xã đã thực hiện theo.

Tuy nhiên, khi được hỏi về vấn đề này, ông Lã Văn Lâm, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Triệu Sơn, lại cho rằng huyện đã chỉ đạo đúng nhưng xã lại hiểu sai.

“Huyện chỉ đạo rất nghiêm túc, cấm giết mổ, cấm bán thịt lợn không đúng quy định. Thế nhưng, xã lại hiểu sai, bỏ qua các chữ không đúng quy định dẫn đến làm như vậy”, ông Lâm lí giải.

Cũng theo ông Lâm, huyện sẽ tiến hành họp các chợ, các tiểu thương và chính quyền xã để phổ biến lại vấn đề này.

Tính từ ngày 23/2 đến ngày 19/5, dịch tả heo châu Phi đã xuất hiện tại 123 xã của 18 huyện, TP trên địa bàn, buộc phải tiêu hủy 8.089 con lợn, trọng lượng 526,8 tấn. Hiện dịch bệnh tả lợn châu Phi đang có diễn biến phức tạp tại các huyện Thiệu Hóa, Hoằng Hóa, Nông Cống, Quảng Xương, TP Thanh Hóa.

Lương Diễn

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến