Dòng sự kiện:
Quảng Ngãi: Bệnh viêm da dày sừng tái xuất hiện, 5 người nhập viện
14/12/2017 15:47:33
Trong vòng 4 ngày, ở Quảng Ngãi đã xuất hiện 5 ca mắc hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân sau 3 năm tạm lắng.

Tri thức trực tuyến đưa tin, theo Trung tâm Y tế huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi), ngày 14/12 trung tâm vừa xác định thêm 2 bệnh nhân mắc hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân, nâng số ca mắc bệnh lên con số 5 trong vòng 4 ngày.

Theo đó, hai bệnh nhân mới là chị Phạm Thị Dách (27 tuổi, đang mang thai tháng thứ 5) và bé gái Phạm Thị Vị (9 tuổi, con gái của chị Dách) cùng ngụ thôn Làng Dút 1, xã Ba Nam, huyện miền núi Ba Tơ. Hiện mẹ con chị Dách đang được điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Ba Tơ theo phác đồ của Bộ Y tế.

Hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân. Ảnh internet

Trước đó, Trung tâm đã tiếp nhận điều trị 3 bệnh nhân cũng có dấu hiệu mắc hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân gồm: Phạm Văn Prênh (53 tuổi) và Phạm Thị E (47 tuổi) và A Troa (17 tuổi) đều ngụ ở thôn Tà Noát, xã Ba Ngạc. Do bệnh chuyển biến nặng, 3 bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi cấp cứu, điều trị.

Trước diễn biến về căn bệnh trên, trao đổi trên báo VnExpress ông Nguyễn Tấn Đức, Giám đốc Sở Y tế Quảng Ngãi cho biết, ngành y tế đang tăng cường giám sát dịch tễ, phun thuốc khử khuẩn môi trường quanh các khu dân cư; đồng thời hướng dẫn cho người dân cách phòng bệnh và các dấu hiệu nhận biết bệnh để kịp thời đến cơ sở y tế điều trị.

Bệnh viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân xuất hiện vào khoảng cuối 2011 đầu 2012 ở làng Rêu, xã Ba Điền, huyện Ba Tơ. Bệnh nhân đều có chung triệu chứng dày sừng, nứt nẻ bàn tay, bàn chân. Họ có chỉ số men gan tăng, có người tăng 4 - 5 lần, nhưng cũng có bệnh nhân tăng tới 10 - 20 lần mức bình thường. Nhóm tuổi mắc bệnh xuất hiện nhiều ở nhóm 15 - 29.

Theo thống kê của ngành y tế Quảng Ngãi, từ năm 2011- 2014 có 228 ca bệnh được phát hiện, 26 người tử vong. Hồi đầu năm 2013, Bộ Y tế công bố kết quả nghiên cứu dịch tễ học, xác định ban đầu nguyên nhân bệnh do độc tố vi nấm, chủ yếu là Aflatoxin, do tập quán của người địa phương thường ăn gạo mốc. Độc tố này xâm nhập vào cơ thể người thiếu vi chất dinh dưỡng, gây bệnh.

Ly Na (t/h)

 

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến