Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Sau khi mua đất vườn của người dân, các cá nhân, doanh nghiệp nâng hạng mức đất ở, san nền, làm đường bê tông, lắp dựng trụ điện rồi phân lô, rao bán. Đó là thực trạng đang diễn ra tại một số xã vùng ven thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi.
Một khu đất rộng khoảng 2.000 m2 nằm sát Trường Tiểu học Nghĩa Thuận, huyện Tư Nghĩa (cách trung tâm thành phố Quảng Ngãi khoảng 7 km về phía Tây) trước vốn là đất vườn của người dân. Sau khi được một cá nhân mua rồi san ủi mặt bằng, làm đường bê tông, lắp điện chiếu sáng và phân lô, khu đất như được “lột xác” thành một khu dân cư nhỏ với khoảng 15 lô đất ở.
Ông Nguyễn N., người dân sống gần khu vực này cho biết: Khu vườn trước kia là của ông Hoàng, vườn rộng nhưng hơi trũng so với vườn của mọi người. Cách đây vài năm, ông Hoàng bán vườn đi nơi khác sống. Từ đó, chủ mới đổ đất, san nền, rồi phân lô bán. Nhiều người đến hỏi mua nhưng đến nay chỉ có một người xây nhà ở.
Theo ông N., việc chuyển đổi, nâng hạng mức đất ở tương đối thuận lợi, không tốn nhiều chi phí. Cụ thể, vườn nhà ông N. có diện tích 1.700m2. Trước đây chỉ có 200 m2 đất ở nhưng nay, ông đã nâng lên 100% đất ở và phân thành nhiều sổ để tiện cho các con về sau. Tổng chi phí nâng hạng mức và tách thành nhiều thửa như vườn nhà ông hết gần 40 triệu đồng.
Tương tự, tình trạng gom đất nông nghiệp, đất vườn để chuyển đổi sang đất ở cũng xảy ra tại xã Nghĩa Điền, huyện Tư Nghĩa. Tại thôn Điền An, một khu đất rộng trước đây vốn được trồng keo, nằm bên tuyến đường đã được Ủy ban nhân dân xã Nghĩa Điền bê tông hóa từ kinh phí xây dựng nông thôn mới nay đã được chuyển đổi mục đích sử dụng thành đất ở (tách ra gần 20 lô) và cũng đã được mua bán, trao đổi.
Theo ông Nguyễn Tiến, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Nghĩa Điền, “dự án” phân lô bán nền tại thôn Điền An được thực hiện khoảng năm 2019. Tuy nhiên, khu vực này khá “heo hút”, không phải trung tâm xã, lại ít dân cư nên đến nay vẫn chưa có người xây dựng nhà. Việc mua bán đất do người dân tự phát thực hiện; khi mua bán, bà con không đến xã thực hiện các thủ tục mà tới các phòng công chứng, phòng giao dịch một cửa. Việc nâng hạng mức đất được thực hiện tại Phòng Tài nguyên Môi trường. Do đó, xã rất khó quản lý việc phân lô của người dân.
Cách thức tương tự cũng được các cá nhân, doanh nghiệp thực hiện tại nhiều xã khác của huyện Tư Nghĩa, Nghĩa Hành. Tại đây, xuất hiện nhiều “dự án” quy mô từ 5 - 10 lô nhưng cũng có “dự án” lên đến hàng chục lô. Trải qua cao điểm phân lô, hiện nay, nhiều “dự án” đang trong tình trạng bỏ hoang, làm nơi chăn thả gia súc, gây lãng phí nghiêm trọng nguồn lực tài nguyên và bất ổn xã hội.
Việc các cá nhân tự ý “gom” đất rồi đầu tư thêm hạ tầng để phân lô, bán nền sẽ gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội. Người mua đất không đến xây dựng nhà ở, còn người có nhu cầu ở lại không thể mua do giá đất đã bị “thổi” quá cao. Đồng thời, việc phân lô, bán nền nhưng không lập dự án đầu tư còn dẫn đến tình trạng tách thửa sai phép, phá vỡ quy hoạch phát triển của địa phương, làm quá tải hệ thống hạ tầng khu vực; nghiêm trọng hơn là làm cạn kiệt quỹ đất, khiến quỹ đất còn lại dành cho quy hoạch và phát triển sau này ngày càng khan hiếm, gây khó khăn trong việc kêu gọi, thu hút đầu tư vào địa phương.
Trước thực trạng này, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi đã có văn bản hỏa tốc về việc kiểm tra thực trạng chuyển đổi mục đích sử dụng đất, tách thửa, phân lô, bán nền trên địa bàn huyện Tư Nghĩa. Theo đó, hiện nay, tình trạng mua bán, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, tách thửa, phân lô, bán nền trên địa bàn huyện Tư Nghĩa diễn ra phức tạp và có nhiều trường hợp không tuân thủ quy định của pháp luật.
Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Ủy ban nhân dân huyện Tư Nghĩa chủ trì, khẩn trương tổ chức kiểm tra, có biện pháp kiểm soát, xử lý để ngăn chặn tình trạng trên; tăng cường quản lý về các giao dịch mua bán, chuyển quyền sử dụng đất đai, các trường hợp chuyển đổi mục đích sử dụng đất, tách thửa, phân lô bán nền không đúng quy định pháp luật; báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh trước ngày 15/9/2022.
Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tư Nghĩa Nguyễn Đăng Vinh, thực hiện chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh, huyện đã thành lập đoàn để kiểm tra thực trạng trên.
Tuy nhiên, việc người dân mua bán, nâng hạng mức đất ở, tách thửa, phân lô, bán nền đều thực hiện thủ tục tại Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện hoặc Phòng Tài nguyên thuộc Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh, Phòng Giao dịch một cửa nên Ủy ban nhân dân huyện rất khó quản lý./.
Tác giả: Đinh Hương
- Kon Tum: Kiểm tra việc thuê hơn 150.000 m2 đất để trồng rau rồi đem phân lô, bán nền
- Bộ TN&MT yêu cầu rà soát, xử lý việc san ủi đồi núi, ao hồ… để phân lô bán nền
- Dân tự cắm cọc bê tông, thép gai để phân lô: Loạt quy định mới dẹp loạn
- Hà Nội ra dự thảo mới, hàng loạt trường hợp không được phân lô tách thửa
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy