Tại phiên họp thứ 4 Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ được tổ chức sáng 19/4, Bộ Nội vụ công bố kết quả chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước năm 2022 (SIPAS 2022), chỉ số cải cách hành chính (CCHC) năm 2022 của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (PAR INDEX 2022).
Kết quả chỉ số CCHC 2022 của địa phương được phân theo 3 nhóm. Trong đó, nhóm A đạt kết quả từ 90% trở lên, gồm 2 tỉnh, thành phố. Nhóm B đạt kết quả từ 80% đến dưới 90%, gồm 56 tỉnh, thành phố. Nhóm C đạt kết quả từ 70% đến dưới 80%, gồm 5 tỉnh, thành phố.
Theo đó, Quảng Ninh trở lại vị trí dẫn đầu bảng xếp hạng chỉ số CCHC năm 2022 với kết quả đạt 90,10%; đây là lần thứ 5 Quảng Ninh đạt ngôi vị quán quân bảng xếp hạng này, tương đương với thành phố Đà Nẵng - địa phương từng có 5 năm liên tiếp đứng đầu bảng xếp hạng (từ 2012 đến 2016).
Quảng Ninh đứng đầu 2 bảng xếp hạng mới được công bố sáng 19/4. Ảnh: Quốc Nam.
Đứng vị trí thứ 2 trên bảng xếp hạng chỉ số CCHC năm 2022 là thành phố Hải Phòng với kết quả đạt 90,09%; đây cũng là lần thứ 10 liên tiếp Hải Phòng nằm trong nhóm 5 địa phương dẫn đầu chỉ số CCHC.
Đứng cuối bảng xếp hạng là tỉnh Phú Yên, đạt 75,99%, thấp hơn 3,98% so với đơn vị đứng cuối bảng xếp hạng của năm 2021. Xét trong chu kỳ 5 năm gần nhất, kết quả của tỉnh Phú Yên cũng luôn nằm trong nhóm 5 địa phương thấp nhất cả nước và cũng có 2 lần đứng cuối bảng xếp hạng.
Xét theo các vùng, khu vực Đồng bằng sông Hồng có năm thứ 3 liên tiếp có giá trị trung bình chỉ số CCHC cao nhất với kết quả đạt 86,62%. Đây là khu vực thường xuyên có sự mặt của các địa phương đứng đầu bảng xếp hạng chỉ số CCHC những năm gần đây. Khu vực Tây Nguyên có giá trị trung bình chỉ số CCHC thấp nhất so với các khu vực còn lại, chỉ đạt 83,51%.
Theo đánh giá, giá trị trung bình chỉ số CCHC năm 2022 thấp hơn 1,58% so với năm 2021. Nguyên nhân là năm 2022 bổ sung một số tiêu chí đánh giá việc thực hiện các nhiệm vụ CCHC theo các quy định mới.
Ngoài ra còn một số nguyên nhân chủ quan khác đã được phản ánh vào kết quả là: Một số địa phương có lãnh đạo quản lý các cấp còn sai phạm trong thực thi công vụ dẫn đến phải xử lý kỷ luật, hình sự; vẫn còn một số cơ quan, đơn vị tại địa phương sai phạm trong thực hiện các quy định về quản lý tài chính - ngân sách; việc số hóa giấy tờ, hồ sơ và cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở một số nơi còn hình thức, hiệu quả chưa cao.
Đối với kết quả chỉ số CCHC năm 2022 các bộ, cơ quan ngang bộ có 3 nhóm. Trong đó, chỉ số trên 90%, bao gồm 2 đơn vị: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Tư pháp.
Chỉ số CCHC từ trên 80% đến dưới 90%, bao gồm 11 đơn vị, bao gồm: Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ; Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Xây dựng; Bộ Giao thông - Vận tải; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Công Thương.
Chỉ số CCHC dưới 80% có 4 đơn vị là: Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Y tế; Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Ngoại giao.
Trong khi đó, với chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước năm 2022, Quảng Ninh là địa phương dẫn đầu về mức độ hài lòng với 87,59%. Xếp sau là Thái Nguyên với 86,26%. Hai vị trí cuối là Cao Bằng (74,81%) và Bình Thuận (72,54%).
Phân tích các chỉ số thành phần, cho thấy người dân quan tâm đến 8 nhóm chính sách ở các mức độ rất khác nhau. Trong đó, họ quan tâm nhiều nhất đến chính sách khám, chữa bệnh, với mức độ rất quan tâm là 71,82% và quan tâm đến chính sách phát triển kinh tế thấp nhất, với mức độ rất quan tâm chỉ là 57,07%.
Không ít người dân cho rằng vẫn còn tình trạng tiêu cực của công chức trong giải quyết công việc cho người dân, mặc dù với các mức tiêu cực khác nhau. Có 12,28% người dân được khảo sát cho rằng vẫn có tình trạng một số ít công chức gây phiền hà sách nhiễu và 1,33% cho rằng có tình trạng nhiều công chức gây phiền hà sách nhiễu.
Đồng thời, 10,05% người dân được khảo sát cho rằng có tình trạng một số người dân phải chi tiền ngoài quy định cho công chức để công việc được giải quyết và 1,77% cho rằng có tình trạng nhiều người dân phải trả tiền này.
Để triển khai, đánh giá xác định chỉ số CCHC năm 2022, Bộ Nội vụ đã khảo sát hơn 86.000 phiếu; trong đó, có 36.095 phiếu của người dân; 50.109 phiếu điện tử khảo sát công chức, lãnh đạo, quản lý các cấp tại bộ, cơ quan, địa phương. Trong khi đó, với chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước, từ ý kiến phản hồi của 36.095 người dân, Bộ Nội vụ đã tổng hợp, phân tích dữ liệu khảo sát và xây dựng một bộ chỉ số gồm 37 chỉ số phản ánh nhận định, đánh giá của người dân; 45 chỉ số phản ánh mức độ hài lòng của người dân và 10 chỉ số phản ánh nhu cầu, mong đợi của người dân. |
Tác giả: Hồng Quang
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy